(KTSG Online) – Việt Nam đang thực hiện kế hoạch đẩy mạnh phát triển kinh tế số trong tương lai. Song các chuyên gia cho rằng hạ tầng mạng internet của Việt Nam cần cải thiện để đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, có thể ưu tiên đầu tư để trở thành trung tâm kết nối internet của khu vực.
Tập trung ci thiện kết nối internet ra quốc tế
Hạ tầng internet gồm có kết nối quốc tế (thông qua cáp quang biển và vệ tinh), kết nối trong nước thông qua cáp quang đất liền và cáp quang biển.
Do đặc điểm địa lý, kết nối internet của Việt Nam đi quốc tế phần lớn dựa vào cáp quang biển. Kết nối bằng cáp quang đất liền đi qua các nước chỉ chiếm dung lượng ít. Còn kết nối internet quốc tế thông qua vệ tinh thì đắt đỏ, không phù hợp với túi tiền của đa số người dân. Theo đánh giá của các chuyên gia, hạ tầng kết nối internet trong nước của Việt Nam hiện tạm ổn. Chỉ có kết nối internet đi quốc tế của Việt Nam thì gặp trục trặc thường xuyên.
Mới đây, hoạt động cung cấp dịch vụ internet của Việt Nam gặp sự cố hy hữu chưa từng xảy ra trong “lịch sử” mấy chục năm cung cấp dịch vụ internet - cả 5 tuyến cáp quang biển quốc tế mà các nhà cung cấp dịch vụ internet Việt đang sử dụng (gồm AAG, AAE-1, APG, IA và SMW3) đều lần lượt gặp sự cố (đứt, lỗi kĩ thuật...).
Theo kế hoạch dự kiến, đến giữa tháng 4 này sẽ có 3 tuyến AAG, APG và IA khắc phục xong các sự cố và khôi phục hoạt động bình thường. Tuy nhiên, thực tế đến giờ cả 5 tuyến cáp biển đều chưa được sửa xong.
Được biết, để khắc phục sự cố trên, từ giữa tháng hai vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp với các doanh nghiệp viễn thông để xử lý sự cố đứt cáp quang biển, đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế. Không chỉ đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp đến người dùng mà còn giúp cho các hoạt động kinh tế Inernet được kết nối thông suốt. Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo kết nối đi quốc tế.
Thực tế, khi các tuyến cáp quang biển trục trặc, các nhà mạng cơ bản chỉ có phương án bù đắp dung lượng kết nối quốc tế qua các tuyến cáp quang đất liền. Nhưng các tuyến cáp đất liền rất có thể không thể nâng cấp nhanh chóng được do hạn chế về thiết bị. Do đó khi các tuyến cáp quang biển đều gặp sự cố thì tình trạng truy cập internet quốc tế bị chập chờn và giảm chất lượng so với thông thường là khó tránh khỏi. Với tình trạng sự cố các tuyến cáp quang biển ngày càng nhiều và càng dày, nhu cầu bổ sung các tuyến cáp mới càng trở nên cấp bách.
Cung cấp thông tin cho KTSG Online ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng trong 5 năm tới, Việt Nam cần thêm ít nhất 2 - 3 tuyến cáp quang biển nữa để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Ông Bình cho rằng việc nhiều tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố là sự cố hy hữu các nhà mạng ít khi tính tới. Như vậy, phần lớn dung lượng cáp biển đã không còn sử dụng được. Ông Bình cho rằng đây là một bài học tốt cho các nhà mạng Việt Nam - tức là mọi kịch bản xấu nhất đều cần được tính tới và có các phương án chuẩn bị ứng phó.
Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quí I-2023 của Bộ Thông tin và truyền thông, bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng việc cả 5 tuyến cáp biển đều gặp sự cố là tình huống không ai ngờ song cũng cho thấy việc cần phải đặt ra câu chuyện phát triển bền vững của hạ tầng số.
Bàn về các giải pháp để phát triển bền vững Internet Việt Nam, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam đề xuất, ngoài việc đầu tư mở rộng tuyến, có một số lựa chọn khác để gia tăng độ ổn định, bền vững, đó là thúc đẩy nội dung, dữ liệu được đặt trong nước nhiều hơn, thông qua cổ vũ, khuyến khích các nền tảng toàn cầu đặt hệ thống kỹ thuật tại Việt Nam nhiều hơn, cũng như thúc đẩy nội dung trong nước.
Để đảm bảo kết nối internet quốc tế của Việt Nam, hiện giải pháp chính chỉ là đầu tư cáp quang biển chứ không thể phát triển Internet vệ tinh. Bởi vì đây là loại hình cho phép kết nối internet quốc tế khá đắt đỏ.
Tại Việt Nam, VNPT là đơn vị duy nhất sở hữu vệ tinh để cung cấp dịch vụ internet. Song nhà mạng này đang cung cấp dịch vụ Internet qua đường vệ tinh với tốc độ tối thiểu 384 Kbps và giá cước từ 1,6 đến 5,25 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài đăng ký gói thuê bao, người dùng sẽ cần mua thiết bị kết nối mạng, lắp bên ngoài căn nhà để sử dụng.
Tại buổi chia sẻ về giải pháp khắc phục sự cố cáp quang biển do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, khi được hỏi về phát triển internet vệ tinh, ông Nguyễn Hồng Thắng Cục trưởng Viễn thông cho rằng thách thức đầu tiên là mức giá.
Hiện tại, với kết nối Internet băng rộng cố định, người dùng Việt chỉ cần chi khoảng 200 nghìn là có gói cước thấp nhất, miễn phí thiết bị đầu cuối. Trong khi đó dịch vụ Internet vệ tinh của VNPT cũng có mức giá thấp nhất 1,6 triệu đồng/một tháng.
Bên cạnh đó, internet vệ tinh tại Việt Nam cũng gặp những thách thức trong triển khai, cũng như các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, an toàn, an ninh. Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có đủ tiềm lực để tự triển khai chùm vệ tinh quỹ đạo thấp. Thay vào đó, sẽ phải sử dụng và phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh có sẵn của các công ty nước ngoài.
Trong khi đó, các dịch vụ nước ngoài như Starlink được xếp vào dịch vụ xuyên biên giới, phải tuân thủ quy định trong Luật Viễn thông. Theo ông Thắng, đây là ngành kinh doanh có điều kiện nên có những điều khoản rất chặt. Điều này vừa để bảo vệ thị trường trong nước, vừa bảo đảm về an toàn thông tin...
Do đó các chuyên gia cho rằng kết nối internet quốc tế qua vệ tinh chưa thể đóng vai trò thay thế cho cáp quang tại Việt Nam hiện nay. Nó chỉ được sử dụng để cung cấp kết nối Internet cho các địa điểm ở xa và khó tiếp cận (trên biển, miền núi, hải đảo...), không thuận tiện cho cung cấp dịch vụ internet cáp quang.
Cơ hội để trở thành hub kết nối của khu vực
Được biết, qua sự cố hy hữu về cáp quang biển nêu trên, ngoài việc thành lập ban chỉ đạo khắc phục sự cố, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã giao Cục Viễn thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam. Động thái này nhằm thúc đẩy nhanh thêm các tuyến cáp quang biển để đến năm 2025 Việt Nam sẽ có tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển đi quốc tế.
Bên cạnh đó Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông còn cho rằng, khi mà các tuyến cáp quang biển kết nối đi Hong Kong và Singapore gặp nhiều khó khăn thì chúng ta lại nhìn thấy cơ hội để Việt Nam trở thành hub kết nối đi quốc tế.
Được biết, hiện các hub chính kết nối internet quốc tế trong khu vực hiện nay là Singapore, HongKong, Nhật...
Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang tham gia khai thác 5 tuyến cáp quang biển quốc tế gồm Asia America Gateway (AAG), APG (Asia Pacific Gateway), SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3), Intra Asia (IA, còn gọi là Liên Á) và Asia - Africa - Euro 1 (AAE-1).
Thời gian vừa qua, 2 doanh nghiệp lớn là VNPT và Viettel đã tham gia vào các liên minh để đầu tư xây dựng các tuyến cáp biển mới là SJC2 và ADC. Theo đúng tiến độ đã đề ra, trong năm nay, 2 tuyến cáp quang biển này sẽ được xây dựng xong, đưa vào vận hành chính thức. Như vậy, trong năm 2023, số tuyến cáp biển các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, sử dụng sẽ được nâng lên 7 tuyến.
Đánh giá về 2 tuyến cáp biển mới này, ông Vũ Thế Bình từ Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định, 2 tuyến cáp biển SJC2 và ADC đều được áp dụng những công nghệ mới nhất. Do đó dung lượng và giá thành đều có khả năng tốt hơn các tuyến cáp biển hiện tại. Khi các tuyến cáp quang biển mới đưa vào hoạt động, sự phụ thuộc của Việt Nam vào các tuyến cáp biển hiện nay sẽ giảm đi; cùng với đó, độ an toàn, ổn định chất lượng dịch vụ cũng sẽ tăng lên.
Điểm mới với 2 tuyến cáp ADC, SJC2 là được kết nối vào Việt Nam tại Quy Nhơn, Bình Định. Điều này vừa giúp tăng tính an toàn cho hệ thống các kết nối quốc tế của Việt Nam, không tập trung hết tại một địa điểm cập bờ.
Mặt khác, theo ông Bình, việc 2 tuyến cáp SJC2, ADC vẫn kết nối tới HongKong, Singapore khẳng định một thực tế về vai trò lớn của 2 hub chính này. Song cũng cho thấy Việt Nam có thể từng bước có cơ hội trở thành 1 trạm trung chuyển, kết nối của khu vực nếu hạ tầng kết nối sang các nước phía Tây cũng như hạ tầng trong nước được phát triển mạnh mẽ hơn.
Khẳng định cơ hội đưa Việt Nam trở thành hub khu vực là có và lớn nhưng rất thách thức. Để giải bài toán này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Ban chỉ đạo để bàn thảo, hoạch định kế hoạch xây dựng các tuyến cáp quang biển.
Ban chỉ đạo sẽ bàn cụ thể việc xây dựng các tuyến cáp mới với hướng ra sao, dung lượng thế nào, thời điểm nào phù hợp cũng như về hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung phát triển các trung tâm dữ liệu, các hệ thống điện toán đám mây trong nước thì chúng ta mới có cơ hội đưa Việt Nam trở thành hub của khu vực.
Tại sự kiện Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam được tổ chức mới đây, ông Lê Anh Vũ – Giám đốc sáng tạo CMC Telecom cho rằng, Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố quan trọng để trở thành một digital hub tiếp theo của khu vực. Từ yếu tố thiên nhiên như vị trí địa lý thuận lợi, yếu tố hạ tầng sẵn có với các tuyến cáp biển và trạm cập bờ lớn, sở hữu các trung tâm dữ liệu trung lập quy mô lớn, sự phát triển nhanh của điện toán đám mây, yếu tố nguồn lực với hệ sinh thái công nghệ cao, các chính sách mở và nhất quán... Song song với đó, Việt Nam sở hữu một nguồn tài nguyên số khổng lồ và quý giá, đó chính là nguồn nhân lực với tệp dân số trẻ, đam mê toán học và trình độ lập trình cao.
Khi trở thành Digital Hub, Việt Nam sẽ là nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực Châu Á, Thái Bình Dương và thế giới, không chỉ tạo cơ hội và sự phát triển lớn cho doanh nghiệp trong nước, mà còn kéo theo sự đầu tư mạnh về vốn, cơ sở hạ tầng, con người, tri thức… của thế giới.