Chủ Nhật, 3/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bảo hiểm liên kết đầu tư – lối đi nào cho ‘đứa con lai’?

Lưu Minh Sang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Phần lớn các cáo buộc từ phía người mua bảo hiểm có liên quan đến sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư - “đứa con lai” giữa bảo hiểm và đầu tư. Lối đi nào dành cho sản phẩm này?

“Đứa con lai” giữa bảo hiểm và đầu tư

Bảo hiểm được xem là một tấm khiên bảo vệ người tham gia trước những rủi ro. Với bảo hiểm nhân thọ (BHNT) thì đó là rủi ro về sức khỏe và tính mạng. Nhận thức truyền thống gắn liền với bảo hiểm kể từ khi nó xuất hiện đến nay vẫn là như thế.

Năm 1979, Hutton Life đã giới thiệu một loại sản phẩm BHNT mới với tên gọi BHNT liên kết chung (Universal Life - UL). Đây được cho là bước khởi đầu của sản phẩm bảo hiểm mới - bảo hiểm liên kết đầu tư.

Theo đó, bảo hiểm liên kết đầu tư đã vượt qua khỏi biên giới bảo vệ rủi ro và gắn thêm chức năng tích lũy mang tính đầu tư cho người tham gia thông qua các hoạt động đầu tư tại các quỹ đầu tư liên kết của doanh nghiệp bảo hiểm dưới hai hình thức: (i) quỹ liên kết đơn vị và (ii) quỹ liên kết chung. Từ đó phân bảo hiểm liên kết đầu tư này thành hai loại: (i) bảo hiểm liên kết đơn vị và (ii) bảo hiểm liên kết chung.

Điểm tương đồng của hai loại này là cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Điểm khác biệt căn bản nằm ở quyền lựa chọn quỹ đầu tư của người tham gia và tính rủi ro.

Với bảo hiểm liên kết đơn vị, bên mua bảo hiểm được quyền lựa chọn dùng phí bảo hiểm của mình để mua các đơn vị của các quỹ liên kết đơn vị do doanh nghiệp bảo hiểm thành lập, được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro đầu tư từ các quỹ liên kết đơn vị đã lựa chọn tương ứng với phần phí bảo hiểm đã đầu tư.

Trong khi đó, với bảo hiểm liên kết chung, bên mua bảo hiểm được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư từ quỹ liên kết chung của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng không thấp hơn tỷ suất sinh lời tối thiểu được doanh nghiệp bảo hiểm cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.

“Con cưng” của bảo hiểm nhân thọ

Tại Việt Nam, sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị được chính thức triển khai từ năm 2012 với sự điều chỉnh của Thông tư 135/2012/TT-BTC và sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được cấp phép vào năm 2016 dưới sự điều chỉnh của Thông tư 52/2016/TT-BTC.

Ở Indonesia, rất nhiều tài liệu được quy định nghiêm ngặt trong quá trình tiếp thị và phân phối sản phẩm đến khách hàng, bao gồm: (i) tài liệu về sản phẩm; (ii) văn bản minh họa quyền lợi bảo hiểm (phiên bản chung và phiên bản cá nhân hóa); (iii) văn bản đánh giá sự phù hợp của sản phẩm nhu cầu và hồ sơ rủi ro của khách hàng; (iii) bản tuyên bố hiểu biết của khách hàng về sản phẩm; (iv) mẫu phê duyệt của công ty bảo hiểm.

Với hơn 10 năm ra đời, bảo hiểm liên kết đầu tư không ngừng phát triển và nở rộ trong những năm gần đây. Nhìn vào bức tranh chung của thị trường BHNT Việt Nam, dễ dàng nhận thấy bảo hiểm liên kết đầu tư đang chiếm thế thượng phong trong những năm qua.

Theo đó, doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu phí BHNT của các hợp đồng có hiệu lực, cụ thể: năm 2020 (63,02%), năm 2021 (68,27%), năm 2022 (71,7%). Nếu tính trên số tiền bảo hiểm của các hợp đồng BHNT khai thác mới toàn thị trường, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng đến 89,81% (năm 2020) và 90,13% (năm 2021).

Với tỷ trọng đóng góp áp đảo, các sản phẩm BHNT mang tính bảo vệ thuần túy đang dần lép vế trước sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp BHNT cũng không ngừng phát triển và phân phối các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đến khách hàng thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó phải kể đến sự tham gia tích cực của các ngân hàng thông qua các hợp đồng đại lý bảo hiểm.

Bị xem là “tội đồ”

Nhìn vào số liệu thì dễ thấy bảo hiểm liên kết đầu tư là sản phẩm có công rất lớn đóng góp vào sự phát triển của thị trường BHNT nhưng nhìn vào thực tế các tranh chấp, tai tiếng mà ngành bảo hiểm đang đối mặt thì sản phẩm này lại bị xem là một “tội đồ”.

Nhìn lại toàn thể luồng dư luận đang vây lấy ngành bảo hiểm thì hầu như có một điểm chung đó là người tham gia bảo hiểm cảm thấy mình bị lừa khi có sự khác biệt quá lớn giữa những lời chào mời, hứa hẹn trong khâu tiếp thị, tư vấn sản phẩm với quyền lợi thực tế từ hợp đồng bảo hiểm.

Nguyên nhân của thực trạng này có vẻ đã được phân tích rất nhiều trên các diễn đàn. Khái quát lại có thể đúc rút là cội nguồn của vấn đề đang nằm ở tình trạng bất cân xứng thông tin và tính không minh bạch về thông tin giữa các bên liên quan trong quy trình bán hàng và thẩm định. Điều này cũng đã được khẳng định bởi Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tại cuộc họp ngày 17-4-2023 với các doanh nghiệp bảo hiểm.

Trên thực tế, đã và đang tồn tại tình trạng lập lờ thông tin trong các tài liệu tiếp thị sản phẩm cũng như thông tin tư vấn từ phía đại lý bảo hiểm. Người mua bảo hiểm đã không được tư vấn đầy đủ, hợp lý để có những hiểu biết cần thiết trước khi quyết định tham gia vào hợp đồng bảo hiểm. Không ít người mua bảo hiểm phản ánh rằng họ chỉ nghe tư vấn về lợi nhuận mà không hề đề cập đến rủi ro.

Ngay khi viết bài này, tác giả có truy cập một số trang thông tin của vài doanh nghiệp BHNT, cũng nhận thấy thông tin tiếp thị đều theo hướng làm nổi bật lên tỷ suất sinh lời khủng từ loại sản phẩm bảo hiểm này. Có công ty còn công bố tỷ suất sinh lời lên đến 92,5% từ năm 2017-2021. Với cách tiếp thị này, việc người mua bảo hiểm bị rơi vào “bẫy” lợi nhuận và hiểu sai về tính chất của sản phẩm bảo hiểm là chuyện khá hiển nhiên và dễ hiểu.

Lối đi nào cho “đứa con lai”?

Sau cuộc họp ngày 17-4, Bộ Tài chính dường như đã đưa ra thông điệp sẽ có nhiều động thái quản lý mạnh tay hơn để chấn chỉnh những sai phạm đã diễn ra trên thị trường bảo hiểm. Hành động này dù khá chậm nhưng cần thiết và sẽ có những tác động tích cực trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để thị trường BHNT có thể tiếp tục phát triển và mang tính bền vững thì phải giải quyết vấn đề rất lớn đó là tính minh bạch thông tin trong quy trình tiếp thị, phân phối sản phẩm.

Bảo hiểm liên kết đầu tư là loại sản phẩm đặc biệt nên kén người bán lẫn người mua. Người trực tiếp phân phối sản phẩm đến khách hàng không chỉ cần am hiểu về bảo hiểm mà còn phải am hiểu về đầu tư, đánh giá được sự phù hợp giữa khách hàng và sản phẩm, có khả năng tư vấn, giải thích rõ ràng, dễ hiểu sản phẩm.

Người mua bảo hiểm phải lường được những rủi ro từ khía cạnh đầu tư trong sản phẩm này cũng như tính chất dài hạn của sản phẩm. Do đó, yêu cầu về đại lý phân phối lẫn quy trình bán hàng, tài liệu tiếp thị là phải chi tiết, rõ ràng, đảm bảo người mua hiểu hết được những điểm trọng yếu của sản phẩm này.

Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy Indonesia là quốc gia có một khung pháp lý khá bài bản về vấn đề này. Theo Thông tư 5/SEOJK.05/2022 được ban hành ngày 14-3-2022 của cơ quan quản lý bảo hiểm nước này, rất nhiều tài liệu được quy định nghiêm ngặt trong quá trình tiếp thị và phân phối sản phẩm đến khách hàng, bao gồm: (i) tài liệu về sản phẩm; (ii) văn bản minh họa quyền lợi bảo hiểm (phiên bản chung và phiên bản cá nhân hóa); (iii) văn bản đánh giá sự phù hợp của sản phẩm nhu cầu và hồ sơ rủi ro của khách hàng; (iii) bản tuyên bố hiểu biết của khách hàng về sản phẩm; (iv) mẫu phê duyệt của công ty bảo hiểm.

Cơ quan quản lý bảo hiểm nước này cũng ban hành các mẫu có liên quan theo hình thức liệt kê các đầu mục (check list) chi tiết đến từng nội dung để buộc các công ty bảo hiểm và đại lý bảo hiểm phải tuân theo. Điển hình như Mẫu tuyên bố hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư của khách hàng với 17 đầu mục thông tin phải được giải thích cho khách hàng hiểu rõ, trong đó có ba trường thông tin chính: (i) tính năng và bản chất của sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư; (ii) phí bảo hiểm; (iii) giá trị đầu tư và tất cả các rủi ro.

Mỗi đầu mục thông tin sẽ có hai cột, một cột “có”, một cột “không”. Bên mua bảo hiểm phải ký nháy vào cột “có” nếu họ đã hiểu và ký nháy vào cột “không” nếu họ chưa hiểu về thông tin tương ứng. Bên mua bảo hiểm chỉ có thể tham gia vào hợp đồng nếu như đã ký xác nhận hiểu hết 17 đầu mục thông tin. Nếu còn bất kỳ thông tin nào mà khách hàng ký nháy vào cột “không” hoặc không có ký nháy vào cả hai cột thì doanh nghiệp bảo hiểm phải từ chối đơn đăng ký tham gia bảo hiểm.

Đồng thời, quá trình tiếp thị phải được ghi nhận lại dưới dạng video và/hoặc ghi âm và được lưu trữ theo quy định để làm bằng chứng trong trường hợp có tranh chấp phát sinh.

Sau khi ký kết hợp đồng bảo hiểm (trong thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm), công ty bảo hiểm phải tiến hành một cuộc gọi chào mừng (có thể qua video) đến với chủ hợp đồng để xác nhận sự phù hợp của sản phẩm và hiểu biết của chủ hợp đồng về sản phẩm. Nếu phát hiện chủ hợp đồng không hiểu biết đầy đủ về sản phẩm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chỉ định người tiếp thị giải thích lại toàn bộ mọi thông tin mà chủ hợp đồng chưa hiểu biết đầy đủ.

(*)Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới