Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làng dệt đũi Nam Cao lại rộn tiếng thoi đưa

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Mềm mịn, mát mẻ khi mặc vào mùa hè, ấm áp khi trời chuyển đông, lại rất bền, dễ giặt sạch, dễ tẩy trắng và mau khô, lụa đũi Nam Cao ở xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình xưa đã trở lại. Làng lại rộn ràng tiếng thoi đưa.

Trình diễn lụa Nam Cao trong chương trình Tuần lễ Hàng Việt Nam tại Bangkok, Thái Lan, tháng 12-2022. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Bà Phạm Thị Bình, ở thôn Cao Bạt Trung, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình ngồi ngay trước sân nhà bắt đầu một ngày mới bằng việc kéo sợi. Bà cho biết: “Làm cái này (kéo sợi) nói thật là rất là công phu. Ngâm tay trong nước từ 5-7 tiếng một ngày nhưng chỉ được 7 hoa (70 gam) đến một lạng (100 gam) đũi là cùng thôi, mà giá trị nó chỉ ba chục (30.000 đồng) đến bốn chục (40.000 đồng) một ngày. Nhưng chỉ vì yêu nghề mà chúng tôi không bao giờ bỏ, dù có vất vả, có đau lưng, mỏi gối, ngày công thấp đi chăng nữa nhưng mà chúng tôi vẫn làm nghề các cụ để lại”.

Đũi Nam Cao ngày ấy

Nam Cao, Kiến Xương những năm 1995-2007 thật khó quên với dân làng khi 100% số hộ dân ở 10 thôn thuộc xã này đều dệt đũi và khăn tơ tằm. Hơn 2.000 hộ gia đình với 5.000 chiếc máy dệt, vận hành hết công suất mà hàng sản xuất ra hết veo trong nháy mắt.

Vải đũi Nam Cao nhìn dày dặn nhưng sờ mát tay, mềm mịn, mặc rất thông thoáng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, lại rất bền, dễ giặt sạch, dễ tẩy trắng và mau khô. Giống như những làng nghề thủ công khác, Nam Cao cũng trải qua giai đoạn thoái trào do sự thay đổi thói quen tiêu dùng, trào lưu thời trang mới, sự cạnh tranh của vải hiện đại…

Làng nghề hiện chỉ còn 20% trong hơn 2.000 hộ dân còn làm nghề nhưng như bà Bình nói ở trên: vẫn tiếp tục làm nghề dù khó. Bà Bình có lý riêng của mình bởi khó ai nghề dệt đũi quê nhà đã có hơn 400 năm tuổi và lụa đũi Nam Cao vẫn còn đó: thật và chất, làm say đắm những người yêu loại lụa truyền thống.

Để có được tấm vải lụa đũi, người dân ở đây phải trải qua rất nhiều công đoạn khó khăn vất vả. Từ trồng dâu nuôi tằm, phải mất từ 22-5 ngày, tùy thuộc thời tiết, nắng, mưa, con tằm mới nhả tơ. Đó là những ngày vất vả, tần tảo sớm hôm của những người ăn cơm đứng, cứ cách bốn giờ lại phải cho tằm ăn lá dâu một lần. Rồi phải điều chỉnh nhiệt độ trong khoảng từ 24-28 độ C, độ ẩm từ 75-80%. Nắng nóng thì phải quạt, mưa rét thì phải che.

Một năm có ba vụ nuôi tằm chính. Vụ xuân từ giữa tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch, thường nuôi khoảng hai lứa. Đối với tằm giống và vùng để dâu lưu đông có thể băng sớm hơn từ sau Tết Nguyên đán. Vụ hè nuôi ba lứa, băng từ cuối tháng Tư (sau tiết cốc vũ, cuối tháng 3 Âm lịch). Còn vụ thu nuôi hai lứa, băng từ tháng 5 đến kết thúc là tháng 11. Tổng cộng một năm nuôi 7-8 lứa tằm. Trung bình phải mất 17-18 ki lô gam lá dâu mới nuôi được 1 ki lô gam kén tằm.

Rồi từ con tằm nhả tơ làm kén đến ươm tơ, lấy kén phải trải qua tám công đoạn mới ra được sợi để dệt. Người ta cho kén vào nồi luộc chín và ủ nồi kén trong trấu từ 4-6 giờ cho kén tơ nhừ rồi mới bỏ ra ngâm trong nước lạnh để kéo thành sợi tơ, sợi đũi.

Sợi tơ sau khi được kéo và cuốn lại thành từng vun thì người ta vắt kiệt nước, cho vào guồng quay và mang đi phơi khô rồi đưa đi đánh ống, đánh suốt và cuối cùng là mang đi dệt. Mỗi ngày, một người tần tảo từ sáng sớm cho đến đêm khuya chỉ dệt được 5-7 mét vải lụa đũi.

Vải đũi và khăn đũi dệt thành từng tấm dài, những tấm vải này sẽ được nấu và nhuộm màu hoặc để thô tùy loại sản phẩm. Nếu là khăn tơ, khăn đũi sẽ thêm công đoạn cắt ra thành từng khăn, xe tua.

Tỉ mỉ mà tính thì một cái kén tằm sản xuất được trung bình từ 600-800 mét sợi, nhưng để dệt thành một sợi tơ lụa, phải mất từ bốn đến tám cái kén. Và cần khoảng 30.000 con tằm để sản xuất 5,5 ki lô gam tơ.

Hy vọng trở lại thời vàng son

Tôi đã gặp một Lương Thanh Hạnh của Rèm cửa Ánh Trăng, của Hanhsilk và của Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao. Hạnh kể cô từng thấy ánh mắt rạng ngời vui sướng của những người am hiểu tơ lụa khi họ cầm xem tấm lụa đũi Nam Cao trong các hội chợ triển lãm tơ tằm quốc tế.

Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Công ty Nội thất Rèm Ánh Trăng khi ấy chợt nhận ra rằng, con đường ngắn nhất để tìm kiếm mặt hàng chủ lực cũng như xây dựng thương hiệu không đâu xa mà chính là tên tuổi đũi Nam Cao truyền thống và ý nghĩ đưa kỹ thuật hiện đại vào nghề cổ để nâng giá trị cho loại lụa đũi này đã đến trong khoảnh khắc.

Vậy là năm 2012, Lương Thanh Hạnh thành lập Công ty cổ phần thương mại Hanhsilk. Hanhsilk ra đời tại làng dệt đũi Nam Cao, làm thương hiệu từ gốc, từ trồng dâu, nuôi tằm, dệt đũi, thiết kế tinh xảo, độc và lạ, làm sản phẩm với niềm hy vọng đưa nghề đũi Nam Cao trở lại thời hưng thịnh. Hạnh nghiên cứu và xây dựng cho lụa đũi Nam Cao Hanhsilk một bộ quy trình sản xuất khép kín, chặt chẽ:

Trồng dâu nuôi tằm. Quá trình chọn và nhân giống được Hanhsilk thực hiện tại khu trồng dâu nuôi tằm Nam Cao. Sau đó nuôi và sản xuất kén tại đây với hình thức thâm canh. Đảm bảo sản lượng và chất lượng tốt nhất.

Kéo đũi. Kén mang phơi thật khô để đảm bảo độ bền, dai và không bị hóa bọ. Sau đó rửa, nấu vùi khoảng 4-6 giờ và kéo đũi. Các nghệ nhân lớn tuổi phải ngâm tay trong nước lạnh để kéo đũi bất kể là đông hay hè. Và mỗi ngày cũng chỉ cho ra 70-100 gam đũi.

Quay tơ. Sau khi sợi đũi được kéo ra và vắt kiệt nước, tiếp tục được đưa vào guồng quay tơ. Kết thúc quá trình, cả guồng sẽ được phơi khô dưới nắng.

Dệt vải. Sợi đũi, sợi tơ, sợi tơ sống được đánh ống trên khung cửi sau đó mới bước vào giai đoạn dệt thành từng tấm với các kích thước khác nhau.

Và cuối cùng, những tấm vải được nhuộm màu thực vật để trở nên bóng, mịn, mượt mà.

Hanhsilk: thật và chất

Chất liệu 100% vải tơ tằm, nhuộm bằng màu thực vật, họa tiết vẽ hoàn toàn bằng tay là những đặc điểm sản phẩm của Hanhsilk sản xuất để hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp. Đũi thật ra dùng làm chất liệu cho rất nhiều sản phẩm từ hàng thời trang, thiết kế đồ trang trí nội thất đến chăm sóc sức khỏe, như khăn mặt, khăn choàng, drap, rèm cửa, vòng lụa đeo cổ, giày đũi, kén tằm massage mặt…

Hàng lụa đũi nhà Hanhsilk đã xuất khẩu được đi Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Đức. Hiện 80% doanh thu của Hanhsilk đến từ thị trường xuất khẩu, 20% ở thị trường trong nước. Ba kỳ mang sản phẩm đi tham dự Tuần lễ Hàng Việt Nam tại Bangkok (Thái Lan) năm 2017, 2018 và 2022, sau mỗi chuyến đi, Hạnh đã có đơn hàng xuất khẩu sang thị trường nước này và duy trì đều đặn đến nay.

Tại Nhật Bản, từ nhiều năm trước, cô đã đưa lụa, đũi tơ tằm nhãn hiệu Hanhsilk sang quảng bá, giới thiệu. Mấy năm nay, mặt hàng khăn mặt và khăn tắm tơ tằm Hanhsilk đã có mặt ở thị trường Nhật. Các mẫu chăn, drap và rèm cửa Hanhsilk cũng sắp đặt chân vào thị trường khó tính này.

Nhờ sự tỉ mỉ trong từng công đoạn và xanh từ khâu sản xuất cho đến tay khách hàng, lụa Hanhsilk đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn 5A xuất khẩu đi châu Âu (phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được…) và nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng trên thế giới.

Lương Thanh Hạnh cho biết, Hanhsilk đi theo hướng thật và chất. Thật là từ chính mình, từ những nghệ nhân dệt lụa, thật về sản phẩm. Chất là chất lượng thì ngày càng phải đổi mới, sáng tạo; và chất là khí chất của con người tạo nên động lực và niềm tin của khách hàng.

Hanhsilk ngay từ khi mở vùng nguyên liệu cùng người dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa và ra sản phẩm. Tất cả những hình ảnh đó được ghi lại và chia sẻ với khách hàng để tạo tần số rung động của khách hàng để họ tin tưởng vào lụa Việt Nam.

Và đũi Nam Cao ngày trở lại

Không chỉ làm được việc cho mình, Lương Thanh Hạnh còn luôn đau đáu tìm cách khôi phục nghề dệt đũi truyền thống của quê hương. Bà Nguyễn Thị Hà, người quản lý sản xuất của Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao, tâm sự rằng như có cơ duyên, khi Lương Thanh Hạnh về Nam Cao để tìm hướng khôi phục nghề dệt đũi, hai người đam mê nghề nghiệp ấy đã gặp nhau, bàn bạc rồi đi đến quyết định thành lập hợp tác xã.

Sau đó họ cùng đi khắp xã tìm mua những khung cửi cũ, mời các phụ nữ giỏi nghề trong làng về kéo sợi, đánh ống, dệt vải, nhuộm màu. Hành trình của họ gặp phải không ít sự hoài nghi. Bởi đã từ lâu, người dân Nam Cao rất muốn làm thương hiệu để phát huy nghề tổ, nhưng thị trường không có, làm ra không biết bán đi đâu, mà nghề này thì vất vả sớm hôm… Vậy là họ kiên trì vận động, xắn tay cùng làm với bà con để gỡ dần từng nút thắt.

Lương Thanh Hạnh, cũng là Giám đốc HTX Dệt đũi Nam Cao, chia sẻ các nghệ nhân làng nghề truyền thống thường đi theo lối mòn là chỉ chuyên vào những gì mình biết, mình vẫn làm, mình thích mà không tìm hiểu xem khách hàng thích gì. Chúng tôi đi phát triển thị trường và thuyết phục để bà con thấy rằng mình cần thay đổi tư duy, cần làm những gì khách hàng thích. Bởi vì chính họ mới mang về việc làm cho mình. Thế nên chúng tôi thiết kế mẫu mã, màu sắc luôn luôn phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng, với xu hướng của thời trang thế giới mà vẫn lồng ghép và kể được những câu chuyện của mình.

Cuối cùng, tâm huyết của họ đã được đền đáp. Năm 2016, Hanhsilk đã quy tụ được 30 người dân cùng chí hướng để thành lập Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao, tạo chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu đến sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu.

Bà Hà thì “gắn bó với hợp tác xã từ đó đến nay, hợp tác xã như là nhà của tôi vậy”. Bà Nguyễn Thị Thái, thành viên hợp tác xã, cho biết: “Tôi biết dệt từ ngày còn nhỏ, đi học về là làm cùng bố mẹ. Ngày xưa dệt thủ công: chân dận tay dập, hoàn toàn bằng sức người. Nhưng bây giờ là làm bằng máy, chạy điện, dệt bằng mô tơ. Khung dệt gần 4.000 sợi. Bây giờ dệt sợi tơ dọc và tơ ngang đều là tơ se hết, dệt cẩn thận, kỹ thuật tỉ mỉ, toàn hàng may mặc thời trang nên kỹ thuật dệt phải cao”.

Đến nay hợp tác xã đã có hơn 50 thành viên; vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm rộng 300 héc ta. Đó là chưa kể vùng trồng dâu với diện tích khoảng 700 héc ta ở huyện Vũ Thư cách đó 30 ki lô mét đã được hợp tác xã liên kết làm vùng nguyên liệu. Ngoài ra, thấy hợp tác xã hoạt động hiệu quả, trong xã Nam Cao có khoảng 90 hộ dân quay lại với nghề dệt để cung cấp lụa đũi cho hợp tác xã và mở rộng vùng trồng dâu, nuôi tằm và hình thành chuỗi sản xuất – cung ứng khép kín.

Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao đã từng bước phục tráng, đưa nghề dệt lụa đũi Nam Cao trở lại thời hoàng kim. Hợp tác xã đạt doanh số trung bình 40 tỉ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Mong muốn nhất của họ vào lúc này là được UBND xã cho thuê đất để xây dựng khu sản xuất tập trung, có khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm, có khu để khách hàng trải nghiệm làm nghề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới