Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thấy gì từ mức tăng trưởng vượt kỳ vọng của Trung Quốc trong quí 1?

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -Tăng trưởng GDP quí 1 của Trung Quốc vượt kỳ vọng sau khi nước này chấm dứt chính sách ‘zero Covid’. Dữ liệu chính thức cho thấy doanh số bán lẻ đang phục hồi mạnh nhưng lĩnh vực xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đối mặt thách thức. Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay, song niềm tin trong lĩnh vực bất động sản và khu vực kinh tế tư nhân sẽ mất nhiêu thời gian để phục hồi.

Khách mua sắm ở một khu thương mại ở Bắc Kinh. Trong tháng 3, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoáiẢnh: Reuters

Hôm 18-4, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết GDP của Trung Quốc tăng 4,5% trong quí 1, cao hơn mức dự báo 4% của các nhà kinh tế được Reuters khảo sát. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quí 1 năm ngoái.

Kinh tế Trung Quốc phục hồi sau khi trải qua trải qua một trong những mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên hồi năm ngoái khi tình trạng phong tỏa ở hàng loạt thành phố làm tê liệt các hoạt động của các nhà máy và giảm sức chi tiêu trong nước.

Dù số liệu tăng trưởng quí 1 báo hiệu Trung Quốc đang đi đúng hướng để đạt hoặc vượt qua mục tiêu tăng trưởng 5 % trong năm nay, các nhà kinh tế cảnh báo đà phục hồi sẽ không đồng đều.

NBS ghi nhận số liệu GDP quí 1 đánh dấu một khởi đầu tốt cho nền kinh tế nhưng nhu cầu trong nước vẫn “chưa đầy đủ” và nền tảng của sự phục hồi vẫn “chưa vững chắc”.

Bán lẻ phục hồi

Bán lẻ, một trong những lĩnh vực chịu tổn thương nặng nề do các biện pháp kiểm soát Covid-19 của Bắc Kinh trong những năm trước, chứng kiến một trong những đợt phục hồi mạnh mẽ nhất.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 10,6% trong tháng 3, vượt dự báo của các nhà phân tích là 7,5% và tăng nhanh hơn so tháng 1 và tháng 2 khi nền kinh tế bật dậy sau khi các hạn chế kiểm soát đại dịch được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, một phần của sự cải thiện doanh số bán lẻ là do hiệu ứng nền tảng thấp từ doanh số bán lẻ hồi quí 1 năm ngoái khi  Thượng Hải bị đặt dưới lệnh phong tỏa.

“Chúng tôi kỳ vọng dữ liệu bán lẻ của Trung Quốc sẽ cải thiện hơn nữa trong tháng 4 và tháng 5  so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nền tảng rất thấp vào năm ngoái khi Thượng Hải áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt”, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs viết trong một báo cáo.

Xuất khẩu có thể chững lại

Trong tháng 3, xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng 14,8% so với cùng năm ngoái, dù các nhà kinh tế dự báo sẽ suy giảm 5%.  Phần lớn mức tăng trưởng này nhờ doanh số xuất khẩu mạnh mẽ của xe điện và hàng hóa xuất khẩu sang Nga.

Song nhiều nhà kinh tế dự đoán triển vọng xuất khẩu sẽ khó khăn hơn khi nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc giảm. Ngoài ra, tác động chậm trễ của làn sóng tăng lãi suất ở các thị trường phát triển và tình trạng hỗn loạn của khu vực ngân hàng ở Mỹ cũng gây áp lực lên thuong mại. Louise Loo, nhà kinh tế của Capital Economics, nhận định: “Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại kể từ bây giờ”.

Các nhà kinh tế đang tranh luận liệu Bắc Kinh có cần tăng chi tiêu kích thích hay không khi theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023.

“2023 là năm phục hồi của Trung Quốc, nhưng lại là năm gần như suy thoái đối với Mỹ và tăng trưởng rất chậm đối với châu Âu”, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ING, nói. Bà dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ trì hoãn các kế hoạch kích thích để thúc đẩy nhu cầu và hỗ trợ việc làm sau khi ghi nhận tăng trưởng ở quí đầu tiên tốt hơn dự kiến.

“Trung Quốc có thể nhận thấy không  cần kích thích tài khóa ngay lập tức để hỗ trợ người tiêu dùng. Bắc Kinh sẽ giữ lại kế hoạch đầu tư hạ tầng như một động lực tăng trưởng bổ sung trong tương lai vì chúng tôi cho rằng thị trường bên ngoài sẽ xấu đi hơn nữa trong thời gian còn lại của năm 2023”,  bà nói thêm.

Khó khăn của bất động sản chưa kết thúc

Lĩnh vực bất động sản, một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, vẫn chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng thanh khoản vốn đã gây gây ra hàng loạt vụ vỡ nợ. Đầu tư bất động sản của Trung Quốc giảm 5,8% và doanh số bán nhà tính theo diện tích giảm 1,8% trong quí đầu tiên. Trong khi, số lượng nhà ở mới xây tiếp tục giảm, xuống mức thấp hơn 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng doanh số bán tính theo giá trị đã tăng 4,1% trong ba tháng đầu tiên, đồng thời, giá nhà mới xây trong tháng 3 tăng với tốc độ nhanh nhất trong 21 tháng.

Tình trạng ảm đạm của lĩnh vực bất động sản tiếp tục lan sang các lĩnh vực như hàng hóa bền, bao gồm cả thiết bị gia dụng, với doanh số bán hàng trong tháng 3 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà chiến lược Chaoping Zhu của Công ty quản lý tài sản JPMorgan Asset Management, nhận định sự phục hồi niềm tin kinh doanh của khu vực tư nhân có thể chậm hơn dự kiến.

Khu vực công dẫn đầu về đầu tư tài sản cố định với mức tăng trưởng 10% trong quí 1. Tuy nhiên, đầu tư của khu vực tư nhân chỉ tăng 0,6% trong quí vừa qua, cho thấy niềm tin kinh doanh vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn, Zhu nói.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn cao

Dữ liệu công bố hôm hôm 18-4 cho cho thấy, trong quí đầu tiên,  19,6% thanh niên (16-24 tuổi) ở Trung Quốc thất nghiệp. Theo Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng ở ngân hàng ANZ, đây là tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao thứ hai trong lịch sử kể từ khi dữ liệu được thống kê ở Trung Quốc. Tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ báo hiệu thách thức ngày càng lớn đối với chính phủ Trung Quốc. Sự chậm chạm trong cải cách cấu trúc sản xuất đã cản trở khả năng thúc đẩy việc làm.

“Đến tháng 6, sẽ có một lứa sinh viên mới tốt nghiệp đi tìm việc làm. Tình trạng thất nghiệp có thể trở nên tồi tệ hơn nữa nếu động lực kinh tế của Trung Quốc chững lại”, Yeung nói.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới