Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán Trung Quốc mất sạch thành quả tăng giá kể từ đầu năm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường chứng khoán Trung Quốc đánh mất hết thành quả tăng giá kể từ đầu năm do một loạt thách thức, bao gồm mức tăng trưởng kinh tế phục hồi không như kỳ vọng, đồng nhân dân tệ suy yếu, khủng hoảng bất động sản dai dẳng và căng thẳng địa chính trị.

Đà phục hồi kinh tế yếu ớt cùng với cuộc khủng hoảng bất động sản và căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày càng bi quan. Ảnh: SCMP

Chốt phiên giao dịch hôm 24-5, chỉ số CSI 300, theo dõi biến động giá của 300 cổ phiếu lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, giảm 1,4%, chính thức xóa hết thành quả tăng giá kể từ đầu năm. Hôm 25-5, chỉ số này giảm thêm 0,22%.

Cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng bị bán mạnh. Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index, theo dõi giá cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc ở Hồng Kông, giảm đến 2,9% trong phiên giao dịch hôm nay. Cổ phiếu phiếu ngành ô tô trong chỉ số bị bán tháo do thị trường thất vọng với kết quả kinh doanh của hãng xe điện XPeng. Trong quí 1, doanh thu của XPeng giảm đến 46%, xuống còn 572 triệu đô la, trong khi đó, mức lỗ ròng là 333 triệu đô la, cao hơn mức lỗ dự báo 269 triệu đô la. Kết quả kinh doanh yếu kém khiến cổ phiếu XPeng có lúc giảm đến 9,6%. Cổ phiếu công nghệ cũng lao dốc với cổ phiếu của nền tảng giao đồ ăn và các dịch vụ theo yêu cầu Meituan giảm giá mạnh nhất, 3,37%,

Tình trạng bán tháo cổ phiếu Trung Quốc ngày mạnh cho thấy giới đầu tư thiếu niềm tin vào thị trường. Chỉ số CSI 300 giảm khi đồng nhân dân tệ suy yếu và căng thẳng nợ nần của các nhà phát triển bất động sản ở nền kinh tế lớn thứ hai kéo dài dai dẳng. Một chỉ số của Bloomberg theo dõi giá cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc, giảm trong 12 ngày liên tiếp.

Bên cạnh đó, thị trường cũng lo ngại triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong bối cảnh nhiều dữ liệu kinh tế kém kỳ vọng và căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang nóng sau khi Bắc Kinh cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng trong nước mua  các sản phẩm của Micron Technology, hãng chip nhớ lớn nhất Mỹ.

“Tâm lý nhà đầu tư cực kỳ yếu, do tác động kép của đồng nhân dân tệ mất giá và mất niềm tin đối với lĩnh vực bất động sản. Các quỹ đầu tư bắt đầu mất bình tĩnh khi chứng kiến cổ phiếu doanh nghiệp tiếp tục giảm giá. Có vẻ đây là giai đoạn khó khăn đối với nền kinh tế Trung Quốc”, Wang Mingli, CEO của Shanghai Youpu Investment, nói.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu Trung Quốc trong ngày thứ ba liên tiếp vào hôm 25-5.  Các nhà chiến lược của ngân hàng HSBC cho biết, các quỹ toàn cầu, vốn nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc và châu Á ở mức thấp, giờ đây giảm tỷ trọng nắm giữ đó xuống thấp hơn nữa.

Dai Yuzhong, nhà quản lý quỹ của Shanghai Shinyu Private Fund Management, cho biết sự bi quan đang lan rộng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ông lưu ý tâm lý của nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn khi giá đồng nhân dân tệ vượt qua ngưỡng 7 ăn 1 đô la Mỹ. Đồng thời, họ cũng lo lắng khối nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc.

Cách đây vài tuần, chứng khoán Trung Quốc nằm trong số các thị trường đạt hiệu suất tăng giá tốt nhất trong khoảng thời gian 6 tháng.

Nhưng chứng khoán Trung Quốc liên tục mất giá kể từ giữ tháng 4 khi giới chức trách công bố các các dữ liệu kinh tế kém kỳ vọng từ xuất khẩu khẩu cho đến doanh số bán lẻ.

Dữ liệu kinh tế yếu hơn dự kiến khiến hàng loạt ngân hàng ở Phố Wall cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc.

Theo Brock Silvers, giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital, giới đầu tư vẫn hoài nghi về triển vọng kinh tế Trung Quốc vì hai lý do chính. Đầu tiên, đà phục hồi kinh tế không thực sự mạnh mẽ. Thứ hai, sức hút đầu tư của Trung Quốc suy giảm do rủi ro địa chính trị và chính sách của Bắc Kinh, chẳng hạn chính sách “zero Covid”.

Tâm lý của giới đầu tư cũng trở nên tồi tệ hơn khi các cuộc đàm phán về trần nợ công của Mỹ gặp bế tắc mới. Lo ngại rủi ro nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, họ tìm cách bán bớt các tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu.

“Sự suy yếu của chứng khoán Hồng Kông gần đây chủ yếu là do lo ngại về vấn đề trần nợ công của Mỹ”, Hayman Chiu, nhà phân tích của Cinda International Holdings, nói.

Theo Bloomberg, CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới