(KTSG Online) – Người lao động ở Malaysia đã rút tổng cộng 33 tỉ đô la Mỹ từ tài khoản hưu trí của họ do gặp khó khăn tài chính trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) cảnh báo làn sóng rút tiền hưu sớm này cộng với mức lương thấp, nợ nần cao sẽ khiến nhiều người dân Malaysia không còn nhiều khoản tiết kiệm phòng thân khi đến độ tuổi nghỉ hưu 58.
- Singapore, Malaysia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, người lao động trong đại dịch
- Malaysia thử nghiệm giảm lao động nước ngoài
Người lao động ở Malaysia đã rút khoảng 145 tỉ ringgit (33 tỉ đô la) từ tài khoản hưu trí của họ ở Quỹ dự phòng nhân viên (EPF) trong thời kỳ bùng phát Covid-19. EPF là quỹ do người lao động và giới chủ cùng đóng góp để chi trả lương hưu trong tương lai.
Việc rút tiền quá mạnh khiến tài sản của quỹ EPF, do Bộ Tài chính Malaysia quản lý, lần đầu tiên giảm vào năm ngoái. BNM cho biết tình trạng này làm trầm trọng thêm nguy cơ vốn đã nghiêm trọng về lương hưu không đầy đủ ở Malaysia.
Thủ tướng Anwar Ibrahim đang chịu áp lực phải cho phép người dân rút trước tiền tiết kiệm hưu trí của họ thêm một lần nữa. Phe đối lập đang kêu gọi ông cho phép một đợt “rút tiền có mục tiêu” khác để hỗ trợ những người lao động đang gặp khó khăn.
“Người dân Malaysia cần sự hỗ trợ bây giờ, chứ không phải 15 năm tới. Nhà của họ đang bị bán đấu giá để thu hồi nợ, con cái của họ cần tiền để trang trải chi phí học đại học. Họ đang đối mặt với phá sản”, cựu Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob phát biểu trước quốc hội vào tháng trước.
Ông Anwar đã từ chối các lời kêu gọi, khiến các nghị sĩ phe đối lập rời tòa nhà quốc hội trong cuộc họp hôm 3-4 để phản đối. Cùng ngày hôm đó, một tài xế taxi hoàn thành chuyến đi bộ dài 312 km đến cung điện quốc gia ở thủ đô Kuala Lumpur để kiến nghị quyền được rút tiền sớm từ quỹ EPF. Hành trình đi bộ của anh gây sốt trên TikTok. Sức nóng chính trị sẽ tăng cao hơn đối với Thủ tướng Anwar khi sáu cuộc bầu cử cấp bang sẽ diễn ra trong vài tháng tới.
“Nếu không cho phép rút tiền có mục tiêu từ quỹ EPF, thì chính phủ có đề xuất gì thêm để giúp đỡ những người dân đang gặp khó khăn. Mọi người đang bán thận của họ!”, nghĩ sĩ Wan Ahmad Fayhsal cho biết hôm 3-4 mà không cung cấp bằng chứng.
Trước đó, Thủ tướng Anwar đã có những động thái nhượng bộ. Kế hoạch chi tiêu ngân sách của ông cho năm 2023 bao gồm khoản đóng góp 500 ringgit (113 đô la Mỹ) cho các thành viên của quỹ EPF có ít hơn 10.000 ringgit trong tài khoản tiết kiệm hưu của họ. Khi áp lực không giảm bớt, ông đề xuất người dân Malaysia được phép sử dụng tiền tiết kiệm của họ từ quỹ EPF để đăng ký các khoản vay với lãi suất thấp hơn thị trường. “Nhưng một số nghị sĩ của phe đối lập nói rằng thủ tướng thật ngớ ngẩn khi cho người nghèo vay tiền”, ông Anwar nói trong một diễn đàn hôm 19-3.
BNM đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Trong báo cáo công bố hồi cuối tháng trước, BNM cho biết triển vọng lương hưu của người lao động đã xấu hơn trước đại dịch Covid-19. Điều này là do các vấn đề như lương thấp và khoản tiết kiệm lương hưu trung bình cho nhóm lao động trong độ tuổi 51-55 chỉ đủ chi trả lương trong 5 năm do nhiều người rút tiền ở độ tuổi 55. Quỹ EPF cho phép người lao động rút toàn bộ tiền tiết kiệm hưu trí khi họ đến độ tuổi 55. Sau khi trải làn sóng rút tiền trong thời kỳ đại dịch Covid-19, quỹ này chỉ đủ chi trả 3 năm cho nhóm lao động 51-55 tuổi sau khi họ đến tuổi nghỉ hưu.
Với tuổi thọ trung bình trên toàn cầu sẽ tăng lên con số 77 vào năm 2050, người dân Malaysia có nguy cơ cạn kiệt khoản tiết kiệm hưu trí 19 năm trước khi chết, BNM cảnh báo.
Nhóm lao động trẻ có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ năm 2020 đến năm 2022, tỷ lệ người lao động trong độ tuổi 26-40 tham gia ngưỡng đóng góp hưu trí cơ bản của quỹ EPF giảm nhiều nhất.
Thực trạng này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải xây dựng lại vùng đệm tiết kiệm cho quỹ EPF. BNM kêu gọi chính phủ áp dụng chính sách kéo dài giai đoạn tích lũy lương hưu để tăng củng cố quỹ tiết kiệm hưu trí. Chính sách này sẽ cho phép EPF tái đầu tư một phần tiền tiết kiệm có thể bị rút sớm trước khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu.
Theo Bloomberg