Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nâng cấp doanh nghiệp từ việc thực thi tiêu chuẩn quốc tế

Phan Đình Mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe có thể là rào cản nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nâng cấp năng lực trong quá trình tuân thủ.

Theo Thống kê của Bộ Công Thương, sau hai năm thực thi Hiệp định EVFTA (tháng 8-2020 đến 7-2022), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 83,4 tỉ đô la Mỹ, tức trung bình 41,7 tỉ đô la Mỹ/năm, cao hơn 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình của giai đoạn 2016-2019.

Bên cạnh sự tích cực từ những kết quả xuất khẩu mang lại, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ chính các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA... Khi các hiệp định này được thực thi, hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ, các nước nhập khẩu có xu hướng tăng cường sử dụng các hàng rào phi thuế quan như một công cụ hợp pháp để bảo hộ thị trường trong nước.

Những rào chắn vô hình

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) hay hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) thường được coi là rào cản đối với các quốc gia xuất khẩu. EVFTA không cứng nhắc yêu cầu tuân thủ mà đưa ra ba giải pháp chọn lựa giúp Việt Nam dễ dàng đáp ứng hơn. EU cho Việt Nam một giai đoạn chuyển tiếp để tuân thủ biện pháp này hoặc Việt Nam đề xuất biện pháp SPS tương đương và đề nghị EU xem xét, công nhận; cuối cùng, EU cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam đáp ứng các biện pháp SPS. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu hay tham gia vào chuỗi giá trị, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đối tác.

Bên cạnh các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn chung cho các ngành, sự mở rộng ngày càng nhanh của chuỗi giá trị toàn cầu tạo nên bên thứ ba đóng góp vai trò tạo lập các tiêu chuẩn đó chính là các công ty đa quốc gia.

Khi một sự đổi mới được tiêu chuẩn hóa, nó sẽ được phổ biến trong chuỗi cung ứng và tạo điều kiện đổi mới cho các công ty thượng nguồn và hạ nguồn. Các tiêu chuẩn hài hòa và đảm bảo khả năng tương tác để bảo vệ người tiêu dùng.

Các công ty này cũng tham gia thiết lập các tiêu chuẩn của riêng mình để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị của họ phải tuân theo. Chẳng hạn để tham gia vào chuỗi giá trị của Apple hay Dell, doanh nghiệp cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe khác ngoài tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế.

Ở góc độ tiêu chuẩn cho quy trình sản xuất, các công ty dẫn đầu sẽ đưa ra những yêu cầu về tỷ lệ hàng lỗi thấp hơn và khả năng xoay vòng nhanh hơn. Do vậy, việc duy trì những chứng nhận cho tiêu chuẩn quốc tế, như các phiên bản ISO, là rất quan trọng. Tiêu chuẩn ISO được áp dụng cho tất cả công đoạn trong chuỗi giá trị, và những công ty đóng vai trò điều tiết chuỗi này thường yêu cầu nhà cung cấp của họ phải duy trì những tiêu chuẩn này thông qua các chứng chỉ. Do chi phí và điều kiện duy trì các chứng chỉ này là khá cao, nên một số công ty bản địa xem đây như những rào cản để gia nhập ngành.

Bên cạnh những tiêu chuẩn về quy trình sản xuất, doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi giá trị của các công ty đa quốc gia cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về sản phẩm. Các tiêu chuẩn về sản phẩm có thể được tham khảo qua nguồn dữ liệu của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (www.std.iec.ch). Cơ quan này đưa ra các tiêu chuẩn về các chất và nguyên liệu để sản xuất các linh kiện và các tiêu chuẩn về định dạng dữ liệu cho các nhà phát triển phần mềm. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này không mang tính bắt buộc nhưng nó thường được làm nguồn tham khảo cho việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về ngành điện tử.

Nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn

Để được cấp các chứng chỉ này và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp phải trải qua quá trình cải tiến và nâng cấp trên cả phương diện sản phẩm và quy trình sản xuất. Đáp ứng yêu cầu của các công ty đa quốc gia, doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng, hiệu quả trong quản lý chi phí và công tác giao hàng. Điều này có nghĩa là công ty đã và đang áp dụng những phương pháp vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn, cấu trúc lại hệ thống làm việc của nhà máy, chú trọng quản lý chất lượng cho toàn bộ quy trình sản xuất. Doanh nghiệp cũng phải đầu tư cho các trang thiết bị và quy trình sản xuất mới nhằm tăng năng suất lao động. Về áp lực từ các tổ chức xã hội, những công ty tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn về y tế, an toàn lao động và môi trường.

Để giúp việc chuyển những áp lực trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng như trên thành động lực và cơ hội nhằm giúp doanh nghiệp tham gia và nâng cấp vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia, cần xem xét và đưa ra một số giải pháp.

Trước hết, tùy theo điều kiện từng ngành cần xem xét các tiêu chuẩn được đặt ra bởi các công ty đa quốc gia có quá cao so với thực tế và so với khả năng của các công ty nội địa hay không? Vì điều này có thể làm nản lòng các công ty nội địa tham gia vào chuỗi của họ. Ngoài ra, Việt Nam nên khuyến khích các công ty đa quốc gia tự mình nâng cấp lên các bước cao hơn trong chuỗi giá trị và qua đó mở ra cơ hội cho các công ty nội địa nâng cấp lên trong cùng chuỗi. Điều này sẽ khuyến khích sự hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi môi trường kinh doanh tại Việt Nam có những điều kiện thích hợp để các công ty đó có thể nâng cấp.

Việt Nam cần từng bước gắn kết tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế và hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cơ quan quản lý có thể thực hiện điều này ở một số tiêu chuẩn cần thiết và cần thực hiện một cách chủ động nhằm giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt ngay cả khi chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Các doanh nghiệp nhỏ có thể cùng liên kết với nhau để có được chứng chỉ và duy trì chứng chỉ chất lượng vì chi phí cho việc này là khá tốn kém. Đặc biệt, với các ngành điện tử, công nghệ, cần các chính sách và định hướng tiêu chuẩn để thích nghi và nâng cao lợi thế cạnh tranh cũng như giá trị doanh nghiệp.

Việt Nam có thể xem xét việc tiêu chuẩn hóa từ quan điểm phát triển nội bộ công ty. Việc áp dụng các tiêu chuẩn cho hệ thống quản lý giúp nâng cao khả năng của công ty và thường cũng giúp công ty cải thiện hiệu suất - nghĩa là việc áp dụng các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn sẽ tạo ra một môi trường làm việc an toàn hơn. Mặt khác, tiêu chuẩn kỹ thuật cung cấp đặc điểm kỹ thuật cho sản phẩm và đảm bảo khả năng sản phẩm được thị trường chấp nhận. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này cũng nâng cao năng lực kỹ thuật của nhân viên. Trong nhiều trường hợp, các công ty được yêu cầu tuân thủ nhiều tiêu chuẩn thuộc nhiều loại khác nhau.

Các công ty cũng cần phát triển các cơ chế giám sát môi trường bên ngoài để dự đoán những thay đổi trong các tiêu chuẩn. Các cơ hội và rủi ro liên quan đến các tiêu chuẩn làm nổi bật tầm quan trọng của chiến lược đáp ứng các tiêu chuẩn đối với sự phát triển nội bộ công ty. Để đối phó với những thay đổi đang diễn ra, các công ty cần tìm cách áp dụng các tiêu chuẩn một cách nhanh chóng và sử dụng chúng để tạo lợi thế cho mình. Khi làm như vậy, các công ty phát triển năng lực nội bộ độc đáo, cho phép họ dần dần bổ sung các tiêu chuẩn mới và do đó phát triển khả năng hấp thụ thông qua chuyển đổi kiến thức.

Các tổ chức hoạt động trong bối cảnh quan hệ liên kết với nhau về môi trường và các mối quan hệ giữa các tổ chức là một phần quan trọng của quản lý chuỗi cung ứng. Các tiêu chuẩn nhằm tạo điều kiện cho các mối quan hệ giữa các tổ chức bằng cách cung cấp các nền tảng chung cho tính liên kết thông qua các tiêu chuẩn hệ thống quản lý, tiêu chuẩn giao diện, tiêu chuẩn sản phẩm cũng như tiêu chuẩn thử nghiệm. Tiền đề cơ bản của tiêu chuẩn hóa là giảm chi phí giao dịch cũng như hỗ trợ phổ biến kiến thức và công nghệ thông qua quá trình hài hòa hóa toàn cầu.

Sự hài hòa thông qua các tiêu chuẩn không chỉ mang lại lợi ích cho chuỗi cung ứng mà còn mang lại lợi ích xã hội và lợi ích cho nhiều bên liên quan. Khi một sự đổi mới được tiêu chuẩn hóa, nó sẽ được phổ biến trong chuỗi cung ứng và tạo điều kiện đổi mới cho các công ty thượng nguồn và hạ nguồn. Các tiêu chuẩn hài hòa và đảm bảo khả năng tương tác để bảo vệ người tiêu dùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới