Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu kêu gọi ngăn chặn mật ong giả pha chế từ nước đường

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nước Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi ngăn chặn mật ong pha chế từ nước đường của Trung Quốc và các nhà nhập khẩu khác đang tràn ngập trên thị trường mật ong trị giá 2,3 tỉ euro của khối này.

EU hiện có khoảng 600.000 người nuôi ong với tổng cộng 16 triệu tổ ong. Ảnh: Epthinktank

Những người nuôi ong lấy mật ở 20 nước thành viên EU, dẫn đầu là Slovenia, đang kêu gọi thắt chặt quy định để chống lại nạn “rửa mật ong” sau khi một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng trước cho thấy tình trạng gian lận trên thị trường mật ong gia tăng. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng gần một nửa sản phẩm mật ong ở thị trường châu Âu vi phạm các quy tắc của EU, chẳng hạn như sử dụng xi-rô đường, chất tạo màu và nước.

“Về cơ bản, đó là nước đường”, một quan chức EU cho biết.

Vì mật ong nhập khẩu được bán với giá thấp hơn so với sản phẩm mật ong sản xuất ở châu Âu, những người nuôi ong trên khắp lục địa này lo ngại tình trạng gian lận như vậy có nguy cơ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhỏ, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Họ cũng cho rằng vấn đề này có thể khiến những người nuôi ong chán nản và bỏ nghề, làm giảm vai trò của loài ong trong hệ sinh thái.

“Có sự cạnh tranh không lành mạnh đến từ bên ngoài EU, chủ yếu là Trung Quốc. Mật ong từ Trung Quốc không phải là mật ong thật và điều đó khiến giá mật ong giảm mạnh”, Yvan Hennion, người đang nuôi 300 tổ ong ở Houllin, miền bắc nước Pháp, nói.

Hennion là một người nuôi ong “du mục”. Để đảm bảo đàn ong tiếp cận với các cánh đồng cải dầu, ông thường xuyên cùng chúng di chuyển từ Ardèche, miền nam nước Pháp đến Halluin, thị trấn nằm sát biên giới Bỉ.

Hennion cho biết dù doanh số bán hàng trực tiếp từ trang trại của ông vẫn tăng, giá mà ông nhận được từ những người bán buôn đã giảm trong những năm gần đây. Hiện ông đang bán sỉ mật ong với giá 3,5 đô la cho mỗi kg, nhưng giá mật ong nhập khẩu rẻ đến mức chưa đến 1 euro (26.000 đồng VN)/kg.

Hennion, người cũng bán ong chúa cho những người mới bắt đầu kinh doanh nuôi ong, lo ngại giá mật ong sẽ giảm gây tổn hại cho toàn bộ nền kinh tế dựa vào ong.

“Mọi thứ đi cùng nhau. Mật bán được giá thì người bán dụng cụ, thiết bị nuôi ong cũng kinh doanh phát đạt và chúng tôi bán được ong chúa”, ông nói.

Stanislav Jaš, một người nuôi ong ở Phần Lan, cho biết ông buộc phải bán nhiều mật ong trực tiếp cho người tiêu dùng hơn là bán sỉ vì giá giảm. Jaš và Hennion nhấn mạnh ngành nuôi ong đóng vai trò quan trọng cho môi trường và lĩnh vực nông nghiệp vì vai trò thụ phấn của loài ong.

Theo số liệu của EU, các loài thụ phấn bao gồm ong mật đóng góp 22 tỉ euro mỗi năm cho ngành nông nghiệp châu Âu và thụ phấn cho 80% cây trồng cùng thực vật hoang dã ở lục địa này. Các loài thụ phấn đang có nguy cơ suy giảm do thuốc trừ sâu, ô nhiễm và các yếu tố khác.

Trong tuần qua, 20 nước thành viên EU kêu gọi thiết lập các quy tắc mới về dán nhãn mật ong và tăng cường kiểm tra để giúp phát hiện các mẫu hàng gian lận dễ dàng hơn. Họ cũng kêu gọi EC cải thiện hoạt động kiểm tra để phát hiện mật ong giả đồng thời tăng số lượng phòng thí nghiệm kiểm định chất lượng mật ong.

Hiện tại, bốn trong số năm hũ mật ong bán trong các siêu thị châu Âu là sản phẩm pha trộn giữa mật ong nhập khẩu và mật ong sản xuất trong khu vực.

Hồi tháng 1, Slovenia đề xuất quy định dãn nhãn các sản phẩm mật ong ở EU, trong đó phải chỉ ra mật ong xuất xứ từ nước nào hoặc tỷ lệ mật ong nhập khẩu từ nước ngoài trong các hũ mật ong pha trộn.

Cho đến nay, EU vẫn dựa vào hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu mật ong. Khu vực này sản xuất 218.000 tấn mật ong nhưng cũng nhập khẩu 175.000 tấn mỗi năm, với phần lớn đến từ Trung Quốc, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Mỹ Latin.

Nghiên cứu của EC, được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2022, cho thấy 46% mẫu mật ong được khảo sát vi phạm các quy tắc của EU. Tỷ lệ vi phạm này tăng từ mức chỉ 14% trong năm giai đoạn 2015-2017. Khoảng 70 trong số 123 công ty nước ngoài được khảo sát, bị nghi ngờ bán mật ong chứa xi-rô đường vào EU. Trong số này có 21 công ty Trung Quốc, nhiều hơn bất cứ nước nào. Ngoài ra, mật ong giả cũng đến từ Ukraine, Argentina, Brazil, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ.

 Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới