Chuẩn mực đâu rồi?
Nguyên Tấn
![]() |
minh họa: Khều. |
(TBKTSG) - Hàng loạt vụ “cấm”, “không cho”, “thu hồi”... ở nơi này nhưng lại được phép ở nơi kia đang lộ ra những bất cập, lúng túng trong hoạt động quản lý văn hóa. Điều đáng lo ngại là thay vì quản lý bằng chuẩn mực pháp lý, có vẻ như cách thức quản lý đối với lĩnh vực này vẫn dựa vào ý chí chủ quan nhiều hơn.
Khi xử lý bất kỳ một hành vi vi phạm pháp luật nào thì việc xử lý ấy luôn luôn phải dựa trên những căn cứ luật định. Để chứng minh việc xử lý là có căn cứ, một trong những biện pháp thường được áp dụng là trưng cầu giám định. Ví dụ, trong một vụ án hình sự gây thương tích, cơ quan điều tra nhất thiết phải trưng cầu giám định pháp y về tỷ lệ thương tật của người bị hại, coi đây như một căn cứ để đưa ra quyết định khởi tố và truy cứu trách nhiệm đối với bị can.
Cách thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật thiết nghĩ cũng không thể là ngoại lệ. Thế nhưng, pháp luật hiện hành chỉ mới quy định về giám định tư pháp, còn giám định trong xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật thì chưa có. Sự bỏ ngỏ này làm phát sinh hàng loạt vấn đề như: cơ quan nào có thẩm quyền trưng cầu giám định về văn hóa - nghệ thuật; giám định ở đâu; tổ chức nào có chức năng giám định; nếu tổ chức hội đồng giám định thì trình tự tổ chức như thế nào; ai có quyền được tham gia; kết luận thẩm định có giá trị pháp lý đến đâu...
Trên thực tế, vì chưa có quy định nên các cơ quan quản lý văn hóa thường tự tổ chức thẩm định, tự đánh giá và dựa vào đó đưa ra hình thức xử lý vi phạm. Những kết luận này có thể đúng, có thể sai nhưng do không đảm bảo tính khách quan và nhất là lại chưa được luật hóa nên rất khó có sức thuyết phục đối với người bị xử lý. Chính vì vậy, khi cuốn sách “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” bị Sở Thông tin Truyền thông TPHCM thu hồi với lý do có nội dung “dâm ô, đồi trụy”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến thẩm định về ấn phẩm này với sự tham dự của nhiều nhà phê bình uy tín, kể cả quan chức của Cục Xuất bản. Các chuyên gia đã đưa ra kết luận trái ngược là cuốn sách trên không có nội dung “dâm ô, đồi trụy” như quy kết của cơ quan quản lý văn hóa! Một cuốn sách, có hai kết quả thẩm định khác nhau, vậy kết quả nào có giá trị? Nếu căn cứ vào quy định hiện hành thì rõ ràng những kết quả thẩm định như vậy rất khó có thể được công nhận.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, tác giả “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông”, từng phát biểu rằng để xử lý một tác phẩm văn học cần có một hội đồng thẩm định đầy đủ uy tín về chuyên môn để đánh giá nó, nếu không thì tác phẩm có thể sẽ phải “chết” rất oan ức. Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với đề nghị này của anh.
Mặt khác, đánh giá về văn hóa - nghệ thuật là một vấn đề rất dễ phụ thuộc vào chủ quan của mỗi người. Vì vậy, trong tình trạng bất cập về phân cấp quản lý, hơn nữa lại chưa có một cơ chế giám định rõ ràng cùng với việc hình thành những tổ chức, hội đồng giám định văn hóa độc lập thì chuyện ở nơi này cấm, nơi kia cho là một hệ quả đương nhiên. Điều này giải thích một hiện tượng tréo ngoe là mặc dù bị cấm tại TPHCM nhưng ở các địa phương khác trên cả nước, cuốn sách “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” vẫn được lưu hành một cách thoải mái, vô tư.
Hay như chuyện ồn ào gần đây xung quanh việc “bể sô” đêm nhạc của ca sĩ Chế Linh cũng là một thí dụ thể hiện sự bất nhất trong quản lý nhà nước. Thoạt đầu, Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch Hà Nội cho biểu diễn, sau đó lại rút giấy phép với lý do vi phạm về quảng cáo. Có ý kiến cho rằng ngay cả chuyện rút giấy phép công diễn này cũng chưa ổn về mặt pháp lý vì vi phạm về quảng cáo và vi phạm về biểu diễn nghệ thuật là hai vấn đề khác nhau. Nếu vi phạm về quảng cáo thì xử lý về mặt quảng cáo, chứ không thể rút giấy phép công diễn.
Nhưng cũng chính chương trình ấy, lại được Cục Nghệ thuật biểu diễn, cấp phép cho biểu diễn trong khi TPHCM lại từ chối với lý do “không phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay”. Đối với trường hợp này, pháp luật quy định khá rõ ràng về điều kiện, thủ tục cấp phép công diễn. Cụ thể là hoạt động biểu diễn không được vi phạm những điều cấm như: kích động chống nhà nước; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; kích động bạo lực; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô đồi trụy (*)... Như vậy, cần phải dựa vào những điều kiện luật định này để cấp phép hoặc từ chối thay vì dựa vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý văn hóa. Việc hành xử dựa vào ý chí chủ quan rõ ràng sẽ làm giảm tính hiệu lực của pháp luật do tình trạng bất nhất giữa các cơ quan quản lý. Đây là điều không nên xảy ra ở một nhà nước nhất thể như chúng ta.
____
(*) Nghị định 103/2009/NĐ-CP