Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất giao VEC E quản lý cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Khu quản lý đường bộ IV đã đề xuất giao Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) quản lý và khai thác tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Hiện VEC E đang quản lý, bảo trì và vận hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây nối liền tuyến Phan Thiết - Dầu Giây.

Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đi vào hoạt động từ ngày 29-4 tới.

TTXVN đưa tin, Cục Đường bộ cho biết Khu quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ) vừa có công văn gửi Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) về phương án tổ chức quản lý, vận hành cao tốc trước ngày thông xe.

Tại công văn này, Khu Quản lý đường bộ IV đã đề xuất Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) quản lý, bảo trì và khai thác tuyến. VEC E được thành lập năm 2010 có trụ sở tại TPHCM, hoạt động chính trong lĩnh vực giao thông. Công ty đang quản lý bảo trì vận hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây nối liền tuyến Phan Thiết - Dầu Giây.

Khu Quản lý đường bộ IV đề nghị trong thời gian chờ nghiệm thu hoàn thành, chủ đầu tư, nhà thầu phải đảm bảo đủ các điều kiện quản lý, vận hành cao tốc khi thông xe tạm, bảo trì công trình, trực an toàn giao thông, an ninh trật tự và bố trí xe cứu hộ phục vụ công tác cứu nạn khi xảy ra sự cố.

Theo TTXVN, Bộ Giao thông Vận tải cho biết tạm thời các đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sắp đưa vào khai thác sẽ chưa thu phí phương tiện lưu thông. Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Để đảm bảo kinh phí đầu tư xây dựng cho các công trình giao thông trọng điểm sau này, Nhà nước đang xây dựng phương án thu phí và chờ Quốc hội thông qua.

Theo thiết kế, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có 7 nút giao. Tuy nhiên, ngày 29-4 tới thì chủ đầu tư mới đưa vào hoạt động 3 nút giao, còn lại 4 nút giao tạm thời chưa hoàn thành kịp để đưa vào sử dụng.

Để vào cao tốc này, xe sẽ đi từ 3 nút giao chính gồm nút giao Ba Bàu (điểm đầu cao tốc, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), nút giao với quốc lộ 1A (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) và nút giao với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (điểm cuối cao tốc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99 km, đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Dự án được khởi công tháng 9-2020, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỉ đồng, quy mô 6 làn xe. Ban đầu, dự án tính hoàn thành cuối năm 2022, song do Covid-19, thiếu nguồn vật liệu phải lùi sang dịp lễ 30-4-2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới