(KTSG Online) - Tại các cuộc đàm phán về khí hậu của hội nghị COP27 của Liên hợp quốc hồi cuối năm ngoái ở Ai Cập, Thủ tướng Pakistan, Shehbaz Sharif cảnh báo, các nhà lãnh đạo thế giới rằng các nước đang phát triển có nguy cơ rơi vào “bẫy nợ tài chính” nếu buộc phải vay thêm từ các thị trường vốn để trang trải thiệt hại ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Sáu tháng sau, với lãi suất và nhiệt độ trái đất tăng lên, dự đoán của ông có vẻ đã thành hiện thực.
- Ai trả tiền cho thiệt hại do biến đổi khí hậu?
- Doanh nghiệp châu Á bắt đầu lập kế hoạch chống chịu biến đổi khí hậu
Thiên tai, lãi suất gây áp lực tài chính lên nước nghèo
Trong năm nay, các cơn bão đã tàn phá vùng đông nam châu Phi, các trận lũ lụt làm chết hàng trăm người ở Rwanda, Congo và Uganda. Trong khi đó, các đợt hạn hán tồi tệ nhất trong bốn niên kỷ de dọa mùa màng ở vùng Sừng châu Phi (Đông Bắc Phi). Ở Đông Nam Á, nhiệt độ kỷ lục đang được ghi nhận trên khắp khu vực; cơn bão Mocha cũng vừa quét qua Bangladesh và Myanmar còn tại Argentina, hạn hán đang tấn công các khu vực nông nghiệp.
Những biến cố thời tiết đó thường kéo theo các cuộc khủng hoảng nhân đạo và cũng khiến chi phí vay của các nước nghèo ngày càng tăng cao. Chi phí vay vốn trung bình của một nhóm chọn lọc gồm 58 nước dễ bị tổn thương do khí hậu là đang ở mức 10,5%, theo báo cáo cua Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston (Mỹ) công bố hồi tháng 4. Con số đó cao hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu có chủ quyền trung bình 4,3% trong thập niên qua ở chỉ số theo dõi trái phiếu thị trường mới nổi của Bloomberg/Barclays.
Nhiều nước đang phát triển đã vay rất nhiều trong thời kỳ lãi suất thấp. Điều này có nghĩa là họ thường phải chật vật trả nợ khi thiên tai xảy ra. Mức chi phí vay tăng lên cũng lan sang các hộ gia đình và những người kinh doanh nhỏ như tầng lớp nông dân, gây áp lực thêm cho các chính phủ.
Thobani Lubisi, 43 tuổi, nằm trong số những nông dân bị ảnh hưởng. Hồi tháng 2, khi chuẩn bị cho vụ thu hoạch hàng năm tại Trang trại Dwaleni, một hợp tác xã nông nghiệp ở miền đông Nam Phi thì một trận mưa xối xả trút xuống những hàng mía thẳng tắp của ông. Trong hai ngày, lượng mưa tương đương nửa năm đổ xuống các cánh đồng mía, gây ngập úng và biến những con đường đất được sử dụng để vận chuyển mía thu hoạch đến nhà máy gần nhất thành bùn nhão.
Thiệt hại của vụ mía cùng với chi phí dọn dẹp đã làm thâm hụt ngân sách gia đình của Lubisi. Thông thường, những người nông dân không có bảo hiểm thì có thể vay tiên từ ngân hàng nông nghiệp địa phương. Thế nhưng, lãi suất toàn cầu tăng cao đồng nghĩa với việc các khoản vay hiện nay sẽ đi kèm với các khoản thanh toán nợ hàng tháng cao hơn.
“Tôi làm quần quật cả năm để rồi mức không kiếm được đồng thu nhập nào cả. Đây là lần đầu tiên tôi chịu thiệt hại nặng nề như vậy vì mưa lớn bất thường”, Lubisi nói.
Dù sao, ông vẫn còn xoay sở được. Nhiều nông dân trồng mía khác buộc phải bán hoặc cho thuê đất vì không có chi phí khắc phục thiệt hại.
Tình cảnh của Lubisi là câu chuyện phổ biến trên khắp thế giới đang phát triển. Tập đoàn tái bảo hiểm Munich Re (Thụy Sĩ) ước tính thiệt hại do thiên tai trên toàn cầu trong năm 2022 là 270 tỉ đô la, trong đó khoảng 55% không có bảo hiểm.
Với nhiệt độ toàn cầu tăng lên, biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh đến các thảm họa thiên nhiên liên quan đến thời tiết.
Alvario Lario, Chủ tịch Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế của Liên hợp quốc, cho biết ông đã chứng kiến cảnh nông dân phải ngừng kinh doanh do thời tiết khắc nghiệt ở Bờ Biển Ngà, Madagascar, Kenya và Indonesia.
“Cường độ của những cú sốc thời tiết này rõ ràng đang trở nên gay gắt hơn nhiều so với những gì xảy ra cách đây 5 hoặc 10 năm”, ông nói.
Rủi ro biến đổi khí hậu tăng cao đối với các nước ven biển
Nằm cách phía đông bắc Trang trại Dwaleni 3.500 dặm là quần đảo Maldives, nơi cũng đang đối mặt với vấn đề tài chính tương tự ở quy mô toàn quốc.
Maldives, một quốc gia với gồm 1.200 hòn đảo, đang chìm nhanh dưới làn nước biển. Quốc đảo này đang chi 30% ngân sách hàng năm cho các công trình đê chắn sóng, cải tạo đất và khử mặn. Chi phí đi của Maldives đã tăng lên kể từ khi nước này bán trái phiếu trị giá 500 triệu đô la vào đầu năm 2021, với lợi suất đáo hạn vào năm 2026 hiện giao dịch ở mức gần 19%.
Theo Aminath Shauna, Bộ trưởng Bộ Môi trường, biến đổi khí hậu và công nghệ của Maldives, để đáp ứng nhu cầu thích ứng biến đổi khí hậu của các vùng ven biển, Maldives sẽ cần chi 8,8 tỉ đô la, gấp khoảng bốn lần ngân sách quốc gia hàng năm. Bà cho biết, 64% các hòn đảo của đất nước đang bị xâm thực do mực nước biển dâng cao.
“Vì chúng tôi quá rủi ro trước các thiên tai nên chúng tôi không thể vay số tiền cần thiết để bảo vệ đất nước khỏi tác động của biến đổi khí hậu”, bà nói.
Theo báo cáo của Đại học Boston, khi thiên tai ngày xảy ra thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn, các nhà đầu tư tăng lãi suất với các khoản vay cho các nước dễ bị tổn thương, làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần của các nước này.
“Phần bù rủi ro tăng cao hơn trong lãi suất có thể khiến các nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu rơi vào vòng luẩn quẩn với chi phí vay nợ cao hơn và đầu tư cho năng lực chống chịu biến đổi khí hậu suy giảm”, báo cáo nhận định.
Đó là tình trạng đã xảy ra ở Mozambique, quốc gia nằm ở bờ biển phía đông nam châu Phi, một khu vực đã bị tàn phá bởi một loạt cơn bão dữ dội trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu. Năm 2019, bão Idai tấn công Mozambique, phá hủy mùa màng và thúc đẩy lạm phát, khiến tình hình tài chính của đất nước rơi vào tình trạng tồi tệ. Tuy nhiên, Mozambique không thể tiếp cận thị trường nợ quốc tế sau vụ bê bối “trái phiếu cá ngừ”.
Trong vụ việc này, chính phủ Mozambique đã bảo lãnh cho các lô phát hành trái phiếu của các công ty nhà nước nhằm huy động hơn 2 tỉ đô la từ các nhà đầu tư quốc tế bao gồm nhà đầu tư Mỹ. Nhưng số tiền chưa bao giờ được sử dụng cho các mục đích dự kiến như mua tàu hải quân, xây dựng và nâng cấp các xưởng đóng tàu và phát triển các dự án đánh bắt hải sản. Thay vào đó, số tiền được sử dụng để cho các khoản hối lộ, lại quả và các thanh toán trái luật khác, theo cáo trạng của các công tố viên ở Mỹ.
“Các sự kiện gần đây làm nổi bật tác động về tín dụng của tính nhạy cảm của Mozambique đối với các cú sốc khí hậu ngày nghiêm trọng và xuất hiện nhiều hơn”, các nhà phân tích của hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’ nhận định.
Theo Bloomberg