(KTSG) - Câu chuyện về kiểu dệt mới từ con tằm, gọi là mô hình tằm tự dệt, của một phụ nữ ở xã Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội được tác giả đăng lên trang Facebook đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và cả những đơn hàng mới gửi tới người sáng tạo mô hình tằm tự dệt đã cho thấy sự nối kết trong nền kinh tế kết nối bây giờ là vô cùng quan trọng.
- Sắp diễn ra Triển lãm ngành dệt may SaigonTex SaigonFabric 2023
- Làng dệt đũi Nam Cao lại rộn tiếng thoi đưa
Người dân xứ dâu tằm xưa nay quen nuôi tằm đến khi tằm chín cho lên né để con tằm kéo kén. Rồi từ những cái kén, người thợ mới ươm tơ, se tơ để ra sản phẩm là những sợi tơ trắng muốt. Nhưng bà Phan Thị Thuận ở đội 13, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội có cách dệt mới từ con tằm. Đó là cho tằm trực tiếp dệt những tấm thảm, không cần ra kén, kéo tơ. Chỉ cần một mặt phẳng, hàng trăm con tằm sẽ tự động rút ruột, dệt thành một tấm thảm hoàn toàn từ tơ tằm nguyên chất. Đây là một mặt hàng mới, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu xuất khẩu và phân khúc khách hàng cao cấp.
Khi tôi đến thăm và chụp mấy tấm ảnh đăng lên Facebook kèm thông tin về quy trình sản xuất. Mấy phút sau đã rất nhiều người đã vào hoặc khen sự sáng tạo, hoặc ngỏ ý muốn được về tham quan, học hỏi hoặc kể kỷ niệm xưa gắn với nghề trồng dâu nuôi tằm… Và quan trọng nhất, có người vào thắc mắc, liệu để tằm tự dệt như thế thì sản phẩm làm ra có sạch không, nếu không diệt khuẩn thì chăn sẽ gây dị ứng mẩn ngứa ở những người có làn da nhạy cảm. Tôi chuyển lời thắc mắc ấy, bà Thuận giải đáp rằng: “Sau ba đến bốn ngày tằm tự dệt, lớp thảm có lớp keo bao cứng. Chúng tôi cho vào nồi luộc trong trong ba ngày rưỡi đến bốn ngày vừa để tiệt trùng vừa để xả lớp keo”. Tôi đăng câu trả lời, chị khách hàng kia hoàn toàn bị thuyết phục và đặt ngay đơn hàng.
Một chuyện rất nhỏ như thế cũng là minh chứng sinh động của việc nối kết giữa nhà sản xuất và khách hàng. Nếu thông tin không có giá trị so sánh (độc đáo), nếu không biết chuyển tải thông tin, nếu không có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt... thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ thất bại.
Seth Godin, chuyên gia trong ngành tiếp thị của thế giới, từ năm 2013 đã cho rằng chúng ta đang chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế nối kết. Cũng mấy năm nay, người ta nói rất nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành thời trang, vốn dĩ vẫn luôn tôn vinh tính sáng tạo một chiều của nhà tạo mẫu, nhà sản xuất, nay cũng không thể nằm ngoài xu thế đó.
Ông Yves Delhaye, Giám đốc khu vực ASEAN, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ của tập đoàn Lectra đã nói về tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) trong ngành dệt may bằng câu chuyện kể sau đây:
“Tôi vừa đi thăm một công ty dệt may ở Việt Nam, hỏi chu kỳ sản xuất một sản phẩm trong bao nhiêu lâu, người trả lời bảy ngày, người nói 10 ngày. Rõ ràng người làm việc ở các quy trình không nắm rõ dữ liệu, không thống nhất về dữ liệu. Điều này không chỉ làm cản trở quá trình sản xuất mà còn gây ấn tượng xấu đối với người ngoài. Công ty đó đã hoạt động hơn 20 năm, đã sản xuất hơn 1.000 mẫu sản phẩm. Nếu không số hóa thì sẽ mất mát, khó lưu trữ, gây rất nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, chào hàng”.
Trong khi đó, cũng theo ông Yves Delhaye, một công ty thời trang ở Tây Ban Nha cùng một lúc, tại một thời điểm, kiểm soát được hơn 7.500 cửa hàng. Điều này dẫn đến việc điều tiết sản xuất tốt. Họ sẽ biết số lượng bán đến nhà sản xuất, phòng tạo mẫu, khâu cung ứng vải…
Công nghiệp 4.0 kết nối được các khâu sản xuất từ đầu đến cuối nhờ sự phối hợp nhịp nhàng các phòng ban với nhau để tạo ra sản phẩm tốt nhất. Khi sản phẩm được tung ra thị trường, nó lại giúp kết nối từ điểm bán đến nhà sản xuất. Do vậy, làm sao kết nối được tất cả máy móc, công cụ với nhau để khi cần nó cung cấp cho ta thông tin đầy đủ nhất, trung thực nhất. Lưu trữ dữ liệu tốt, phân tích tốt, quản lý tốt thì quá trình sản xuất sẽ tốt.
Ngành công nghiệp thời trang bước vào kỷ nguyên số, sản xuất tích hợp theo hướng từ sản xuất hàng loạt đến sản xuất tùy biến theo sở thích của người dùng, rồi sản xuất theo phiên bản hạn chế. Quy trình đưa hàng đến tay người tiêu dùng không phải chấm dứt sau khi hàng rời khỏi kho như trước đây mà có sự tương tác giữa nhà sản xuất với khách hàng như một đối tác nhằm trao đổi chi tiết về bản thân sản phẩm, như kiểu dáng, màu sắc, loại vải... và cả những ý tứ có liên quan về sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường.
Như vậy, khách hàng là người đồng sáng tạo sản phẩm còn nhà sản xuất cũng sẽ rút ngắn được thời gian, công sức vì loại bỏ được các công đoạn thừa.
Đó cũng điều mà Yves Delhaye của Lectra - tập đoàn chuyên về các giải pháp công nghệ tích hợp cho các ngành công nghiệp sử dụng các loại vải, da, dệt kỹ thuật và vật liệu tổng hợp để sản xuất sản phẩm – nhấn mạnh rằng, công ty là đối tác chứ không đơn thuần là nhà cung cấp giải pháp, thiết bị… Và theo ông, các công ty dệt may Việt Nam cần công nghệ hiện đại (phần mềm tạo mẫu, cắt, may…); dịch vụ tốt; chuyên môn hóa cao.