Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

’Nông nghiệp xanh’… từ việc số hóa ruộng đồng

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định là yêu cầu tất yếu để tạo nên những đột phá mới cho lĩnh vực kinh tế chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo ý kiến của các doanh nghiệp, để việc chuyển đổi số đạt mục tiêu như kỳ vọng, vấn đề cấp thiết cần thực hiện là phải số hoá dữ liệu.

Chia sẻ quy trình số hoá quy trình sản xuất nông nghiệp. Ảnh: CK

Thực tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL đến thời điểm này vẫn chưa như kỳ vọng khi so sánh với tiềm năng, lợi thế và đóng góp của ngành này, nhưng cũng đã xuất hiện được một số mô hình số hoá đạt kết quả.

Nhật ký đồng ruộng, quy trình sản xuất lên “đám mây”

Trao đổi với KTSG Online bên lễ “Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Mekong Delta 2023” diễn ra ở tỉnh Hậu Giang từ ngày 18 đến 20-5, ông Lê Nhật Nam, Phụ trách kỹ thuật của Công ty cổ phần công nghệ H2A Việt Nam- đơn vị đang cung cấp giải pháp phần mền quản lý vùng trồng, nhật ký canh tác để truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong ngành nông nghiệp- cho biết, thay vì quản lý theo cách thủ công truyền thống, người nông dân có thể vào hệ thống (hiện đang miễn phí) của đơn vị này (farm.h2aits.com- PV) để đăng ký khởi tạo nông trại, vùng trồng bằng cách nhập địa chỉ và tên, thậm chí có thể phân lô, tách thửa tương ứng với diện tích loại cây trồng người nông dân có.

Theo ông, giải pháp phần mền này sẽ giúp người nông dân số hoá dữ liệu trong quá trình canh tác, bao gồm kế hoạch chuẩn bị, gieo trồng, chi phí đầu tư. “Chẳng hạn, bón phân ngày nào, mấy giờ, ai là người bón, loại phân, hàm lượng sản phẩm thế nào…, thì khi nông dân nhập lên hệ thống, thì tất cả mọi thứ sẽ được ghi lại”, ông dẫn chứng.

Lợi ích của việc số hoá dữ liệu sẽ giúp người nông dân theo dõi được dễ dàng hơn, thậm chí ở mọi lúc mọi nơi khi có điện thoại di động kết nối internet. “Ví dụ, mình muốn kiểm tra ở một thời điểm nào trong năm, thì chỉ cần gõ tìm kiếm sẽ cho ra kết quả rất nhanh và chính xác”, ông dẫn chứng và cho biết, điều này giúp việc truy xuất nguồn gốc dễ dàng thông qua quét QR Code được xác lập.

Ngoài việc số hoá như trên, H2A Việt Nam đang liên kết với Công ty TNHH Nông Nghiệp Số (Agri Connect)- đơn vị có thế mạnh về mảng IoT- để đưa các thiết bị theo dõi độ ẩm không khí và lượng nước trong đất vào quy trình trồng trọt, chăn nuôi…

Theo đó, nhờ vào các thiết bị cảm biến, dữ liệu được ghi nhận và truyền tải không dây về hệ thống mà người nông dân đăng ký như đã nêu ở trên. Khi đó, nông dân chỉ việc đưa ra các quyết định xử lý phù hợp thông qua các lệnh được điều khiển trên thiết bị di động, không phải trực tiếp đến đồng ruộng như hiện nay.

Ví dụ, cho lệnh bơm thêm nước vào đồng ruộng, thì hệ thống máy bơm thông minh sẽ được kích hoạt và bơm lượng nước đúng như người nông dân mong muốn; hoặc cho lệnh kích hoạt hệ thống quạt thông minh để giảm nhiệt độ chuồng trại xuống mức như mong muốn của người chăn nuôi…. “Một người có chuyên môn, họ trồng cây gì, thì họ sẽ biết được độ ẩm ở mức nào sẽ tốt cho cây, lúc đó họ sẽ có giải pháp tăng, giảm thích hợp thông qua các lệnh trên hệ thống”, ông Nam nói.

Dĩ nhiên, để việc số hoá như nêu trên được thuận lợi, thì yêu cầu đầu tiên là người nông dân phải có kiến thức sử dụng. “Muốn vậy, cần trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho người nông dân trong việc sử dụng các giải pháp về phần mền”, ông gợi ý.

Việc số hoá ngành nông nghiệp như câu chuyện nêu trên, theo ông Nam, sẽ giúp tiết kiệm công lao động và chăm sóc của người nông dân, trong khi năng suất và chất lượng sản phẩm vẫn được bảo đảm. “Số hoá là hướng đi của nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả, từ đây, giúp việc xây dựng thương hiệu cho nông sản dễ dàng hơn”, ông Nam cho biết.

Khởi tạo nông trại và quản lý bằng số hoá. Ảnh: Trung Chánh

Dữ liệu phải được… “lên mây”

Trao đổi với KTSG Online, ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực của Công ty cổ phần chuyển đổi số Thông Minh (SDT) cho biết, đơn vị này đã xây dựng được một hệ sinh thái chuyển đổi số và hai lần được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận đạt chuẩn để triển khai cho các sở, ban ngành và Chính phủ.

Theo ông, giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của SDT dựa trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (LGSP) và Data Warehouse (kho dữ liệu) thuộc về ngành nông nghiệp, tức nền tảng này sẽ cung cấp các tiện ích cho nhiều đối tượng, bao gồm người nông dân, doanh nghiệp thu mua, phân phối, sản xuất, xuất khẩu và lãnh đạo quản lý ở cấp sở, ngành của các địa phương.

Việc số hoá sẽ giúp giải quyết những vấn đề sâu hơn, theo ông Hùng, đó là người nông dân muốn được mùa, giá tốt; người thu mua, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu muốn có lợi nhuận. Trong khi đó, lãnh đạo địa phương thì có thông tin để kịp thời chỉ đạo, điều hành. “Đó là những lợi ích mà SDT có thể triển khai cho sở ban ngành ở từng địa phương và đi sâu đến quận, huyện”, ông nhấn mạnh.

Để từng đối tượng trong chuỗi ngành nông nghiệp có thể tiếp cận được thông tin cần thiết một cách chính xác, thì giải pháp được SDT đưa ra, đó là BI (Business Intelligence) để lọc dữ liệu. “Ví dụ, nông dân muốn nắm bắt thông tin về vấn đề giống, vật tư nông nghiệp như thế nào; cách trồng trọt chăn nuôi ra sao đạt hiệu quả..., thì qua bộ công cụ BI sẽ cho ra kết quả chính xác như mong muốn”, ông dẫn chứng.

Tuy nhiên, câu hỏi được đăt ra, đó là làm sao để có được dữ liệu lớn?

Theo vị giám đốc phát triển kinh doanh vùng của SDT, thứ nhất, trục cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ kết nối các cơ sở dữ liệu đã tồn tại ở nhiều địa phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành nông nghiệp (nông, thuỷ sản, chăn nuôi…); thứ hai, là cơ sở dữ liệu cập nhật, tức cả người nông dân, doanh nghiệp và lãnh đạo quản lý nhà nước phải có người cập nhật dữ liệu. “Đó là hai cái cơ bản để có được Big Date cung cấp, chia sẻ cho mọi người”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, hiện đơn vị này đang triển khai dự án tổng thể về phát triển nông nghiệp cho tỉnh Đắk Nông, trong đó, sẽ tập trung vào các vấn đề, bao gồm thứ nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu, thứ hai, là trục cơ sở dữ liệu liên thông và ba là áp dụng bản đồ GIS.

Liên quan đến việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Rynan Technologies Việt Nam cho biết, quá trình chuyển đổi số bao gồm ba bước, bao gồm: đầu tiên, là phải số hoá dữ liệu, tức chuyển đổi văn bản, hình ảnh, âm thanh sang định dạng kỹ thuật số để có thể xử lý bằng máy tính; thứ hai, là số hoá quy trình, tích hợp các thiết bị kết nối internet vào tất cả các hoạt động để có thể thu thập dữ liệu tự động; thứ ba, là quản lý số, tức quản lý tất cả mọi hoạt động với công cụ số như ứng dụng di động, các phần mền.

Tại hội thảo “thúc đẩy chuyển đổi số ở ĐBSCL” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quân, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị sớm có luật về cơ sở dữ liệu. Bởi, đây là lĩnh vực rất mới, trong khi kinh tế- xã hội muốn phát triển mạnh phải làm chủ được cơ sở dữ liệu.

Theo ông, do không có luật về cơ sở dữ liệu nên Việt Nam chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia một cách hoàn chỉnh, khoa học. Trong khi đó, nếu để doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân xây dựng cơ sở dữ liệu riêng, không theo một chỉ đạo và cấu trúc thống nhất, thì chắc chắn sẽ rất khó tích hợp để trở thành cơ sở dữ liệu quốc gia.

Theo ông Quân, hiện Bộ Công an đang có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là một bộ phận rất quan trọng, tuy nhiên, nhiều lĩnh vực khác vẫn chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia, cho nên, quy hoạch tổng thể quốc gia rất là khó khăn.

Trước đây, cơ sở dữ liệu không được xem là một tài sản, nhưng bây giờ nó là tài nguyên, tài sản rất đặc biệt, bởi càng chia sẻ giá trị sẽ càng lớn, chứ không giảm đi như các loại tài sản khác.

“Để có cơ sở dữ liệu quốc gia như vậy, chúng ta cần có luật về cơ sở dữ liệu, trong đó, có quy định về cấu trúc, thẩm quyền, quyền sở hữu, quy định về chia sẻ, quyền lợi sử dụng cơ sở dữ liệu, quy định về sử dụng an toàn bảo mật thông tin, kể cả thông tin cá nhân và của các tổ chức về cơ sở dữ liệu quốc gia”, ông Quân nhấn mạnh.

Hậu Giang tổ chức tuần lễ chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2023Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Mekong Delta 2023 tại tỉnh Hậu Giang đã chính thức khai mạc hôm 18-5. Sự kiện được kéo dài đến ngày 20-5 tại Trung tâm hội nghị của địa phương này.Sự kiện nêu trên được tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, tạo cơ hội trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.Đồng thời, việc tổ chức sự kiện cũng nhằm hỗ trợ quảng bá các tiềm năng, góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ vào địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của Hậu Giang và khu vực.Trong khuôn khổ sự kiện, sẽ diễn ra nhiều hoạt động quan trọng, bao gồm khu trải nghiệm- trưng bày chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng các hội thảo về chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: chính quyền, hành chính công; đô thị thông minh; nông nghiệp; y tế; giáo dục; du lịch…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới