Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chính sách tiền tệ đa mục tiêu trong thời kỳ ‘nhiễu động’

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt là một nhiệm vụ đầy khó khăn trong bối cảnh hiện tại, khi thị trường có quá nhiều biến số bất định đến từ yếu tố nội tại của nền kinh tế lẫn thế giới bên ngoài. Đặc biệt, việc xây dựng và thực thi chính sách cũng gặp thách thức không nhỏ khi phải đáp ứng hàng loạt mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng đi cùng với an toàn hệ thống tài chính.

Đại diện Ban tổ chức VBF 2023, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc NHNN và ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, tặng hoa cảm ơn các vị diễn giả tham gia diễn đàn.

Nền kinh tế liên tục chuyển trạng thái

Kinh tế thế giới xoay chuyển nhanh chóng khiến cho trạng thái của nền kinh tế nhỏ và độ mở thương mại cao như Việt Nam cũng liên tục thay đổi, từ đó ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, theo đánh giá của các chuyên gia, diễn giả tham gia Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2023 (VBF 2023) do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức vào ngày 10-5 vừa qua.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc NHNN, đánh giá bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó. Nền kinh tế các nước chuyển trạng thái nhanh chóng từ suy thoái sâu trong đại dịch Covid-19 thành lạm phát cao kỷ lục khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ là không tránh khỏi.

Trong thời gian qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử với 5 điểm phần trăm chỉ trong 14 tháng.

Phó thống đốc NHNN, ông Phạm Thanh Hà, phát biểu tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2023 (VBF 2023).

Các doanh nghiệp không thoát khỏi vòng xoáy của thời kỳ nhiễu động này. Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết ngành dệt may đi từ trạng thái “thăng hoa” khi nhận nhiều đơn hàng sau đại dịch Covid-19, đến việc nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá, sản xuất để cầm cự.

Trong bối cảnh này, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá chính sách tiền tệ cũng đã chuyển trạng thái từ “chặt chẽ, thận trọng” sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”.

Một điểm tích cực là diễn biến thị trường tài chính toàn cầu đã dịu hơn từ đầu năm 2023 khi ngân hàng trung ương các nước và Fed giảm dần biên độ và cường độ tăng lãi suất.

Tại Việt Nam, NHNN đã chủ động giảm lãi suất điều hành vào tháng 3, cùng nhiều giải pháp khác hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, mà một trong những điểm nhấn là mua vào hơn 6 tỉ đô la Mỹ để tăng dự trữ ngoại hối.

Mặc dù tín hiệu nới lỏng tiền tệ và định hướng giảm lãi suất thị trường đã trở nên rõ ràng hơn, nhưng khó khăn và rủi ro được giới chuyên gia dự báo vẫn còn đó.

Kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát và đặc biệt là mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao.

Nổi bật trong số đó là sự lo ngại về câu chuyện địa chính trị. “Bầu không khí cảm nhận trên toàn cầu là xấu đi rất nhiều, bên cạnh rủi ro địa chính trị thì chưa bao giờ sự trỗi dậy của chủ nghĩa trọng thương, bảo vệ kinh tế trong nước gắn với dân túy, phúc lợi, thương mại lớn như vậy”, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS), đánh giá.

Sự lo ngại về lạm phát trên toàn cầu vẫn chưa dừng lại, dù lạm phát chung đã ổn định trở lại tại các nước trong khu vực, nhờ giảm giá hàng hóa sơ chế và chi phí vận chuyển. “Lưu ý là lạm phát cơ bản vẫn cao và có thể quay lại nhanh nếu tâm lý tài chính toàn cầu xấu đi, đòi hỏi NHNN phải có những dự báo, quan sát để có chính sách phản ứng phù hợp nhất”, bà Hà Thị Kim Nga, cán bộ kinh tế cao cấp, Văn phòng đại diện IMF tại Việt Nam, đánh giá.

Ở thị trường trong nước, áp lực lạm phát được đánh giá là vẫn còn cao khi lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, bình quân 4 tháng là 4,9%. Trong khi đó, hàng loạt loại hàng hóa và dịch vụ đặc thù vẫn đang tiếp tục lộ trình tăng giá như điện, giáo dục, y tế, tăng lương cơ sở.

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá chính sách tiền tệ cũng đã chuyển trạng thái từ “chặt chẽ, thận trọng” sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”.

“Yếu tố tâm lý, kỳ vọng dù được neo giữ tốt trong thời gian qua nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro biến động mạnh trước những sự kiện tiêu cực trên thị trường thế giới và trong nước”, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết.

Theo ông Lực, các thách thức lớn như câu chuyện địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine kéo dài cộng thêm sự đổ vỡ của một số ngân hàng hàng đầu đã làm tăng rủi ro thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu, đi kèm theo đó vẫn là rủi ro nợ xấu, câu chuyện giá cả, lãi suất toàn cầu dù giảm nhưng vẫn ở mức cao.

“Rủi ro tài chính - tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh hơn, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam”, ông Lực nhận định.

Thách thức cân bằng chính sách đa mục tiêu

Trong bối cảnh các điều kiện tài chính toàn cầu “nhiễu động”, chính sách tiền tệ trong nước cũng đối mặt với thách thức xử lý hài hòa nhiều mục tiêu được xem là mâu thuẫn nhau, ông Hà nhìn nhận.

Các mục tiêu hướng đến bao gồm hỗ trợ kinh tế phục hồi nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao; giữ ổn định mặt bằng lãi suất đồng thời giảm áp lực mất giá mạnh của tiền đồng; đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Đánh giá về tình trạng hiện nay, bà Nga cho rằng NHNN đang phải “chèo lái” sự cân bằng trong một bối cảnh khó khăn, vừa kiềm chế lạm phát, tránh tăng trưởng giảm tốc mạnh khi thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia, để chính sách tiền tệ đa mục tiêu đạt hiệu quả, cần những chính sách bổ sung khác để làm “trợ lực”. Một giải pháp quan trọng được nhắc đến nhiều nhất là tăng cường giải ngân, hoàn thiện các cơ chế, tháo gỡ vướng mắc cần thiết để đẩy mạnh đầu tư công.

Việc giải ngân từ đầu tư công được kỳ vọng giúp đưa dòng tiền mới vào nền kinh tế, từ đó lan tỏa và giúp tạo tác động tích cực. Mặt khác, các chính sách tài khóa quan trọng khác cũng phải được thực hiện đồng thời, đặc biệt là các chính sách liên quan đến việc giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp để hỗ trợ dòng tiền ngắn hạn, chứ không thể chỉ trông chờ vào chuyện giảm lãi suất.

Trên thực tế, chính sách tiền tệ đa mục tiêu cũng tác động không nhỏ đến các tổ chức tín dụng, khi NHNN đang đối diện với bài toán khó khi điều hành vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát và vừa phải hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng.

Chẳng hạn như mới đây là Thông tư 02 hỗ trợ tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp và người dân, nếu không thực hiện cẩn thận thì khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngân hàng thương mại.

Theo bà Bình, việc nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ còn phụ thuộc vào kết quả tái cơ cấu kinh tế để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.

“Không chỉ có chính sách tiền tệ mà các chính sách tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực hoạt động, cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng, giảm áp lực thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau trong điều hành đều có vai trò quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ”, bà Bình nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới