Viện trợ quốc tế đã đến Myanmar
Chuyển nước và thực phẩm xuống từ máy bay quân sự của Thái Lan tại sân bay Yangon -Ảnh: Reuters |
(TBKTSG Online) - Myanmar bắt đầu nhận được viện trợ quốc tế từ thứ Ba, 6-5, nhưng vùng châu thổ Irrawaddy, với hơn 22.000 người thiệt mạng và gấp đôi số đó mất tích, vẫn gần như cách ly với mọi công tác cứu trợ.
Theo đài phát thanh nhà nước Myanmar, tính đến thứ Ba, con số tử vong lên đến 22.464 người, 41.000 người mất tích, phần lớn là cư dân vùng châu thổ Irriwaddy, nơi sinh sống của 6 triệu người.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc cho biết cứu trợ quốc tế đã bắt đầu vào Myanmar, với 800 tấn lương thực được chuyển đến cho gần một triệu người mất nhà vì bão.
Gần 6,5 triệu dân Yangon vẫn sống trong cảnh mất điện, nguồn cung cấp nước chỉ được khôi phục ở vài nơi. Có nhiều người phải xếp hàng đến 9 giờ đồng hồ để mua được xăng chạy máy phát điện. Những nỗi lo về thiếu lương thực, nước, chỗ ở và dịch bệnh càng lúc càng dâng cao ở thủ đô Yangon và vùng châu thổ vựa lúa của Myanmar. Đường phố Yangon ngày thứ Ba đông nghịt người đi lấy nước từ các tu viện hoặc mua nước từ những nhà bơm nước giếng bằng máy phát điện.
Tại thủ đô Yangon, quân đội và cả các bà sơ, tăng ni đều đổ ra đường dọn những đống đổ nát trên đường phố để mở đường cho giao thông. Tuy nhiên, do ngập lụt và đường sá bị tàn phá, các tổ chức quốc tế vẫn chưa thể đưa hàng cứu trợ đến với những vùng ven biển của châu thổ Irrawaddy, nơi bị bão ảnh hưởng mạnh nhất.
Một chiếc máy bay quân sự từ Thái Lan đã hạ cánh tại Yangon, mang theo gạo, cá hộp, nước và mì gói. Lượng hàng cứu trợ đầu tiên từ nước ngoài này sẽ được trực thăng mang đến những nơi bị thiệt hại nặng nhất.
Nhà Trắng (Mỹ) vừa tuyên bố vào thứ Ba sẽ gửi thêm 3 triệu đô la Mỹ để giúp các nạn nhân bão. Đồng thời, Tổng thống Bush kêu gọi chính quyền Myanmar cho phép Mỹ gửi một nhóm đánh giá đến để có thể nhanh chóng triển khai cứu trợ với số lượng lớn.
Úc thông báo vào thứ Tư (7-5) sẽ hỗ trợ 3 triệu đô la Mỹ.
Theo Richard Horsey, người phát ngôn của văn phòng cứu trợ Liên hiệp quốc tại Bangkok, khó khăn lớn nhất là đến được những khu vực bị thiệt hại, vùng châu thổ sông nước chằng chịt vốn không dễ tiếp cận ngay cả trong điều kiện bình thường. “Lo ngại lớn nhất là bệnh truyền nhiễm do nước. Vì vậy, điều cốt yếu là phải đưa được nước sạch đến cho người dân. Ưu tiên hàng đầu là nước và chỗ ở”, ông nói.
Cơn bão đã quét sạch những đồng lúa rộng lớn của vùng châu thổ. Myanmar sản xuất khoảng 11 triệu tấn gạo mỗi năm và xuất khẩu một phần, góp khoảng 1,7% vào thị trường thế giới. Năm nay, Myanmar dự định xuất khẩu 400.000 tấn, mục tiêu này có nguy cơ không thực hiện được vì cơn bão đã đẩy giá gạo trên sàn giao dịch Chicago trong ngày thứ Ba tăng thêm 10 cent, lên 21,15 đô la Mỹ/100 pound (khoảng 50kg).
NGỌC THU (Theo AP)