Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sửa Thông tư 16: Giải pháp chính sách khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trịnh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về việc sửa đổi Thông tư 16 năm 2021 quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đình trệ kéo theo áp lực thanh khoản của hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần FiinRatings, cho rằng nội dung như dự thảo sẽ tác động tích cực tới hoạt động nói chung của nền kinh tế dù còn nhiều điều cần bàn.

Nhiều điểm tích cực, có thể cân nhắc tiếp tục sửa

Chỉ mới phát triển 5-6 năm trở lại đây nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam đã có thời gian tăng trưởng “nóng”. Giai đoạn cao điểm năm 2019-2021, các tổ chức tín dụng mua số lượng lớn TPDN, ước tính khoảng 25-30% tổng dư nợ trái phiếu phi ngân hàng đang lưu hành, trong đó chủ yếu phát hành từ các doanh nghiệp bất động sản.

Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng đổ quá mức vào lĩnh vực này, cơ quan hoạch định chính sách ban hành Thông tư 16, đây là một bước đi rất kịp thời tại thời điểm đó. Nếu không siết, nguồn vốn tín dụng ngân hàng vào TPDN sẽ tiếp tục gia tăng và trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Khi không còn ngân hàng - người mua chính trước đó tham gia, phía cầu của thị trường TPDN ách tắc, tính linh hoạt của thị trường này giảm rất mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, khi lãi suất tăng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong khi ngân hàng cải thiện tình hình thanh khoản và trước những ảnh hưởng có thể có từ kênh TPDN sang tín dụng ngân hàng, NHNN tính tới việc “nới” các quy định để có thể khơi thông ách tắc.

Tinh thần sửa Thông tư 16 là một bước đi cần thiết để sau thời gian siết các quy định với hàm ý đưa dòng vốn chảy vào nền kinh tế, khơi thông dòng vốn tránh ách tắc, theo Nghị định 08/2023 về TPDN cũng như Nghị quyết 33 của Chính phủ gần đây...

Những thay đổi tích cực

Sửa đổi Thông tư 16 có ý nghĩa trước hết với chính các tổ chức tín dụng trước áp lực của các nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn lượng TPDN được phân phối bởi ngân hàng trước đó, trong khi tổ chức phát hành gặp khó về dòng tiền không thể mua lại. Tổ chức tín dụng sẽ được phép mua lại TPDN chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UpCom mà tổ chức tín dụng trước đó đã bán ra đến trước ngày 31-12-2023 kèm theo một số điều kiện cụ thể. Trước đó, các đơn vị này dù muốn cũng không thể mua lại TPDN cho nhà đầu tư nếu bán ra chưa tới một năm, theo Thông tư 16.

Tuy nhiên, đây không phải là một quy định dễ dàng để các ngân hàng thực hiện, khi dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 16 yêu cầu tiêu chuẩn để được mua lại phải là những trái phiếu được xếp hạng cao nhất của tổ chức tín dụng đó. Nhìn vào thực tế chất lượng tín dụng các trái phiếu đang lưu hành trên thị trường, lượng được mua lại sẽ không nhiều.

Quy định của NHNN về chất lượng trái phiếu là hợp lý nhưng việc phân loại có thể nới rộng và trao quyền cho các ngân hàng tùy khẩu vị rủi ro và năng lực tín dụng theo đánh giá và quy định của NHNN về loại trái phiếu sẽ được sửa đổi và áp dụng. Ngoài phân loại trái phiếu, cơ quan quản lý có thể áp tiêu chuẩn phân loại cho cả ngân hàng theo tỷ lệ nợ xấu, hệ số an toàn vốn, thanh khoản... để đưa ra các rào chắn trong việc lựa chọn trái phiếu mua lại tùy thuộc vào mức độ và tỷ trọng tín dụng cho bất động sản nói chung và cho TPDN nói riêng, cũng như xếp hạng tín nhiệm của NHNN về tổ chức tín dụng cụ thể.

Bởi nếu không, quy định quá lỏng và không có tính phân loại trong quy định mua lại TPDN thì nợ xấu sẽ chạy về khối ngân hàng trong khi các doanh nghiệp vẫn không thể trả nợ được và làm cho nợ xấu gia tăng trong tương lai. Tuy nhiên, đây là điểm cơ quan quản lý có thể cùng với các tổ chức tín dụng xem xét tiếp tục sửa đổi nhằm đạt được một điểm cân bằng để có chính sách mới hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 16 cho phép tổ chức tín dụng được mua TPDN sử dụng cho mục đích bổ sung vốn lưu động dưới sự kiểm soát chặt chẽ về dòng tiền là một điểm tốt cho hoạt động của doanh nghiệp. Trong giai đoạn hiện tại, yêu cầu thắt chặt về quản trị rủi ro khi dòng tiền phải chịu sự kiểm soát của ngân hàng là hợp lý. Tuy nhiên về lâu dài, khi thị trường ổn định, minh bạch, dòng vốn TPDN không nên bị kiểm soát quá chặt chẽ như cách kiểm soát vốn tín dụng, tránh làm mất ý nghĩa của vốn TPDN và giảm tính linh hoạt của doanh nghiệp.

Những rào cản còn lại

Bên cạnh những điểm tích cực trong lần sửa đổi này, Thông tư 16 có một số điểm có thể tiếp tục xem xét. Về lâu dài, FiinRatings cho rằng không nên duy trì quy định tổ chức tín dụng không được mua TPDN nếu phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp.

Tái cơ cấu nợ là một hoạt động bình thường của doanh nghiệp và trong nhiều trường hợp thì tái cơ cấu nợ mang tính chủ động và nhằm tối ưu hóa về vốn chứ không phải luôn luôn là chất lượng tín dụng xấu hoặc có vấn đề. Quy định chung này vô tình hạn chế nhu cầu của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, có kế hoạch rõ ràng và giảm sự linh hoạt trong hoạt động tài chính, quản trị vốn của doanh nghiệp.

Theo tôi, trong điều kiện hiện tại, quy định này có thể chấp nhận được, tuy nhiên, khi thị trường ổn định, đây là vấn đề nên để chính thị trường quyết định, tránh đánh đồng tất cả các doanh nghiệp. Ngân hàng hoàn toàn có thể lựa chọn các doanh nghiệp theo phân loại xếp hạng tín dụng tốt, chưa có lịch sử chậm trả nghĩa vụ nợ...

Ngoài ra, về lâu dài, cơ quan quản lý cũng có thể cân nhắc bỏ quy định cấm tổ chức tín dụng mua trái phiếu cho mục đích góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập thâu tóm doanh nghiệp (M&A) hoặc có các quy định riêng cho hoạt động nghiệp vụ ngân hàng đầu tư. Đi tìm nguồn vốn cho các hoạt động mua bán cổ phần, sáp nhập thâu tóm là cần thiết trong kinh doanh, không nhiều đơn vị có đủ nguồn tiền tự có cho việc này.

Dĩ nhiên, thực tế chúng ta cũng hiểu tại sao có quy định này, là bởi thời gian vừa qua nhiều hoạt động huy động vốn TPDN và sử dụng phục vụ các mục đích này nhưng thông tin đến nhà đầu tư chưa được thực sự minh bạch.

Để có được sự phát triển lành mạnh về tổng thể, FiinRatings cho rằng cần có sự phân loại ở cả nhóm tổ chức tín dụng và doanh nghiệp phát hành, cùng với đó là cân nhắc việc cho phép mua lại TPDN tái tài trợ hoặc cơ cấu lại nợ cho các tổ chức phát hành có dòng tiền tương lai tốt. Đây là cách giúp thị trường hạ cánh mềm, tránh nợ TPDN trở thành rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc AFA Research and Education:

Cấp thiết để tạo thanh khoản

Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 16 thu hút nhiều chú ý trong bối cảnh thị trường đang kỳ vọng nới van trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Nhìn lại bức tranh tổng thể cả quá trình để hiểu tại sao lại như vậy. Thông tư 16 được ra đời cuối năm 2021, thời điểm cơ quan quản lý thắt chặt tín dụng chảy sang các lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là bất động sản, thông qua kênh TPDN.

Giá nhà đất sẽ không giảm nếu luồng tiền vẫn được bơm vào TPDN sau đó lại bơm vào bất động sản. Thông tư 16 là dạng siết chặt các quy định. Tuy nhiên, vấn đề để lại là các doanh nghiệp bất động sản chịu áp lực thanh khoản.

Vấn đề đặt ra là làm sao để có thanh khoản, tiền có thể tiếp tục xoay vòng trong nền kinh tế. Thị trường cần nguồn vốn, cần “tiền tươi” chảy vào để có thể khơi thông dòng chảy bởi việc giãn, hoãn nợ chỉ là trì hoãn về mặt thời gian. Nguồn vốn cho thị trường này có thể đến từ hai hướng là khối ngoại và hệ thống ngân hàng. Với vốn từ ngân hàng, cơ quan quản lý cần phải cân đối để đảm bảo an toàn hệ thống.

Thực tế, các cơ quan quản lý đã có cả lộ trình chiến lược để gỡ khó cho thị trường, đặc biệt là về thanh khoản. Các cơ quan quản lý sẽ có hành động để xử lý vấn đề TPDN vì tính cấp thiết của nó, đó là lúc dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 16 ra đời. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có cả lộ trình để tạo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Cần phải tìm được điểm cân bằng giữa lợi ích và những rủi ro thách thức khi “bơm tiền” để khơi thông thanh khoản thị trường. Việc sửa đổi Thông tư 16 không phải dùng tiền để giải cứu, đây là cách cơ quan quản lý sử dụng giải pháp chính sách khơi thông dòng chảy giúp tiền có thể luân chuyển từ nơi này sang nơi khác. Khi đúng điểm cần gỡ, bản thân thị trường sẽ tự vận động, các doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm và vận hành.

Một số quy định chính tại Thông tư 16 với mục tiêu hạn chế nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng đổ vào TPDN:

1. Tổ chức tín dụng không được phép mua trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với mục đích (1) tái cơ cấu các khoản nợ; (2) góp vốn, mua cổ phần; (3) tăng quy mô vốn hoạt động.

Các doanh nghiệp không được dùng nguồn vốn từ ngân hàng để góp vốn vào các công ty con của chính doanh nghiệp phát hành.

2. Tổ chức tín dụng không được bán TPDN cho công ty con của chính tổ chức tín dụng.

3. Trong vòng 12 tháng sau khi bán, tổ chức tín dụng không được mua lại TPDN chưa niêm yết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới