(KTSG Online) - Hà Nội cam kết đảm bảo từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công dự án đường Vành đai 4 – vùng thủ đô đúng như kế hoạch vào ngày 30-6 tới và dự kiến khởi công tại 4 địa điểm.
- Dự án Vành đai 4 vùng thủ đô có nguy cơ chậm tiến độ
- Hà Nội thu hồi hơn 800 héc-ta làm Vành đai 4, hơn 800 hộ dân phải di dời
Theo Cổng thông tin UBND thành phố Hà Nội, ngày 13-4, Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội đã làm việc với UBND các tỉnh và sở, ngành của các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua Hà Nội đã nỗ lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm này, có thể khẳng định Hà Nội sẽ có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công dự án đúng như kế hoạch vào ngày 30-6 tới. Hà Nội cũng đã dự kiến khởi công Dự án đường Vành đai 4 tại 4 địa điểm.
TTXVN đưa tin, Ban chỉ đạo thống nhất sẽ đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng ra địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh để có mỏ vật liệu đáp ứng yêu cầu cung cấp, phục vụ thi công dự án được áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ. Giao cho tư vấn làm việc với Ban chỉ đạo các tỉnh lên phương án về các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án, từng vị trí, công suất, sản lượng theo tiến độ.
Đồng thời kiến nghị cho phép nhà thầu bổ sung thực hiện xây lắp trong dự án thành phần 3 (đối tác công tư-PPP) được hưởng các chính sách đặc thù liên quan đến vật liệu xây dựng như các nghị quyết nêu trên, qua đó hỗ trợ Bắc Ninh, Hưng Yên đẩy nhanh tiến độ khởi công trên toàn tuyến vào tháng 6.
Về đề nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho phép thay đất bằng cát trong thực hiện phương án đắp bao để bảo đảm sự chủ động nguồn vật liệu thi công ngay sau khi khởi công, Ban chỉ đạo yêu cầu tư vấn xem xét, thẩm định và đề xuất UBND thành phố Hà Nội quyết định theo thẩm quyền.
Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội cũng cho rằng tiến độ phê duyệt các dự án thành phần đang chậm so với yêu cầu của Chính phủ, đề nghị các bộ, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án thành phần, các báo cáo đánh giá tác động môi trường mà các địa phương đã trình hồ sơ.
Ban chỉ đạo đề nghị tỉnh Hưng Yên đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, không chờ đợi quyết đáp về tổng mức đầu tư dự án thành phần 2.1. Lưu ý trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phải đặc biệt chú ý xác định chính xác về nguồn gốc đất và diện tích đất, tránh để xảy ra sai sót.