Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư năng lượng mặt trời lần đầu tiên vượt dầu mỏ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chi tiêu đầu tư cho các công nghệ năng lượng sạch như năng lượng tái tạp, xe điện, điện hạt nhân... dự kiến đạt 1.700 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023. Trong năm nay, riêng đầu tư năng lượng mặt trời đạt trung bình 1 tỉ đô la mỗi ngày và lần đầu tiên vượt qua chi tiêu đầu tư sản xuất dầu thô.

Nhà máy điện mặt trời Karapınar ở Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ. Với công suất 1,35 GW, đây là nhà máy điện mặt trời lớn nhất châu Âu. Ảnh: Kalyon Holding

Thông tin trên có trong báo cáo đầu tư năng lượng thế giới của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), công bố hôm 25-5. Theo dự báo của IEA, năm nay, thế giới sẽ chi tiêu 1,7 nghìn tỉ đô la cho các công nghệ năng lượng sạch, cao hơn nhiều với 1 nghìn tỉ đô la đầu tư dự kiến rót vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch (than và dầu thô và khí đốt).  Năm năm trước, tổng giá trị đầu tư năng lượng hàng năm đạt 2 nghìn tỉ đô la và được chia đều cho nhiên liệu hóa thạch và công nghệ sạch.

“Năng lượng sạch đang phát triển nhanh chóng, nhanh hơn nhiều người nhận ra. Điều này thể hiện rõ ràng trong các xu hướng đầu tư, nơi mà các công nghệ sạch bỏ xa nhiên liệu hóa thạch”, Giám đốc IEA Fatih Birol và cho rằng, một nền kinh tế năng lượng sạch toàn cầu đang trỗi dậy.

Ông cũng kỳ vọng, tốc độ đầu tư nhanh chóng cho năng lượng sạch sẽ giúp thế giới hạn chế khí thải và giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong dài hạn.

“Nếu những khoản đầu tư năng lượng sạch này tiếp tục tăng trưởng như vài năm qua,  chúng ta sẽ sớm thấy một hệ thống năng lượng rất khác đang nổi lên và có thể duy trì mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất tăng không qua1,5 độ C”,  Fatih Birol nói với Financial Times khi đề cập đến Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu .

Đầu tư năng lượng sạch tăng đều đặn trong những năm gần đây khi các chính phủ và giới đầu tư tìm cách tận dụng chi phí thấp của năng lượng tái tạo như gió và mặt trời.

Ngược lại, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch sụt giảm trong đại dịch Covid-19 khi các lệnh hạn chế đi lại khiến nhu cầu nhiên liệu vận tải giảm mạnh, dẫn đến giá hàng hóa năng lượng lao dốc.

Theo báo cáo của IEA, chi tiêu năng lượng sạch đang được thúc đẩy nhờ đà phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19 cũng như những lo ngại về biến động giá cả và an ninh năng lượng tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Báo cáo cho biết, các chính sách hỗ trợ như Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ đã cung cấp 369 tỉ đô la trợ cấp và tín dụng thuế cho các công nghệ năng lượng sạch.

Do đó, IEA dự kiến đầu tư năng lượng sạch hàng năm trong năm 2023 sẽ tăng 24% so với năm 2021, trong khi chi tiêu cho nhiên liệu hóa thạch tăng 15%. Tuy nhiên, 90% mức tăng đầu tư năng lượng sạch đến từ các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ mất cân bằng trong đầu tư năng lượng sạch toàn cầu nếu quá trình chuyển đổi năng lượng không diễn ra ở những nơi khác.

Theo người đứng đầu IEA, năng lượng mặt trời là “ngôi sao của đầu tư năng lượng toàn cầu” với tổng chi tiêu dự kiến lên tới 1 tỉ đô la mỗi ngày, vượt chi tiêu cho sản xuất dầu thô trong năm nay.

Fatih Birol, người đã tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 gần đây tại Nhật Bản, cho biết các nước thành viên G7 và các quốc gia được mời dự hội nghị như Brazil, Ấn Độ và Indonesia đang có tầm nhìn chung các vấn đề năng lượng.

“Tôi hiếm khi thấy một quan điểm đồng nhất như vậy về tương lai của thị trường năng lượng”, ông nói và đánh giá, thách thức hiện nay là liệu các nền kinh tế mới nổi đủ khả năng tài chính để phát triển năng lượng sạch hay không.

Theo Birol, các nhà lãnh đạo G7 cần đảm bảo rằng chi tiêu cho năng lượng sạch ở các nước đang phát triển và mới nổi cần mạnh mẽ hơn nữa. Ông cũng kêu gọi các công ty dầu mỏ chi tiêu nhiều hơn cho các giải pháp năng lượng carbon thấp.

Theo phân tích của IEA, tổng đầu tư của ngành dầu khí toàn cầu vào các nguồn năng lượng phát thải thấp chiếm chưa đến 5% tổng chi cho sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Trong một báo cáo hồi tháng 3, cơ quan này cho biết, bất chấp sự bùng nổ trong chi tiêu năng lượng sạch, lượng khí thải carbon trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu tăng 0,9% trong năm ngoái, lên mức kỷ lục 36,8 tỉ tấn.

Theo Financial Times, Guardian

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới