Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Fed nhận định kinh tế Mỹ có thể suy thoái vì khủng hoảng ngân hàng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nhà kinh tế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái nhẹ cuối năm nay.

Khủng hoảng ngân hàng có thể khiến tín dụng dành cho hộ gia đình và doanh nghiệp thắt chặt hơn, làm tăng rủi ro suy thoái cho nền kinh tế Mỹ. Ảnh: Market Watch

Trong biên bản cuộc họp chính sách hồi tháng 3 của Fed, công bố hôm 12-4, các nhà kinh tế của Fed cho biết sau khi xem xét tác động kinh tế tiềm tàng của diễn biến ngành ngân hàng trong thời gian gần đây, họ dự báo nền kinh tế Mỹ có khả năng suy thoái nhẹ vào cuối năm. Đây là lần đầu tiên trong chu kỳ tăng lãi suất của Fed, họ đưa ra dự báo như vậy sau cú sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank trong tháng trước.

SVB là ngân hàng lớn thứ hai sụp đổ trong lịch sử nước Mỹ. Ngân hàng này có tổng tài sản hơn 200 tỉ đô la vào cuối năm ngoái và chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các công ty công nghệ. Tình hình khó khăn của ngành công nghệ khiến khách hàng của SVB rút tiền nhanh hơn để trang trải chi phí hoạt động. Hồi đầu tháng 3, SVB thông báo bán lỗ một phần trái phiếu chính phủ Mỹ và tìm cách huy động thêm 2,25 tỉ đô la  từ các nhà đầu tư. Thông tin này khiến khách hàng hoảng loạn và rút gần 100 tỉ đô la khỏi SVB. Vài ngày sau đó, giới chức trách buộc phải tiếp quản ngân hàng này.

Biên bản cuộc họp của Fed cho thấy bất ổn ngân hàng đã tác động đến quyết định về lãi suất của Fed trong tháng 3. Tất cả các nhà hoạch định chính sách nhất trí tăng lãi suất mức nhỏ 25 điểm, thay vì 50 điểm cơ bản sau khi biến động của ngành ngân hàng làm dấy lên lo ngại rủi ro rút tiền ồ ạt. Họ cũng lưu ý hành động của Fed và các cơ quan chính phủ khác nhằm giảm thiểu rủi ro khủng hoảng lây lan rộng trong ngành ngân hàng và đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính Mỹ đã dập tắt các lo ngại tức thời. Do đó, để ứng phó lạm phát cao dai dẳng, họ nhất trí tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, thay vì tạm dừng tăng, là điều phù hợp.

“Điểm quan trọng từ biên bản cuộc họp là Fed dự báo một cơn suy thoái nhẹ vào cuối năm 2023 và cơ hội nền kinh tế ‘hạ cánh mềm’ dường như sẽ nhanh chóng khép lại”, Nancy Davis, người sáng lập Quadratic Capital Management, nói. Các quan chức Fed dự báo tăng trưởng của Mỹ cho cả năm 2023 có thể chỉ ở mức 0,4%.

Cho đến nay, Fed đã tăng chi phí vay 9 lần liên tiếp, đưa lãi suất lên biên độ 4,75-5%, cao nhất kể từ tháng 9-2007. Nhưng căng thẳng ngân hàng, cùng với lạm phát chậm lại và thị trường lao động hạ nhiệt, có thể báo hiệu chiến dịch tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc.

Cục Thống kê lao động Mỹ hôm 11-4 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 3 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lạm phát giảm tốc tháng thứ 9 liên tiếp. Đây cũng là tốc độ tăng CPI thấp nhất kể từ tháng 6-2021. Mức giảm 3,5% của chi phí năng lượng đã giúp lạm phát dịu lại trong tháng 3.

“Khi nền kinh tế chậm lại, giá cả tiêu dùng sẽ giảm hơn nữa và sẽ đưa lạm phát đến gần mục tiêu dài hạn của Fed là 2%. Các thị trường có thể sẽ phản ứng tích cực với báo cáo CPI khi giới đầu tư có thêm niềm tin rằng cuộc họp tiếp theo của Fed có thể là lần tăng lãi suất cuối cùng”, Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng của LPL Financial, nói.

Trong cuộc họp báo vào tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định, các vụ sụp đổ ngân hàng, dù làm xói mòn niềm tin trong ngành, có thể khiến hoạt động vay khó hơn, giúp kìm hãm chi tiêu và giảm áp lực giá cả và thị trường lao động.

Biên bản cuộc họp của Fed cũng đồng tình với quan điểm đó. Các nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng các diễn biến gần đây trong lĩnh vực ngân hàng có thể dẫn đến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với hộ gia đình và doanh nghiệp. Điều này sẽ tác động đến các hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát.

Hôm 11-4, Neel Kashkari, Chủ tịch ngân hàng dữ trữ liên bang khu vực Minneapolis, 1 trong 12 ngân hàng khu vực của Fed, nói rằng lãi suất cao cộng với hoạt động cho vay thu hẹp sau các vụ sụp đổ ngân hàng có thể gây ra suy thoái. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu lạm phát duy trì ở mức cao sẽ gây ra tác động tồi tệ hơn cho thị trường lao động.

Giờ đây, Fed cần phải cân bằng giữa nhiệm vụ chống lạm phát, đồng thời bảo đảm sự ổn định tài chính và đánh giá các cú sốc kinh tế khác, chẳng hạn như quyết định giảm hơn 1,1 triệu thùng/ngày gần đây của liên minh OPEC+.

Theo CNN, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới