(KTSG Online) - Làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc thiết lập đại bản doanh ở Singapore đang gia tăng khi họ xem đảo quốc Sư tử là bàn đạp để triển khi vốn đầu tư vào phần còn lại của Đông Nam Á.
- Dòng tiền nước ngoài đổ vào dồn dập, lo ngại bong bóng tài sản ở Singapore
- Giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô mua căn hộ cao cấp ở Singapore
Là một thành phố có 5,5 triệu dân và nằm ở trung tâm Đông Nam Á, với đa số là người gốc Hoa, Singapore từ lâu là điểm đến phổ biến của giới đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, dòng tiền, tài năng và chuyên môn từ Trung Quốc đổ vào Singapore tăng mạnh kể từ năm 2018 do các căng thẳng địa chính trị và nhu cầu đa dạng hóa sau khi các chuỗi cung ứng bị chia cắt trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Theo một số ước tính, có khoảng 500 công ty Trung Quốc thành lập chi nhánh ở Singapore hoặc chuyển đại bản doanh đến đây trong năm vừa qua. Dòng tiền đầu tư từ các quỹ quản lý tài sản gia đình, công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân và công ty quản lý tài sản của Trung Quốc cũng đang chảy mạnh vào Singapore. Các chuyên gia lưu cho biết tất cả họ đều mang theo chuyên môn và tài năng từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tập trung vào lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp của Singapore.
Nick Xiao, Giám đốc điều hành của Hywin International (Hồng Kông), chi nhánh của quỹ quản lý tài sản Hywin Wealth (Trung Quốc) nhận định Singapore là một “cửa ngõ” để thâm nhập Đông Nam Á, nơi nhiều công ty khởi nghiệp có đặt trụ sở khu vực của họ.
Ông cho biết thêm, giới đầu tư Trung Quốc nhìn thấy tiềm năng to lớn ở Đông Nam Á, khu vực có tầng lớp trung lưu trẻ và đang phát triển. Họ xem đây là nơi có thể nhân rộng sự đổi mới và các sản phẩm thành công từ Trung Quốc.
“Tất cả những điều này kết hợp với cơ sở hạ tầng tài chính mạnh mẽ đã biến Singapore trở thành bệ phóng hoàn hảo cho các nhà đầu tư Trung Quốc muốn thâm nhập thị trường Đông Nam Á”, Xiao nói khi đề cập các cải cách tài chính gần đây của Singapore đang thu hút các quỹ đầu tư và quỹ quản lý tài sản gia đình của Trung Quốc.
Singapore đã vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng năm 2023 của Financial Times/Statista về thành phố có nhiều công ty có mức tăng trưởng cao ở châu Á-Thái Bình Dương. Tokyo dẫn đầu bảng xếp hạng với 82 công ty, tiếp theo là Singapore (75) và Seoul ( 60 )
Vốn Trung Quốc đã giúp nuôi dưỡng một thế hệ khởi nghiệp trong khu vực. Grab, siêu ứng dụng cung cấp các dịch vụ gọi xe, giao hàng và tài chính, có trụ sở ở Singapore, nhận được sự hậu thuẫn tài chính từ các nhà đầu tư của Trung Quốc như Didi Chuxing, Hillhouse Capital và China Investment Corporation. Hãng gọi xe Gojek (Indonesia) và Tập đoàn Sea (Singapore), công ty mẹ của nền tảng thương mại trực tuyến Shopee, đều có cổ đông lớn là Tập đoàn đầu tư và công nghệ Tencent của Trung Quốc.
Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cũng rót tiền vào các quỹ đầu tư vốn mạo hiểm có trụ sở tại Singapore. Một số quỹ đầu tư của Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện tại Singapore khi họ tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Shunwei Capital, nơi Lei Jun, người sáng lập hãng smartphone Xiaomi có cổ phần, là một trong những quỹ đó.
Source Code Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm lớn khác của Trung Quốc và là nhà đầu tư sớm của ByteDance, chủ sở hữu TikTok, hiện đã thành lập liên doanh ở Singapore.
Các nhà phân tích cho rằng tác động lớn hơn và lâu dài hơn đối với Singapore đến từ việc Trung Quốc “xuất khẩu” các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đến đây.
Theo nghiên cứu của Asia Partners, hiện tại, có hơn 13.000 người tốt nghiệp từ các trường đại học Trung Quốc đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ Đông Nam Á. Trong đó, có 557 người là nhà sáng lập, đồng sáng lập hoặc giám đốc điều hành doanh nghiệp. 68% trong số này sống và làm việc ở Singapore.
Chẳng hạn, SCI Ecommerce, nhà cung cấp giải pháp thương mại điện tử, có trụ sở tại Singapore, do hai cựu nhân viên của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba, thành lập vào năm 2014. SCI, viết tắt của Singapore, China, Indonesia, giúp các công ty đa quốc gia, chẳng hạn như Unilever hay Nestlé, thiết lập và quản lý cửa hàng trực tuyến của họ ở Đông Nam Á và Trung Quốc.
Căng thẳng địa chính trị và sự tách rời kinh tế của Trung Quốc khỏi phương Tây khiến Đông Nam Á trở nên quan trọng hơn đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm sự đa dạng hóa. Khi Mỹ và châu Âu ngày cẩn trọng với với các công ty và tiền đầu tư của Trung Quốc, Đông Nam Á là một trong số ít khu vực trên toàn cầu chào đón đầu tư từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, một số công ty khởi nghiệp và chuyên gia vẫn hoài nghi liệu Singapore có thể cung cấp đủ nhân tài và sự đổi mới để có thể sánh ngang với các quốc gia nhỏ hùng mạnh về công nghệ như Israel hay không.
Theo Financial Times