Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu giảm tuần thứ tư liên tiếp

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm tuần thứ tư liên tiếp khi giới đầu tư lo ngại về rủi ro kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại đáng kể, thậm chí rơi vào suy thoái. Mối lo ngại này dâng cao trong những tuần gần đây do tình trạng bất ổn dai dẳng của ngành ngân hàng Mỹ, bế tắc trong đàm phán nâng trần nợ công của Mỹ cũng như chiến dịch thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương ở phương Tây.

Các tàu kéo lai dắt một tàu chở dầu thô cập một cảng dầu ở Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Dữ liệu kinh tế yếu ớt của Trung Quốc trong tháng 4 làm dấy lên hoài nghi về tăng trưởng nhu cầu dầu của nước này. Ảnh: Reuters

Chốt phiên giao dịch hôm 12-5, giá dầu Tây Texas ở New York, giao cho tháng 6, giảm 1,1%, xuống còn 70,04 đô la, nâng mức giảm trong tuần qua lên 1,8%. Tại London, giá dầu Brent giao tháng 7 cũng giảm 1,5% trong tuần qua sau khi giảm thêm 1,1%, xuống mức 74,17 trong phiên giao dịch hôm qua. Cả hai chỉ số giá dầu chủ chốt này đã giảm giá tuần thứ tư liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm theo tuần dài nhất kể từ tháng 11-2021.

Thị trường dầu đã đón nhận một số thông tin hỗ trợ sau khi hôm 11-5, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm thông báo bộ này sẽ mua dầu để bổ sung vào kho dự trữ dầu mỏ chiến lược vào tháng tới.

“Thông báo không cam kết mua dầu với bất kỳ mức giá nào. Điều này có thể tạo ra một mức sàn giả tạo cho thị trường dầu mỏ trong ngắn hạn nếu thị trường tin chắc chắn vào khả năng mua lại của Bộ Năng lượng Mỹ”, nhóm phân tích năng lượng của hãng môi giới StoneX, nhận định.

Thị trường cũng đang ngày càng lo lắng trước cơn bất ổn của các ngân hàng khu vực ở Mỹ và cuộc đấu chính trị liên quan đến việc nâng trần nợ công của chính phủ Mỹ. Cùng với chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác, tất cả các vấn đề này có khả năng khiến nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại đáng kể, thậm chí rơi vào suy thoái vào cuối năm nay.

Stewart Glickman, Phó Giám đốc nghiên cứu của CFRA Research, lưu ý triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Á cũng là mối quan tâm lớn của thị trường dầu mỏ.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu quá trình tái mở cửa thương mại của Trung Quốc diễn ra chậm chạp? Nếu Trung Quốc không đóng góp đáng kể cho tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, thì còn nước nào có thể đảm nhận được vai trò này?”, Glickman nói.

Kinh tế Trung Quốc vẫn đang phục hồi nhưng sức bật yếu hơn kỳ vọng, làm dấy lên hoài nghi về tốc độ phục hồi nhu cầu dầu của nước này. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 4 cho thấy hoạt động của các nhà máy bất ngờ suy giảm do nhu cầu toàn cầu yếu hơn đối với hàng xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng trước giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức suy giảm mạnh nhất trong một năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Trung Quốc tăng với tốc độ chậm hơn so với tháng 3.

Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của hãng môi giới Oanda, cho rằng dữ liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc xác nhận tiến trình tái mở cửa kinh tế tiếp tục gây thất vọng.

Bên cạnh đó, thị trường dầu cũng thấp thỏm về kịch bản Mỹ vỡ nợ nếu Nhà Trắng và quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ công.

“Vấn đề trần nợ công của Mỹ cuối cùng sẽ tác động lớn hơn đối với giá dầu, nhưng hiện nay, bất kỳ cản lực đối với giá dầu dường như đã đến điểm hạn chế. Giá dầu có thể củng cố ở mức hiện tại. Rất nhiều tin xấu đã được phản ánh vào giá, vì vậy, giá dầu hàng tháng khó có khả năng giảm sâu thêm”, Moya nói.

Fed đã phát tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo nhưng triển vọng này vẫn chưa chắc chắn khi mà lạm phát của Mỹ hạ nhiệt chậm chạp. Hôm 12-5, Michelle Bowman, thành viên Hội đồng thống đốc của Fed, cảnh báo Fed có thể cần tăng lãi suất thêm nữa nếu lạm phát vẫn cao dai dẳng. Bà nói rằng các dữ liệu trong tháng này không đủ để thuyết phục bà tin rằng áp lực giá cả đang giảm xuống.

Warren Patterson, Giám đốc bộ phận lược hàng hóa của ngân hàng ING, cho biết tình trạng bán tháo diễn ra không ngừng trên thị trường dầu trong những tuần gần đây là do tâm lý tiêu cực dâng cao trước những lo ngại về tác động của môi trường vĩ mô đối với nhu cầu dầu.

Dầu thô vẫn giảm giá ngay cả sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,15 triệu thùng mỗi ngày của Saudi Arabia và các đối tác trong liên minh OPEC + có hiệu lực vào đầu tháng 5. Mặt khác, có những hoài nghi về  việc Nga đang tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm.

Tuy nhiên, Glickman cho biết bức tranh nguồn cung có vẻ ít bi quan hơn. Ông nói: “OPEC+ đã thể hiện lập trường sẵn sàng cắt giảm sản lượng ngoài dự kiến”. Theo Glickman, các biện pháp trừng phạt và chính sách áp giá trần của phương Tây đối giá đối với các thùng dầu của Nga có nghĩa là Tổng thống Vladimir Putin không quan tâm đến việc thúc đẩy sản xuất dầu.

Glickman nhận định giá dầu sẽ tăng nếu Mỹ giải quyết được cuộc khủng hoảng trần nợ công, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc cải thiện hơn nữa và lạm phát hạ nhiệt.

Market Watch, Reuters

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới