Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó tan băng nếu cứ mờ ảo

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Để tìm lối ra trong một mê cung, phải có tầm nhìn bao quát, sáng rõ từ trên cao. Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện tại, yêu cầu đặt ra cũng tương tự.

Ảnh minh hoạ: VGP

Sự trầm lắng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong hai tháng đầu của quí 2-2023 với hai đợt phát hành đều rơi vào tháng 4 (một đợt phát hành riêng lẻ, một đợt phát hành ra công chúng) gợi lên một vài suy nghĩ. Đầu tiên, con số 24.700 tỉ đồng TPDN huy động trong tháng 3-2023 xem ra không phải dấu hiệu của sự tan băng mà chỉ là phút lóe sáng của niềm tin được củng cố bởi rất nhiều lời hứa và cam kết.

Muốn tiếp sức cho niềm tin ấy, cần thêm nhiều hành động cụ thể vừa ngăn chặn sự rung lắc của thị trường vừa phải đặt các trái chủ vào vị trí trung tâm trong các biện pháp tháo gỡ những bất cập đang tồn tại. Niềm tin sẽ đến từ việc nhà đầu tư được ưu tiên bảo vệ.

Từ góc nhìn lạc quan khác, có thể đặt giả thiết rằng Nghị định 08/2023 đã đạt được một mục tiêu quan trọng: giúp doanh nghiệp có tiềm lực tốt tiếp tục huy động được vốn qua kênh trái phiếu. Những đợt phát hành lẻ tẻ, trồi sụt theo từng tháng là khó tránh khỏi trong bối cảnh thị trường chung đang không nhiều khởi sắc. Mức lãi suất trên 12% của hầu hết TPDN được phát hành và không quá 15% với đợt phát hành dự kiến trong tháng 5-2023 của một doanh nghiệp bất động sản tên tuổi, theo báo cáo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, vẫn tương đối cao.

Tuy nhiên, đã xuất hiện doanh nghiệp đưa ra phương án lãi suất kỳ sau dựa trên lãi suất ngân hàng và một hệ số co giãn hợp lý. Xu hướng này, nếu tiếp tục, sẽ giúp loại bỏ cuộc đua huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân bằng công cụ lãi suất khi kế hoạch kinh doanh chưa thực sự chắc chắn, chưa lường trước các yếu tố rủi ro khách quan, điều đã xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nghị định 08/2023 cho các doanh nghiệp thêm thời gian để cơ cấu lại khoản nợ trái phiếu, thương lượng lại thời điểm đáo hạn, mức lãi suất và nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt điều này. Thế nhưng, không phải vì thế mà bức tranh có thêm nhiều nét màu tươi sáng.

Theo Báo cáo Thị trường TPDN tháng 4-2023 của FiinRatings, tính đến ngày 4-5, có 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ TPDN với giá trị là 128.500 tỉ đồng. So sánh với tổng lượng trái phiếu đang lưu hành, tỷ lệ trả nợ chậm có xu hướng tăng theo các lần cập nhật, từ 8,15% vào thời điểm 17-3-2023 tới 9,77% một tháng sau đó và đạt mức 11,09% tại lần cập nhật mới nhất ngày 4-5-2023 (1).

Kể cả đối với các doanh nghiệp đã đạt thỏa thuận cơ cấu nợ trái phiếu, phương án tăng kỳ hạn trái phiếu, đồng thời tăng lãi suất xấp xỉ 2%(2) so với mức lãi suất ban đầu vẫn chưa thể làm an lòng nhà đầu tư. Bởi lẽ, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, liệu doanh nghiệp có thể xoay xở kinh doanh, tạo ra dòng tiền để trả mức lãi suất cao hơn cho trái chủ hay đây chỉ là giải pháp kéo dài thời gian?

Vào giữa tháng 5-2023, thông tin một doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu hơn 1.000 tỉ đồng(3) đang làm thủ tục giải thể được coi như một tiếng chuông cảnh báo.

Chưa hết, Báo cáo do FiinRatings phát hành đầu tháng 4-2023 cho thấy 48% doanh nghiệp đang chậm trả nợ trái phiếu (trong số 69 tổ chức phát hành gặp phải tình trạng này ghi nhận tại thời điểm lập báo cáo) có liên quan đến nhau, trong đó có 27% thuộc về cùng một tập đoàn (theo quan hệ sở hữu mẹ - con, hoặc cùng một công ty mẹ), 13% có cùng pháp nhân đại diện/sở hữu và 7% là đối tác liên kết, góp vốn đầu tư của nhau(4).

Mối quan hệ có hơi hướng “sở hữu chéo” trên thị trường TPDN đặc biệt đáng lưu tâm khi chúng ta nhớ lại nhận định về bản chất vấn đề thị trường TPDN nằm ở sự liên minh của thị trường bất động sản với các ngân hàng, thông qua các tập đoàn sân sau của TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ Quốc gia tại một cuộc tọa đàm tổ chức giữa tháng 3-2023.

Giải pháp đúng đắn và toàn diện để gỡ khó cho thị trường TPDN chỉ có được nếu dựa trên những thông tin minh bạch. Những bất cập cần được xác định rõ và phải có “thuốc đặc trị”, bởi lẽ không thể chữa bệnh nặng bằng thuốc giảm đau.

(1) https://fiinratings.vn/upload/docs/fiinratings-ban-tin-trai-phieu-doanh-nghiep-thang-4-2023.pdf
(2) https://thanhnien.vn/doanh-nghiep-gia-han-trai-phieu-tang-them-lai-suat-len-15-nam-185230519093523899.htm
(3) https://dantri.com.vn/bat-dong-san/mot-cong-ty-no-gan-1200-ty-dong-trai-phieu-dang-lam-thu-tuc-giai-the-20230516083445102.htm
(4) https://vneconomy.vn/fiinratings-48-doanh-nghiep-cham-tra-no-trai-phieu-co-lien-quan-den-nhau.htm

 

3 BÌNH LUẬN

  1. Muốn gỡ thị trường trái phiếu thì trước tiên phải giải quyết những sai phạm trong việc phát hành và buộc những nhà phát hành phải rõ ràng trong việc phát hành, những trường hợp lừa đảo thì có biện pháp buộc phải trả lại.

  2. Có vẻ như với bệnh lạ này từ trên xuống dưới không có bác sĩ giỏi để đánh giá, điều trị… nên tình trạng vừa ậm ờ vừa ngày càng lây lan xấu hơn.

  3. tất cả những khó khăn của thị trường TPDN hiện nay đều có thể tiên lượng nhiều năm về trước từ các chuyên gia tài chính. Lý do là nó có trong bài vở hết rồi chứ có phải mới mẻ, đặc thù gì đâu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới