Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mùa cổ tức: Đến hẹn lại… tức

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều nhà đầu tư đặt niềm tin vào việc chia cổ tức của doanh nghiệp trong bối cảnh các kênh đầu tư đều khó khăn. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp có lãi lớn hay kể cả một số ngân hàng không còn bị khống chế việc trả cổ tức tiền mặt lại khiến cho cổ đông cảm thấy hụt hẫng khi phớt lờ khoản chi này.

Năm qua, thị tường chứng khoán diễn biến xấu, hiếm có nhà đầu tư nào kiếm lời được từ mua bán cổ phiếu. Do vậy cổ tức đang là khoản mà họ mong ngóng được nhận để bù đắp phần nào những thiệt hại trên thị trường, nhất là cổ đông của các doanh nghiệp báo lãi lớn hoặc ngân hàng. Nhưng đã không ít doanh nghiệp khiến cổ đông thất vọng và hụt hẫng khi rời đại hội cổ đông.

Tìm lý do để thông cảm

Có rất nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan để doanh nghiệp không chia cổ tức cho cổ đông hoặc khất lần sang các năm tiếp theo. Dẫu vậy, quan sát thực tế thị trường lẫn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì có nhiều lý do dễ nhận được sự thông cảm nhưng cũng có lý do khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Bước vào mùa đại hội cổ đông năm nay, hầu hết cổ đông của khối bất động sản đã nắm chắc khả năng không có cổ tức, bởi năm 2022, bất động sản là lĩnh vực chịu tổn thất nặng nề nhất. Trong đó phải kể đến việc ngân hàng siết tín dụng, nhiều doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ trái phiếu, mất thanh khoản, dự án vướng pháp lý, hàng không có bán... Dẫu vậy đây là khối doanh nghiệp thường chia cổ tức cao ở các năm trước khiến cổ đông dễ thông cảm hơn khi đưa ra lý do để không chia cổ tức.

Cụ thể, từ trước khi kết thúc năm tài chính 2022, Tập đoàn Novaland đã thông báo về việc tạm thời không chia cổ tức năm 2021. Năm 2022, doanh nghiệp đạt 11.135 tỉ đồng doanh thu và 4.348 tỉ đồng lợi nhuận gộp, giảm lần lượt 25% và 29% so với năm 2021. Kết thúc năm, nợ phải trả của doanh nghiệp vượt mức 212 nghìn tỉ đồng (tăng 32% so với đầu năm), dòng tiền kinh doanh âm tới 3.262 tỉ đồng.

Nhiều cổ đông cảm thấy hụt hẫng khi doanh nghiệp phớt lờ khoản chi cổ tức. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát,  thậm chí không có tiền để trả cổ tức cho năm 2021. Theo kế hoạch, công ty trả cổ tức 5% bằng tiền mặt, thời gian thực hiện cuối cùng vào tháng 10-2022. Nhưng đến nay, việc chi trả cổ tức vẫn “nằm trên giấy”.

Tương tự, Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy dự kiến không trả cổ tức năm 2022 vì bị các ngân hàng siết chặt tín dụng; Sam Holdings, Xây dựng Coteccons, Becamex đều đề xuất “khất nợ” cổ tức năm 2022 với cổ đông. Trong đó, Becamex lần đầu không trả cổ tức kể từ khi niêm yết năm 2010.

Hay trong lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn Dabaco khiến cổ đông ít nhiều hụt hẫng vì năm ngoái vừa chi trả cổ tức tỷ lệ 50% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền, năm nay thì không có cả cổ phiếu lẫn tiền. Năm 2022, anh cả ngành chăn nuôi phía bắc lỗ ròng 79 tỉ đồng vào quí 4 và chỉ có lãi vỏn vẹn 5,2 tỉ đồng cả năm (giảm 99% so với năm 2021) mặc dù doanh thu đạt tới 11.687 tỉ đồng.

Chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hồi cuối tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco, cho biết doanh nghiệp vừa trải qua một năm khó khăn, đen đủi vì dịch tả lợn châu Phi và khó khăn chung khiến sức mua sản phẩm bị giảm 65%, lợn chết hàng loạt, các dự án đầu tư đều gặp vướng mắc…

Không chỉ là những doanh nghiệp lỗ nặng hay tình hình kinh doanh bấp bênh không chi cổ tức mà ngay cả những doanh nghiệp báo lãi hàng ngàn tỉ đồng cũng phớt lờ khoản này. Có thể các doanh nghiệp này có vấn đề riêng cần giữ lại cổ tức của cổ đông nhưng vì lợi nhuận cao nên những lý do mà lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra khó nhận được sự thông cảm hơn.

Hai năm trước, cổ đông của các ngân hàng đã rất buồn khi không được chia cổ tức vì lý do khách quan là Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng giảm chỉ tiêu lợi nhuận, tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền để hạ thêm lãi suất cho vay. Nên bước vào mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều người khấp khởi vì các ngân hàng không còn bị siết nữa, họ sẽ có thêm khoản tiền mặt quý giá trong thời buổi khó khăn hiện nay.

Thực tế nhiều ngân hàng dự kiến trả cổ tức năm 2022 bằng “tiền tươi” như VIB Bank với tỷ lệ 15% (mỗi cổ phiếu được trả 1.500 đồng), TPBank 25%, VPBank 10%,…; một số ngân hàng khác đang lên phương án vừa trả cổ phiếu vừa trả tiền mặt như HDBank 25%, MB 20%, ACB 25%...

Tuy vậy vẫn có một số ngân hàng tiếp tục ưu tiên mục tiêu tích lũy, đành khất lần với cổ đông như Techcombank, Sacombank, PG Bank… hoặc chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu như Eximbank. Điều đáng nói là các ngân hàng này đều có chỉ số về lợi nhuận rất ổn.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 vừa diễn ra, Sacombank công bố lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn lại hơn 3.741 tỉ đồng. Cộng với hơn 8.930 tỉ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước, Sacombank hiện giữ lại 12.672 tỉ đồng lợi nhuận hợp nhất lũy kế. Dù vậy, Sacombank vẫn không chia cổ tức và điều này khiến cổ đông bức xúc. Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh giải thích hiện ngân hàng vẫn đang tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Nhìn lại thì lần gần nhất, Sacombank chia cổ tức là năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu. Như vậy tính đến nay đã 8 năm, nhà băng này không chia cổ tức. Trong khi đó Techcombank cũng đã kéo dài chu kỳ không chia cổ tức lên 12 năm (ngoại trừ năm 2018 chia bằng cổ phiếu), còn PG Bank kéo dài lên đến 11 năm. Tình trạng kéo dài này đã khiến cổ đông của một ngân hàng bức xúc tại đại hội: “Muốn thì họ sẽ tìm cách, không muốn sẽ tìm lý do”.

Cổ đông nhỏ chạnh lòng

Có 3 lý do chính khiến doanh nghiệp không chi trả cổ tức gồm doanh nghiệp không đủ dòng tiền, làm ăn không có lãi để chi trả. Tiếp đó doanh nghiệp có những kế hoạch để phát triển các dự án, đẩy mạnh giá trị nội tại trong tương lai. Cuối cùng là dự phòng cho tình hình kinh tế khó khăn trong năm tiếp theo. Việc doanh nghiệp không chia cổ tức có phải là dấu hiệu đáng ngại hay không cần phải xét đến lý do của ban lãnh đạo.

Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco, bản thân ông là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp nhưng chỉ mua vào để tích lũy hoặc thoái vốn bớt theo nghĩa vụ nào đó của lãnh đạo chứ không “lướt sóng” kiếm lợi nhuận. Dabaco có những cổ đông cầm cổ phiếu hàng chục năm trở lên vì tin tưởng năng lực và tài sản của công ty. Không chia cổ tức thì tiền để lại cũng là tài sản công ty, là quyền lợi chung của tất cả cổ đông… Các cổ đông cũng phải có niềm tin sẵn sàng đồng hành dài hạn với doanh nghiệp để nhận lại quả ngọt vào giai đoạn hồi phục.

Tuy nhiên, dưới góc độ của cổ đông, cổ tức là một trong hai nguồn thu nhập chính bên cạnh khoản chênh lệch do cổ phiếu tăng giá. Trong những giai đoạn thị trường chứng khoán tăng trưởng, dường như không có nhiều cổ đông quan tâm đến cổ tức bởi nó nhỏ hơn so với lợi nhuận từ việc giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán giảm điểm họ càng trong chờ vào khoản cổ tức để an ủi.

Theo ông Mạnh Cường - một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, các doanh nghiệp bị thua lỗ thì cổ đông dễ chấp nhận, nhưng nhiều công ty đã đạt kết quả kinh doanh tốt nhưng vẫn không chia cổ tức sẽ khiến họ lấn cấn.  Những cổ đông, nhà đầu tư nhỏ khi nắm giữ cổ phiếu lên khoảng 2 năm là quá dài. Thế nên trường hợp doanh nghiệp 1 năm, 2 năm không trả cổ tức thì còn chấp nhận được nhưng đến 4 năm, 5 năm hay lên cả 10 năm vẫn không chia dù năm nào cũng có lợi nhuận thì không công bằng với cổ đông.

“Nhà đầu tư không thể ngồi chờ vài năm liền để nhận về một khoản cổ tức chỉ 10 - 15% trong khi rủi ro từ thị trường là lớn. Nếu như vậy họ sẽ gửi tiền vào ngân hàng tốt hơn khuyến khích tham gia vào thị trường chứng khoán", ông Cường nói.

Nếu muốn kiếm cổ tức ổn định, nhà đầu tư nên mua cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp phòng thủ như điện, nước, thực phẩm. Ảnh minh họa: LÊ VŨ

Nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp thường gắn bó với công ty 10 năm, 20 năm hay nhiều hơn là bình thường. Tuy vậy, các công ty không có lộ trình về kế hoạch chia cổ tức rõ ràng mà có khi thay đổi theo từng năm, tùy thuộc vào ý chí của cổ đông lớn. Điều này càng khiến cho nhà đầu tư không có niềm tin để rót tiền vào cổ phiếu dài hạn

Cụ thể như đại hội của Sacombank mới đây lại “dậy sóng” bởi những chất vấn của các cổ đông lâu năm. Một cổ đông đặt vấn đề ngân hàng trích quỹ khen thưởng và phúc lợi (năm 2022 trích 404,7 tỉ đồng), nhưng lại lờ đi việc chia cổ tức.

“7-8 năm rồi chúng tôi không được chia cổ tức. Quý vị cứ nói lòng vòng, chúng tôi không chịu. Quý vị đi thẳng vấn đề là có chia cổ tức hay không?.... Góp tiền cho quý vị kinh doanh rồi không chia đồng nào hết, chúng tôi không thống nhất điều đó”, cổ đông bức xúc.

Dưới góc độ của đơn vị nghiên cứu, ông Trương Quang Bình, Giám đốc phân tích Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, khuyến nghị việc quyết định tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hay rời bỏ để tìm doanh nghiệp khác hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực phân tích thị trường, phân tích doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

“Nếu muốn kiếm cổ tức ổn định, nhà đầu tư nên mua cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp phòng thủ như điện, nước, thực phẩm… còn muốn có lợi nhuận lâu dài, nhà đầu tư nên chọn vài doanh nghiệp mình tin tưởng rồi đi đường dài với họ, dù kết quả kinh doanh có lúc khó khăn”, ông Bình nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới