Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xu thế khởi sắc của kênh trái phiếu doanh nghiệp liệu có được duy trì?

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Diễn biến lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành được ghi nhận tích cực hơn trong tháng 3-2023 đang phát đi những tín hiệu và kỳ vọng về sự khởi sắc trở lại của kênh đầu tư từng một thời nóng sốt này. Tuy nhiên, xu hướng này có duy trì được lâu hay không vẫn là điều không mấy chắc chắn trong bối cảnh hiện nay.

Kênh TPDN đang có những tín hiệu khởi sắc hơn từ tháng 3.

Khó khăn dần tháo gỡ?

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến thời điểm công bố thông tin 31-3-2023, đã có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với tổng giá trị phát hành đạt 26.425 tỉ đồng được ghi nhận trong tháng 3 vừa qua.

Nếu nhìn vào số liệu tháng 1 không ghi nhận đợt phát hành nào, tháng 2 chỉ có một đợt phát hành riêng lẻ và hai đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 2.000 tỉ đồng, rõ ràng kênh TPDN đang có những tín hiệu khởi sắc hơn từ tháng 3.

Trước đó, theo dữ liệu sơ bộ của Bộ Tài chính, khối lượng TPDN đã phát hành trong quí 1 là 24.708 tỉ đồng. Đáng chú ý là khối lượng phát hành kể từ ngày 6-3-2023 (ngày Nghị định 08/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế có hiệu lực) là 23.825 tỉ đồng, tương đương 96% khối lượng.

Lãi suất, kỳ hạn phát hành bình quân là 7,75%/năm và 2,37 năm. Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức - chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.

Ngoài ra, hoạt động mua lại TPDN trước hạn tiếp tục được đẩy mạnh, với gần 14.300 tỉ đồng TPDN được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 3, tăng 137% so với tháng trước, và 64% so với cùng kỳ năm 2022, nâng tổng giá trị TPDN được mua lại lũy kế từ đầu năm 2023 đạt hơn 29.860 tỉ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung ở ngân hàng và bất động sản với tỷ trọng chiếm lần lượt là 36% và 31%.

Các đợt phát hành riêng lẻ trong ba tháng đầu năm nay chủ yếu là của các doanh nghiệp ít có tên tuổi, ít thông tin, thậm chí mới thành lập chưa đến một năm, với người mua chủ yếu là các tổ chức. Vì vậy, không loại trừ khả năng những đợt phát hành này chỉ mang tính cục bộ, có thể mục đích phát hành chỉ là để cơ cấu lại nợ nội bộ của một hay một vài tổ chức lớn.

Nếu như việc các tổ chức tín dụng tích cực mua lại trước hạn các trái phiếu đã phát hành là có thể hiểu được, trong bối cảnh thanh khoản dư thừa và tín dụng đầu ra vẫn chậm, thì việc các công ty bất động sản cũng tăng cường mua lại các trái phiếu đã phát hành phần nào phản ánh dòng tiền của nhóm này không bị tắc nghẽn quá nghiêm trọng như những lo ngại trước đó.

Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để mua lại trước hạn trong tình hình hiện nay, hoặc chỉ đơn giản là thanh toán lãi, gốc khi đến hạn cho nhà đầu tư. Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong quí 1-2023, có đến 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán lãi, gốc TPDN với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỉ đồng; 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho HNX với khối lượng khoảng 9.600 tỉ đồng, chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán.

Quan trọng là khôi phục niềm tin

Như đã nói, diễn biến lượng TPDN phát hành được ghi nhận tích cực hơn trong tháng 3 đang phát đi những tín hiệu và kỳ vọng về sự khởi sắc trở lại của kênh đầu tư từng một thời nóng sốt này. Tuy nhiên, xu hướng này có duy trì được lâu hay không vẫn là điều không mấy chắc chắn trong bối cảnh hiện nay, với nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng đang đối mặt không ít thách thức.

Thực tế giới phân tích cũng chỉ ra các đợt phát hành riêng lẻ trong ba tháng đầu năm nay chủ yếu là của các doanh nghiệp ít có tên tuổi, thông tin về các doanh nghiệp này cũng rất hạn chế, thậm chí có doanh nghiệp tính tới thời điểm phát hành có thời gian thành lập chưa đến một năm, với người mua chủ yếu là các tổ chức. Vì vậy, không loại trừ khả năng những đợt phát hành này chỉ mang tính cục bộ, có thể mục đích phát hành chỉ là để cơ cấu lại nợ nội bộ của một hay một vài tổ chức lớn.

Tuy nhiên, lãi suất đang giảm nhanh trong hơn một tháng qua và khả năng xu hướng này được duy trì có thể hỗ trợ cho thị trường TPDN tiếp tục phục hồi. Rõ ràng với lãi suất thị trường thấp hơn, áp lực chi phí trả lãi của những TPDN đã phát hành trước đây theo lãi suất thả nổi sẽ giảm đi đáng kể, trong khi chi phí phát hành TPDN mới cũng dễ chịu hơn so với giai đoạn trước. Ngoài ra, dòng tiền cũng có thể chuyển dịch từ kênh tiền gửi tiết kiệm trở lại những kênh đầu tư có lợi suất cao hơn như TPDN.

Ngoài ra, việc hoãn xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân và xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (theo Nghị định 08/2023) cũng được kỳ vọng sẽ giúp cho kênh đầu tư này dễ huy động vốn hơn.

Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất vẫn là phải có những giải pháp khôi phục lại niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau những bê bối vừa qua của thị trường này nói chung và một số doanh nghiệp nói riêng. Điều này có thể thấy qua việc ngay cả các ngân hàng, vốn có uy tín và thương hiệu với nguồn vốn dồi dào, vẫn gặp thất bại trong các đợt phát hành trái phiếu mới gần đây.

Việc phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng gặp khó khăn một phần chịu tác động bởi những vướng mắc, như Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã chỉ ra việc quy định điều kiện các tổ chức tín dụng phát hành TPDN riêng lẻ như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác là chưa phù hợp với đặc thù của các tổ chức tín dụng, đồng thời đề xuất một loạt kiến nghị tháo gỡ.

Nhưng cũng không thể phủ nhận không ít nhà đầu tư hiện nay cũng đã có cái nhìn dè chừng hơn với các trái phiếu của ngân hàng, khi cũng chính nhóm này cùng với các công ty chứng khoán trước đây đã tích cực bảo lãnh và phân phối TPDN đến các nhà đầu tư cá nhân và kéo theo một số hệ lụy không nhỏ trong thời gian qua.

Vì vậy, ngoài việc nhanh chóng xử lý các vi phạm của doanh nghiệp phát hành, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý cần tiếp tục lành mạnh hóa và minh bạch hóa thị trường, nâng cao các điều kiện phát hành, có các quy định rõ ràng về tài sản bảo đảm và chất lượng của tài sản bảo đảm; khuyến khích việc xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp dự kiến phát hành trái phiếu mới; triển khai cơ chế bảo hiểm tùy chọn cho TPDN như một số đề xuất gần đây.

Trong một diễn biến khác, mới đây Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng được mua TPDN với mục đích cơ cấu nợ.

Theo cơ quan này, mặc dù dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 16 có nhiều điểm mới, như cho phép tổ chức tín dụng được mua lại TPDN chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UpCom mà tổ chức tín dụng trước đó đã bán ra đến trước ngày 31-12-2023, không cần đợi 12 tháng, nhằm cung cấp thêm thanh khoản cho thị trường này, nhưng lại chưa giải quyết vấn đề nhận được nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp và chuyên gia thời gian qua đó là cho phép ngân hàng thương mại mua TPDN với mục đích cơ cấu nợ.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng ngay cả khi dự thảo này được ban hành thì cũng không tác động nhiều đến thị trường TPDN và bất động sản, từ đó cũng tác động xấu đến chất lượng tín dụng ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới