(KTSG Online) - Quyết định giảm sản lượng dầu hơn 1,1 triệu thùng/ngày vào cuối tuần qua của liên minh OPEC+ có thể làm tăng giá nhiên liệu ở Mỹ đúng lúc Tổng thống Joe Biden sắp khởi động chiến dịch tái tranh cử.
Nhà Trắng có khả năng phản ứng theo nhiều cách như bán dầu từ kho dữ trữ chiến lược, thúc đẩy sản xuất dầu ở trong nước hoặc ủng hộ dự luật cho phép kiện các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và hạn chế xuất khẩu xăng dầu.
- OPEC+ tiếp tục giảm sản lượng, giá dầu có thể tiến đến 100 đô la/thùng
- OPEC+ giảm sản lượng, Mỹ tuyên bố bán thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược
Bán dầu từ kho dự trữ chiến lược
Tổng thống Joe Biden có thể ra lệnh bán tiếp dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR), được thiết lập năm 1970 sau lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC. Theo theo dữ liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, SPR đang nắm giữ khoảng 371 triệu thùng dầu.
Năm ngoái, Mỹ đã trích xuất 180 triệu thùng từ SPR để bán ra thị truờng trong nỗ lực kiểm soát giá xăng tăng cao sau cuộc chiến ở Ukraine. Gần đây, chính phủ Mỹ xem xét mua dầu bổ sung vào SPR.
Tuy nhiên, Kevin Book, Giám đốc điều hành của ClearView Energy Partners, công ty tư vấn ở Washington, cho biết không điều gì có thể ngăn cản Nhà Trắng mở một đợt bán dầu khác từ SPR.
“Tổng thống Biden đã nắm quyền kiểm soát giá xăng theo cách mà các tổng thống khác trước ông ấy không làm được. Nếu muốn kiềm chế giá xăng trong nước, ông ấy có thể can thiệp để bán dầu từ SPR”, ông nói.
Thúc đẩy sản xuất dầu trong nước
Để ngăn chặn nguồn cung thắt chặt quá mức trên thị trường dầu, Nhà trắng có thể thúc giục các tập đoàn dầu mỏ trong nước bơm thêm dầu. Sẽ không bất ngờ nếu lúc này, các tập đoàn dầu mỏ của Mỹ hứng nhiều lời chỉ trích hơn sau nhiều lần phớt lờ lời kêu gọi mở rộng sản xuất của Tổng thống Joe Biden trong năm qua.
Hoạt động suất dầu trong nước của Mỹ tiếp tục tăng trưởng chậm. Điều này là do các tập đoàn dầu mỏ không dám mạo hiểm khoan thêm dầu do lo ngại rơi vào tình thế nguy hiểm về tài chính nếu giá dầu sụp đổ như các chu kỳ trước đây.
“Vì chính phủ Mỹ thực sự không thể ép buộc các thành viên OPEC+ tăng sản lượng dầu, nên "kẻ chịu đòn" sẽ là các công ty dầu khí trong nước”, Timm Schneider, nhà phân tích của The Schneider Capital Group nói.
Về vấn đề này, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với tất cả các nhà sản xuất và người tiêu dùng để đảm bảo thị trường năng lượng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi tập trung kiểm soát giá cả nhiên liệu cho người tiêu dùng Mỹ”.
Thúc đẩy dự luật NOPEC
Khi OPEC+ bất ngờ ra quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng /ngày hồi tháng 10 ngoái, Nhà Trắng đã ra đưa thông điệp ẩn ý rằng, có thể ủng hộ dự luật NOPEC. Đây là dự luật cho phép các cơ quan chính phủ Mỹ và các bên tư nhân kiện các tổ chức hợp tác dầu mỏ như OPEC và công ty dầu khí quốc gia của các thành viên OPEC về những vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ bằng cách kiểm soát nguồn cung để tác động giá dầu. Tuy nhiên, cuối cùng thì chính phủ Mỹ đã không làm như vậy.
Lý do là Nhà Trắng lo ngại các tác động mà dự luật này có thể gây ra đối với quan hệ ngoại giao giữa Washington với khu vực Trung Đông cũng như ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, vốn kiếm được nguồn thu lớn nhờ xuất khẩu vũ khí sang các nước giàu dầu mỏ ở vùng Vịnh Ba Tư. Gần đây, một số thượng nghị sĩ Mỹ đã tái giới thiệu dự luật NOPEC để gây sức ép, buộc các nước OPEC dừng cắt giảm sản lượng dầu.
Hạn chế xuất khẩu xăng dầu
Các biện pháp khác mà chính quyền Tổng thống Joe Biden có sẵn để sử dụng gồm lệnh hạn chế xuất khẩu xăng và dầu diesel. Năm ngoái, Nhà Trắng đã xem đây là phương án tiềm năng để kìm hãm đà tăng của giá xăng trong nước bơm, vốn đạt mức cao nhất trong lịch sử hồi tháng 6.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã không kích hoạt lệnh này. Giới phân tích cho biết, biện pháp hạn chế xuất khẩu xăng dầu có thể gây tác dụng ngược, dẫn đến giá cả nhiên liệu ở một số vùng của Mỹ tăng lên mức cao hơn.
David Goldwyn, đặc phái viên năng lượng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và hiện là Chủ tịch của công ty tư vấn Goldwyn Global Strategies, cho biết không làm gì cả cũng là một lựa chọn.
Ông nhận định, chính phủ Mỹ có thể xem việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ là hành động dựa trên các yếu tố thị trường, chứ không phải chính trị. Vì vậy, Mỹ không cần phải phản ứng.
Theo Bloomberg