Thứ ba, 3/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hướng đến tăng chất và giảm lượng gạo xuất khẩu còn 4 triệu tấn

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo chiến lược về phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam vừa được ban hành, đến năm 2030, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ được nâng cao giá trị, đồng thời, giảm khối lượng xuất khẩu còn 4 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu tương đương khoảng 2,62 tỉ đô la Mỹ.

Lô gạo xuất khẩu đi châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông và châu Á. Ảnh: LT

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã phê duyệt quyết định số 583 về chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.

Chiến lược hướng đến phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu bền vững; củng cố thị trường xuất khẩu truyền thống cũng như phát triển thị trường xuất khẩu tiềm năng; gắn với thị trường xuất khẩu với sản xuất trong nước theo chuỗi giá trị; đưa sản phẩm gạo Việt Nam và các mặt hàng chế biến từ gạo có chất lượng cao vào các kênh phân phối trực tiếp.

Theo đó, đến năm 2030, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ được nâng cao giá trị, đồng thời giảm khối lượng xuất khẩu còn 4 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu tương đương là khoảng 2,62 tỉ đô la Mỹ. Vì giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023-2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026-2030 giảm khoảng 3,6%.

Về cơ cấu chủng loại gạo, giai đoạn 2023-2025, tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 20%; tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình nhỏ hơn 15%; gạo trắng phẩm cấp cao đạt khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản đạt khoảng 40%; gạo nếp khoảng 20%.

Giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%; tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình nhỏ hơn 10%; gạo trắng phẩm cấp cao đạt khoảng 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo nếp chiếm khoảng 20%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường tăng lên mức 60%; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, đặc biệt là đối với những thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán.

Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường châu Á chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch; sau đó là một số thị trường khác như châu Phi chiếm 22% tổng kim ngạch, Trung Đông chiếm khoảng 4%, châu Âu khoảng 3%, châu Mỹ chiếm khoảng 7%.

Đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường châu Á chiếm khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%, Trung Đông chiếm khoảng 5%, châu Âu khoảng 5%, châu Mỹ khoảng 8%.

Chiến lược cũng đề ra một số nhóm giải pháp để phát triển thị trường xuất khẩu gạo như hoàn thiện cơ chế; có giải pháp về nguồn cung gạo và những giải pháp về phía cầu, về hỗ trợ xuất khẩu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới