(KTSG Online) – Các doanh nghiệp lớn của Mỹ đã trông chờ cơn sự bùng nổ tiêu dùng ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc để tăng doanh thu toàn cầu. Những đối với nhiều doanh nghiệp, điều đó đã không xảy ra vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng kém kỳ vọng sau khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách “zero Covid”.
- Dữ liệu kinh tế trái ngược của Trung Quốc gây hoài nghi về triển vọng phục hồi
- Đà phục hồi bấp bênh tác động đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế Trung Quốc
Các doanh nghiệp lớn của Mỹ từ nhà sản xuất chip Qualcomm đến các tập đoàn công nghiệp khổng lồ như Caterpillar và DuPont, báo cáo kết quả kinh doanh ở Trung Quốc kém kỳ vọng trong những tháng đầu năm 2023.
“Tôi nghĩ kỳ vọng chung là sau khi tái mở cửa, thị trường Trung Quốc sẽ bật dậy mạnh mẽ. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy những dấu hiệu đó”, CEO của Qualcomm, Cristiano Amon nói với các nhà đầu tư vào tháng trước.
Qualcomm dự đoán doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu, một phần lớn trong số đó sử dụng chip của Qualcomm, sẽ giảm trong năm nay với biên độ lớn hơn so với dự kiến ban đầu. Điều này một phần là do kinh tế suy yếu dai dẳng ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới của những thiết bị cầm tay này.
Qualcomm có hơn một nửa doanh thu hàng năm đến từ Trung Quốc, nơi có nhiều khách hàng lắp ráp chip của hãng cho các thiết bị điện tử.
Trong những tuần gần đây, các nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với Trung Quốc sau một loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng của nước này, cho thấy hoạt động của nhà máy bị thu hẹp, chi tiêu của người tiêu dùng ảm đạm, doanh số bán nhà phục hồi không bền vững và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục.
Nhiều giám đốc điều hành đã chỉ ra hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc yếu hơn mong đợi trong nhiều tháng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1. Điều này cho thấy cơn bùng nổ mua sắm của người tiêu dùng Trung Quốc ở thời kỳ hậu Covid-19 đã không thành hiện thực.
Eric Bjornholt, Giám đốc tài chính của hãng chip Microchip Technology, nói: “Trung Quốc là điểm địa lý yếu nhất của chúng tôi. Chúng tôi thực sự chưa thấy bất kỳ sự phục hồi đáng kể nào kể từ Tết Nguyên đán”.
Kết quả kinh doanh thất vọng là thách thức mới nhất đối với các công ty lớn có mối liên hệ với thị trường Trung Quốc. Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi và lưới trừng phạt ngày càng chặt chẽ của Mỹ đối với Bắc Kinh đã làm tăng thêm những thách thức mà các công ty đa quốc gia đối mặt.
Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp đáp trả nhằm vào các công ty Mỹ. Tháng trước, Bắc Kinh đã cấm các công ty lớn trong nước mua hàng của Micron Technology, một động thái được xem phản ứng đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ hồi vào năm ngoái.
Các công ty Mỹ có dấu ấn lớn ở Trung Quốc, chẳng hạn như Apple, đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nước này. Doanh số bán hàng của Apple đã giảm hơn 5% tại Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan trong nửa đầu năm tài chính hiện tại của công ty sau khi tăng 8,5% trong năm 2022. Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty đều bi quan. Các công ty hướng tới người tiêu dùng nói riêng đang chứng kiến sự phục hồi ở Trung Quốc sau đợt suy giảm doanh thu trầm trọng trong thời kỳ đại dịch năm ngoái.
Ví dụ, tập đoàn hàng xa xỉ LVMH ghi nhận doanh số bán hàng tại Trung Quốc đang phục hồi. Tập đoàn bán lẻ Walmart cho biết doanh số bán hàng ở đó tăng 28% trong quí gần đây nhất, nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong dịp Tết Nguyên đán.
Nhưng cơn hưng phấn mua sắm ở Trung Quốc kém xa so với những gì mà các nền kinh tế khác đã trải qua sau khi họ mở cửa trở lại sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng ở Trung Quốc của chuỗi cà phê Starbucks tăng 3% trong quí gần đây nhất, sau khi giảm 20% trong cùng kỳ năm ngoái.
Hồi tháng 2, Lori Koch, Giám đốc tài chính của tập đoàn hóa chất và vật liệu DuPont, nói với các nhà đầu tư rằng công ty ông vẫn rất lạc quan về thị trường Trung Quốc. Nhưng trong báo cáo thu nhập quí đầu tiên vào tháng trước, công ty cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm gần 20% do thị trường điện tử suy yếu.
Đối với tập đoàn Caterpillar, doanh thu từ Trung Quốc thường chiếm từ 5-10% tổng doanh thu toàn cầu. Tuy nhiên, James Umpleby. CEO của Caterpillar, cho biết trong năm nay, công ty dự kiến doanh số bán hàng tại Trung Quốc sẽ thấp hơn mức đó.
Hoạt động xây dựng suy giảm ở Trung Quốc do khó khăn trên thị trường bất động sản khiến nhu cầu máy đào của Caterpillar giảm theo. Các công ty gắn liền với thị trường ô tô khổng lồ của Trung Quốc thất vọng lớn khi lĩnh vực xe điện có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và các khoản trợ cấp chấm dứt. Doanh số bán xe điện tăng 23% ở Trung Quốc trong quí đầu tiên, sau khi tăng hơn gấp đôi một năm trước đó.
Colette Kress, Giám đốc tài chính của hãng chip Nvidia, gần đây cho biết tăng trưởng doanh thu của mảng kinh doanh chip ô tô của công ty bà chậm lại trong quí đầu tiên so với quí 4 năm ngoái do nhu cầu của các công ty xe điện Trung Quốc yếu hơn dự báo.
“Chúng tôi dự báo sự suy yếu này sẽ kéo dài trong phần còn lại của năm dương lịch 2023”, bà nói.
Tháng trước, nhà cung cấp phụ tùng ô tô BorgWarner, có trụ sở ở bang Michigan, cắt giảm kỳ vọng doanh thu từ Trung Quốc trong năm nay do sản xuất ô tô ở đây yếu hơn kỳ vọng trong quí đầu tiên. Kevin Nowlan, Giám đốc tài chính của BorgWarne, dự báo doanh thu của công ty ông ở Trung Quốc có thể giảm tới 3% trong năm nay.
Theo WSJ