Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trung tâm dữ liệu tại Việt Nam còn nhỏ bé

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thị trường trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây (cloud) tại Việt Nam đang thu hút đầu tư lớn của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Số vốn đầu tư ngày càng lớn cũng phần nào thể hiện tham vọng của một số doanh nghiệp trong nước là Việt Nam sẽ trở thành trung tâm công nghệ số (digital hub) thứ tư ở châu Á, sau Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản.

Tòa nhà VNG ở quận 7, TPHCM. Ảnh: N.K

Với 27 trung tâm dữ liệu khắp cả nước trong đó khoảng 20 trung tâm đặt tại TPHCM và Hà Nội, nhưng Việt Nam hiện chỉ có ba trung tâm đạt chuẩn Uptime Tier 3. Đến 80% số tủ rack trong nước có công suất thấp.

Làn sóng đầu tư khổng lồ

Giữa tháng 12-2022, Công ty VNG đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu mới VNG Data Center có diện tích sàn sử dụng đến 12.400 mét vuông tại Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM. Đây là một trong ba trung tâm dữ liệu hiện đại tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn Tier 3 về thiết kế (TCDD) và thiết bị lắp đặt (TCCF) của Uptime Institute – hệ thống đánh giá trung tâm dữ liệu uy tín nhất thế giới.

Trung tâm có quy mô ban đầu 410 tủ mạng hay tủ rack (rack cabinet – tủ để lắp đặt các máy chủ) và sẽ mở rộng đến 1.600 tủ. Không tiết lộ số vốn đầu tư, nhưng VNG nói trung tâm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các nền tảng dịch vụ kỹ thuật số, lưu trữ dữ liệu an toàn và các giải pháp cloud.

VNG cũng đã xây dựng mạng cáp quang riêng để củng cố hoạt động kinh doanh của VNG Data Center. Tại hội nghị về trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại TPHCM cuối tháng 4 vừa rồi, Giám đốc cấp cao Gary McKinnon nói hạ tầng hiện tại của Việt Nam chưa đủ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong thời gian tới. Hiện có khoảng 78 triệu người dùng Internet và 70 triệu người dùng mạng xã hội tại Việt Nam. VNG dự kiến mức tăng trưởng của trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là 11% hàng năm trong năm năm tới.

Tháng 10-2022, Viettel ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud là hạ tầng gồm 13 trung tâm dữ liệu có quy mô hơn 9.000 tủ rack trên diện tích sàn 60.000 mét vuông. Tập đoàn viễn thông này cũng công bố sẽ đầu tư thêm 10.000 tỉ đồng vào Viettel Cloud để mở rộng quy mô lên 17.000 tủ rack vào năm 2025. Trước đó, đầu năm 2022 Viettel cũng ký bản ghi nhớ với huyện Hóc Môn và Củ Chi về việc đầu tư 6.000 tỉ đồng xây dựng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại một địa điểm thuộc một trong hai huyện trên.

Tháng 8-2022, Tập đoàn công nghệ CMC cũng khánh thành trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Tier 3 với vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, quy mô 1.200 tủ rack trên diện tích 13.000 mét vuông tại TPHCM.

Các tập đoàn công nghệ và viễn thông lớn như FPT và VNPT cũng tăng tốc đầu tư mới và nâng cấp hệ thống trung tâm dữ liệu. Thị trường trung tâm dữ liệu còn thu hút nguồn vốn nước ngoài. Edge Centres – công ty trung tâm dữ liệu của Úc – mở cơ sở đầu tiên tại TPHCM có tên EC51 với sự cộng tác của Đại học Quốc gia Việt Nam. Edge Centres dự định sớm mở thêm trung tâm thứ hai tại TPHCM.

Bên trong trung tâm dữ liệu VNG Data Center. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư hàng trăm triệu đô la cho hệ thống trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Ảnh: VNG

Quỹ đầu tư GAW Capital (Hồng Kông) cũng chi lớn để xây trung tâm dữ liệu rộng hơn 18.000 mét vuông tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) dự kiến hoạt động trong năm 2024. Tập đoàn NTT Global Data Centres của Nhật Bản hợp tác với Quang Dũng Technology (QD Tek) đầu tư 56 triệu đô la cho trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Tier 3 có diện tích sàn 17.000 mét vuông tại SHTP, dự kiến sẽ hoạt động năm 2024.

Cuối tháng 11-2021, Công ty cổ phần Phát triển khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (thuộc Tập đoàn Trung Nam) ký với quỹ Infracrowd Capital của Singapore hợp đồng hợp tác chiến lược đầu tư 100 triệu đô la Mỹ xây dựng trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Tier 3 Plus tại Đà Nẵng.

Đến hiện tại, đây là trung tâm dữ liệu đơn lẻ được ghi nhận là có mức đầu tư lớn nhất và tiêu chuẩn cao nhất Việt Nam (Tier 4 là chuẩn cao nhất của Uptime Institute). Trung tâm dữ liệu tại Đà Nẵng sẽ cung cấp các dịch vụ máy chủ, lưu trữ đám mây, dịch vụ công nghệ thông tin… cho khách hàng khu vực với tiêu chuẩn chất lượng và bảo mật quốc tế. Ông Nguyễn Anh Huy, đại diện của đối tác Việt Nam, nói rằng trung tâm mới sẽ phục vụ chủ yếu nhu cầu của khách hàng trong khu vực Đông Nam Á và một phần nhu cầu trong nước.

Hấp lực từ nguồn doanh thu

Ông Huy Nguyễn, nhà sáng lập kiêm CEO KardiaChain, cựu giám đốc kỹ thuật cấp cao Google, nói rằng các nhà đầu tư bị nguồn doanh thu khổng lồ thu hút. Chẳng hạn, ông cho biết, do mô hình công ty lớn nên hiện hàng tháng, KardiaChain chi khoảng 50.000 đô la Mỹ cho Cloud, chủ yếu là cho Google Cloud, những nhà cung cấp Cloud trong nước mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Các trung tâm dữ liệu của Việt Nam còn ở quy mô rất nhỏ so với những gã khổng lồ như AWS, Google hay Microsoft. Quy mô nhỏ, nên chi phí của nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cũng còn rất cao so với các hãng này. “Cần xây dựng các siêu trung tâm mới tối ưu hóa phần chi phí vận hành”, CEO KardiaChain nhận định.

Trong khi đó, hãng tư vấn Cushman & Wakefield nói rằng các trung tâm dữ liệu Việt Nam “đa dạng về quy mô, chất lượng và tiêu chuẩn”. Hiện Việt Nam có khoảng 18.000-20.000 rack, nhưng đến 80% số rack có công suất thấp. Khoảng 80% trung tâm dữ liệu do các công ty viễn thông trong nước vận hành. Tệp khách hàng chủ yếu đến từ ngành tài chính ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông và công nghệ thông tin và Chính phủ.

Theo Savills, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đạt 858 triệu đô la vào năm 2020, trong khi năm 2019 đạt mức 728 triệu đô la. Thị trường này cũng đồng thời được dự báo có tốc độ tăng trưởng đạt gần 15%/năm cho đến năm 2026.

Hãng tư vấn Cushman & Wakefield nói rằng TPHCM là thành phố châu Á duy nhất trong top 10 thế giới được xếp hạng thích hợp cho trung tâm dữ liệu bởi giá thuê đất rẻ. Nhưng Cushman & Wakefield lại cho điểm các thành phố khác cao hơn về khả năng kết nối, sự sẵn có của dịch vụ cloud và quy mô thị trường. Tuy nhiên, giá thuê đất đang có xu hướng tăng cao ở TPHCM cũng khiến các nhà đầu tư “ngó nghiêng” các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai để tìm kiếm địa điểm thích hợp.

Tham vọng

Các hãng công nghệ nước ngoài như Alibaba và AWS chọn đặt máy chủ ở nước ngoài. Để đáp ứng đòi hỏi của luật Việt Nam là lưu trữ dữ liệu trong nước từ tháng 10-2022, AWS đang xây dựng các trung tâm local zone (khu vực cục bộ) nhỏ hơn và rẻ hơn so với trung tâm dữ liệu.

“Việt Nam là thị trường mục tiêu tiếp theo của các trung tâm dữ liệu,” theo lời Keven Chua, giám đốc của Blomteq – hãng cung cấp dịch vụ giám sát pin cho HP, China Mobile và các khách hàng máy chủ khác ở Đông Nam Á. Ông Chua cho rằng Singapore là thị trường đã bão hòa với 70 trung tâm dữ liệu và bị Thái Lan và Malaysia cạnh tranh gay gắt với tiền thuê đất và tiền điện rẻ hơn.

Các nhà đầu tư kỳ vọng thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ phát triển do chi phí thấp, nguồn năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á và luật buộc các công ty phải lưu trữ dữ liệu trong nước. Khao khát đầu tư của các nhà khai thác và nhà phát triển mới tại Việt Nam ngày càng rõ bởi nguồn cung vẫn còn thấp về chất lẫn lượng, trong ngắn hạn và trung hạn.

Các doanh nghiệp trong nước đang hy vọng về hệ thống trung tâm dữ liệu “make in Vietnam” do kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, triển khai và quản lý vận hành. Các trung tâm này sẽ đóng góp lớn hơn vào sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam.

Khi khai trương trung tâm dữ liệu tại TPHCM hồi tháng 8 năm ngoái, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch điều hành tập đoàn công nghệ CMC, đã bày tỏ giấc mơ về “bước phát triển mới để đưa Việt Nam tiến tới gần hơn mục tiêu trở thành digital hub mới ở châu Á – Thái Bình Dương”.

Nhưng tiếp cận với ba digital hub hàng đầu ở châu Á – theo thứ tự là Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản – không hề là mục tiêu dễ dàng cho Việt Nam. Bởi công suất hiện tại của các trung tâm dữ liệu Việt Nam chỉ đạt 45MW, chỉ bằng hơn 5% công suất của các trung tâm dữ liệu Nhật Bản. Có nghĩa là các trung tâm dữ liệu Việt Nam phải “phình to” 20 lần để đạt quy mô tương tự Nhật Bản hiện nay. Trên con đường trở thành digital hub thứ tư ở châu Á, Việt Nam còn phải vượt qua ít nhất các đối thủ ngáng đường ở châu Á là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hồng Kông và Hàn Quốc.

Trong khi đó, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi quy mô các trung tâm dữ liệu trong 3-5 năm tới, vượt qua Singapore và bám sát Trung Quốc để trở thành “trái tim dữ liệu” của châu Á.

Các trung tâm dữ liệu đang kéo theo sự phát triển của nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác tại Việt Nam. Savills cung cấp dịch vụ tìm kiếm và cho thuê mặt bằng để xây dựng các trung tâm dữ liệu. Tập đoàn Huawei của Trung Quốc cung cấp tủ rack cho các nhà khai thác và cung ứng dịch vụ của Việt Nam. Cung cấp máy phát điện dự phòng cho thị trường Việt Nam từ thập niên 1990, nay Mitsubishi Vietnam bắt đầu chú ý hơn đến tệp khách hàng sử dụng nhiều máy chủ, chẳng hạn như ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới