Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Công thức ‘thất bại để thành công’ của Elon Musk từ vụ phi thuyền Starship phát nổ

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chỉ vài phút sau khi rời bệ phóng, hệ thống phi thuyền tích hợp tên lửa Starship mạnh nhất của Công ty công nghệ không gian SpaceX đã phát nổ. Tuy nhiên, đây là ví dụ mới nhất về công thức kinh doanh “thất bại để thành công” của tỉ phú Elon Musk, người sáng lập công ty này.

Phi thuyền tích hợp tên lửa Starship của Công ty công nghệ không gian SpaceX, nơi tỉ phú Elon Musk giữ ghế CEO, phát nổ chỉ bốn phút sau khi rời bệ phóng. Ảnh: Reuters

Hôm 20-4, phi thuyền - tên lửa hai tầng Starship, dài 120 mét, cao hơn cả tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ, đã được phóng đi từ sân bay vũ trụ Starbase của SpaceX ở Brownsville, bang Texas.

Tuy nhiên, chưa đầy 4 phút sau khi phóng lên, tầng trên của Starship đã không thể tách khỏi tên lửa đẩy Super Heavy ở tầng dưới như thiết kế. Sau đó, hệ thống phi thuyền-tên lửa này lộn nhào trước khi nổ tung, tạo ra một quả cầu lửa giữa không trung.

Starship được thiết kế với sứ mệnh đưa các phi hành gia của Mỹ trở lại Mặt trăng và lên sao Hỏa trong thập niên tới. Đây là vụ phóng thử nghiệm đầu tiên của Starship và không chở theo con người.

Thay vì xem cú phát nổ của hệ thống Starship khổng lồ trên không trung là một trở ngại cho tham vọng chinh phục sao Hỏa của SpaceX, các chuyên gia cho rằng thất bại này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hoàn thiện Starship.

SpaceX xác nhận, một số trong số 33 động cơ Raport mạnh mẽ của Super Heavy gặp sự cố khiến tên lửa đẩy này và phi thuyển Starship không thể tách ra như thiết kế ban đầu.

Tuy nhiên, các lãnh đạo của SpaceX bao gồm cả  Elon Musk, người sáng lập kiêm CEO và kỹ sư trưởng của công ty tên lửa có trụ sở tại California lại ca ngợi vụ phóng thử nghiệm vì đã đạt được mục tiêu chính là đưa Starship rời lên khỏi mặt đất. Đồng thời, vụ phóng sẽ cung cấp nhiều dữ liệu quí giá để thúc đẩy sự phát triển của Starship. Trước vụ phóng, vị tỉ phú này thậm chí dự báo tên lửa có thể phát nổ.

Trong cuộc trò chuyện với Reuters, ít nhất hai chuyên gia về kỹ thuật hàng không vũ trụ và khoa học hành tinh đồng ý rằng chuyến bay thử nghiệm của Starship mang lại nhiều lợi ích cho SpaceX.

“Đây là công thức thất bại để thành công cổ điển của SpaceX”, Garrett Reisman, giáo sư kỹ thuật hàng không tại Đại học Nam California, cựu phi hành gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cố vấn cấp cao của SpaceX nói.

Reisman gọi chuyến bay thử nghiệm thất bại của Starship là một dấu ấn trong chiến lược của SpaceX, khiến công ty của Musk khác biệt so với các công ty hàng không vũ trụ truyền thống và thậm chí cả NASA.

Theo ông, SpaceX sẵn sàng đón nhận thất bại này vì hậu quả rất thấp. Cụ thể, không có phi hành gia nào tham gia chuyến bay thử nghiệm và các mảng vỡ của hệ thống phi thuyền tên lửa Starship hầu như rơi hoàn toàn xuống biển, giúp tránh gây thương tích cho con người hoặc thiệt hại tài sản có thể xảy ra trên mặt đất.

“Dù tên lửa đó tốn rất nhiều tiền để phát triển, nhưng điều thực tốn kém hơn là tiền lương của mọi người (trong Công ty SpaceX)”, giáo sư Reisman nói.

Theo Reisman, về lâu dài, chuyến bay thử nghiệm thất bại trên giúp SpaceX tiết kiệm được nhiều tiền hơn và mất ít thời gian hơn để xác định và sửa các lỗi kỹ thuật bằng cách chấp nhận nhiều rủi ro hơn trong quá trình phát triển thay vì duy trì một nhóm làm việc liên tục trong nhiều năm để cố gắng hoàn thiện Starship trước khi tiến hành thử nghiệm.

“Tôi cho rằng giờ đây, lịch trình để đưa con người lên phi thuyền Starship sẽ được đẩy nhanh hơn”, Reisman nói.

Nhà khoa học hành tinh Tanya Harrison, thành viên của Viện Vũ trụ thuộc Đại học British Columbia, cho rằng tên lửa phát nổ là một phần của quá trình thử nghiệm. “Có rất nhiều tai nạn xảy ra khi bạn đang cố gắng thiết kế một tên lửa mới nhưng việc Starship rời bệ phóng thành công khiến nhiều người thực sự hài lòng”, Harrison nói.

Bà nhận định, rủi ro thất bại của một chuyến bay thử nghiệm là quá nhỏ bé so với những lợi ích đạt được để hướng đến các mục tiêu tham vọng.

“Starship là hệ thống phi thuyền - tên lửa lớn nhất mà nhân loại từng chế tạo”, bà nói đồng thời cho biết thêm nó được thiết kế để mang theo số lượng lớn hàng hóa và người đến và đi từ không gian xa hơn so với bất kỳ phi thuyền nào hiện nay.

NASA đang thực hiện sứ mệnh lấy các mẫu đất và khoáng chất trên sao Hỏa, với trọng lượng chỉ vài kí lô gam, do tàu thăm dò Mars Perseverance thu thập. Phi thuyền Starship có khả năng chở nhiều tấn đất đá cũng như vận chuyển hàng chục phi hành gia và toàn bộ cơ sở phòng thí nghiệm đến và đi từ Mặt trăng và sao Hỏa, Harrison cho biết.

Kể từ khi thành lập vào năm 2002, SpaceX phát triển nhanh chóng và hiện thực hiện hàng chục vụ phóng vệ tinh thương mại lên quỹ đạo thấp của Trái đất mỗi năm bằng tên lửa đẩy có thể tái sử dụng Falcon 9.

“Vì vậy, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta đưa con người lên sao Hỏa bằng phi thuyền Starship trong thập niên tới”, Harrison nói.

Theo Reuters

2 BÌNH LUẬN

  1. Nổ tung tên lửa, không nằm ngoài dự liệu, cũng là cơ sở để Elon Musk khẳng định mình chưa bao giờ thất bại. Thất bại là mẹ thành công. Không ai làm tốt điều này hơn SpaceX trong lĩnh vực chinh phục không gian trên toàn thế giới.

    • Trả lời tới Hoàng Lương: Đây không phải là thử nghiệm khoa học. Nếu đúng là thử nghiệm khoa học, thì khi thấy sự cố phải mang bằng chứng điều tra về ngay. Thực tế là anh vẫn cố bay sau khi cháy nổ, đến lúc quán tính quay lắc lớn – trong khi động cơ hỏng, không đủ sức lấy lại tư thế, ngã nổ tan không còn gì.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới