(KTSG Online) – Hai quí tăng trưởng âm liên tiếp đã đẩy Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái. Tiêu dùng trong nước và xuất khẩu suy yếu là nguyên nhân khiến tăng trưởng của Đức thụt lùi trong quí gần nhất.
- Kinh tế Đức bất ngờ thụt lùi, rủi ro suy thoái tăng lên
- Đức cải cách luật nhập cư để thu hút lao động nước ngoài
Hôm 25-5, Cơ quan thống kê Đức (Destatis) cho biết GDP quí 1 của Đức suy giảm 0,3% so với quí cuối cùng của năm ngoái, đánh dấu quí thứ hai suy giảm liên tiếp và khiến Đức rơi vào suy thoái kỹ thuật. Trước đó, các nhà kinh tế dự báo, GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ đi ngang trong quí đầu tiên.
Theo lý giải của Destatis, mức chi tiêu dùng hộ gia đình giảm 1,2% là nguyên nhân chính khiến GDP sụt giảm. Sức chi tiêu bị xói mòn do giá lương thực tăng vọt. Trong tháng 3, các hộ gia đình Đức đã chi tiêu cho thực phẩm tốn kém hơn 21,2% so với một năm trước đó. “Các hộ gia đình giảm mua hàng hóa ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ chi tiêu ít hơn cho thực phẩm và đồ uống, quần áo và giày dép và đồ nội thất. Người dân cũng mua ít xe điện hơn do chính phủ đã cắt giảm các ưu đãi”, Destatis cho biết trong một thông báo.
Sản lượng công nghiệp của Đức giảm 3,4% trong tháng 3 so với tháng trước do xuất khẩu và sản lượng ô tô giảm. Tăng trưởng kinh tế của Đức phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là sang Trung Quốc, nơi Volkswagen là nhà sản xuất ô tô thống trị trong nhiều năm. Tuy nhiên, sự trỗi dậy xe điện do Trung Quốc sản xuất đã khiến doanh số bán hàng của Volkswagen tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 15% trong ba tháng đầu năm.
Xuất khẩu tổng thể của Đức trong tháng 3 giảm 5,2% so với tháng trước, theo Destatis. Các công ty công nghiệp của Đức đã buộc phải giảm quy mô sản xuất vào cuối năm ngoái do giá năng lượng đạt mức kỷ lục và khi Đức phải tăng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), đắt hơn so với khí đốt được vận chuyển bằng đường ống từ Nga.
Lạm phát vẫn ở mức cao ở Đức, tăng 7,6% trong tháng 4. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) báo hiệu có thể tiếp tục tăng lãi suất để giúp đưa lạm phát của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) về mức mục tiêu 2%.
Các công đoàn cũng yêu cầu giới chủ tăng lương để theo kịp với đà tăng của giá cả. Khu vực công nghiệp và dịch vụ đã giúp thúc đẩy mức tăng lương ở Đức lên 6,3% trong ba tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lưu ý những người có thu nhập thấp nhất ở Đức vẫn chịu tổn thương lớn trong vòng xoáy giá cả.
“Trong nhiều trường hợp, những người có lương và thu nhập thấp sẽ cần ít nhất 5 năm nữa trước khi sức mua từ tiền lương của họ trở lại mức trước khủng hoảng”, Marcel Fratzscher, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Đức, cho biết.,
Trong những tháng ngay sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, các nhà kinh tế cảnh báo Đức đối mặt với nguy cơ cao rơi vào suy thoái do phụ thuộc vào nguồn khí đốt giá rẻ của Nga. Nhưng dữ liệu kinh tế được công bố vào đầu năm dường như chỉ ra rằng Đức sẽ tránh được nguy cơ đó.
Các số liệu trong quí đầu tiên xác nhận nền kinh tế lớn thứ tư thế giới đã không ngăn chặn được suy thoái. Dù vậy, mức độ suy thoái ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại khi Điện Kremlin cắt nguồn cung khí đốt sang Đức vào mùa hè năm 2022.
Các cuộc khảo sát kinh doanh chỉ ra sự tăng trưởng trở lại ở Đức trong quí 2. Tuy nhiên, tác động của chi phí vay cao hơn và đà tăng trưởng yếu ớt ở nhiều thị trường xuất khẩu chính của Đức báo hiệu kinh tế Đức suy giảm trong quí 3.
Franziska Palmas, nhà kinh tế tại Capital Economics, cho rằng lãi suất cao hơn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cả tiêu dùng và đầu tư của Đức, đồng thời xuất khẩu của nước này có thể bị ảnh hưởng trong bối cảnh các hoạt động kinh tế trở nên yếu kém ở các thị trường phát triển khác.
Sức khỏe của nền kinh tế Đức ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nền kinh tế eurozone 20 thành viên cũng như toàn bộ khu vực Liên minh châu Âu (EU) rộng lớn hơn.
Ủy ban châu Âu (EC) dự đoán Đức sẽ là thành viên yếu nhất của eurozone về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay, với mức tăng chỉ 0,2%.
Một số nhà kinh tế cũng đồng tình với dự báo này. “Chúng tôi không cho rằng GDP của Đức sẽ tiếp tục giảm trong các quí tới nhưng cũng không nhìn thấy triển vọng phục hồi mạnh mẽ nào”, Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro của Pantheon Macroeconomics, nhận định.
Theo New York Times