Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thời của… Digital God?

Trần Kiên (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Liệu giờ còn kịp dừng lại để tìm cách kiểm soát trí tuệ nhân tạo (AI) trước khi nó vượt qua khả năng kiểm soát của con người như Elon Musk đã lo lắng và kiến nghị hay không?”. Tôi hỏi hai diễn giả, đồng thời là giám đốc hai công ty công nghệ chuyên phát triển các ứng dụng trên nền tảng AI ở Đài Loan trong buổi hội thảo quốc tế có chủ đề về Rule of Law and Rule of Tech do Đại học Trung Chính và Đại học Đông Hải của Đài Loan cùng trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức...

Sau một lúc suy nghĩ cả hai đều bảo tôi có lẽ là quá muộn rồi. Không thể đình hoãn được, có muốn cũng không làm được vì luôn có ai đó đang tiếp tục, âm thầm hay công khai, phát triển AI. Như để xoa dịu lo lắng của chúng tôi, họ đều nói rằng họ (và cả các công ty công nghệ AI khác) đều đang nghiêm túc huấn luyện AI để làm việc tốt, không làm hại đến con người. Và theo họ, đó là cách tốt nhất để kiểm soát AI.

Với đa số người dân bình thường, chúng ta thường chỉ nghe tới AI với các tiềm năng và nguy cơ của nó thông qua các phương tiện truyền thông. Một số người may mắn hơn và có cơ hội tiếp cận thì có thể được trải nghiệm một số ứng dụng trên nền tảng AI như ChatGPT.

Và ai từng sử dụng ChatGPT thì thường đều ngạc nhiên xen lẫn sợ hãi về khả năng của ứng dụng này. ChatGPT bây giờ còn có thể lập trình theo yêu cầu, hầu như không có bất kỳ lỗi nào mà nhà lập trình cá nhân hay mắc phải và trả kết quả trong tích tắc. Một anh giám đốc vừa nói vừa mở ứng dụng ChatGPT trên điện thoại của anh để cho tôi xem.

Nhưng với người nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn pháp luật như tôi, ứng dụng AI của công ty thứ hai mới khiến tôi vừa thích thú vừa lo sợ. Một công ty của Đài Loan đã phát triển một ứng dụng trên nền tảng AI trong lĩnh vực bảo hộ sáng chế. Ứng dụng có thể tự mình đọc, tra cứu, phân tích các đơn bảo hộ sáng chế đang phát triển hoặc chuẩn bị nộp. Nó có thể bản đồ hóa hay nhóm các công ty công nghệ lại dựa trên các sáng chế đã được nộp và cấp bằng.

Trên cơ sở đó, ứng dụng có thể tư vấn cho người dùng về lĩnh vực kỹ thuật mình đang phát triển có những đối thủ cạnh tranh nào; có trùng hoặc tương tự với các sáng chế đã được cấp và do đó có thể bị từ chối bảo hộ hoặc thậm chí bị khởi kiện xâm phạm hay không. Theo chia sẻ của ông giám đốc, ứng dụng đã dự báo thành công một số vụ kiện đang diễn ra.

Hình như, chưa từng có công nghệ nào trong lịch sử mà có khả năng tự trị, chưa kể đến việc còn có thể thông minh hơn con người. Nếu một công nghệ như vậy xuất hiện thì có lẽ cái duy nhất còn giúp phân biệt con người với công nghệ đó chính là linh hồn.

Trong quá khứ, các hoạt động mà ứng dụng này đang triển khai nằm ngoài hoặc vượt quá khả năng của bất kỳ cá nhân nào, dù kiến thức chuyên môn và kỹ năng của người đó có là số một thế giới đi chăng nữa. Bởi vì, không một người nào có thể đọc và nhớ hết hàng triệu bằng sáng chế đã được cấp và công bố công khai trên thế giới (chủ yếu là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc).

Chắc cũng không có người nào có thể tiến hành hoạt động phân tích, đối chiếu tổng thể như thế khi được yêu cầu. Và nếu có làm thì họ cũng sẽ mất cả đời người trong khi ứng dụng chỉ mất vài giờ hoặc cùng lắm là vài ngày. Nói không ngoa rằng những gì ứng dụng này đang làm thì chỉ có Chúa mới có thể làm được. Một vị Chúa điện tử nhân tạo.

Và viễn cảnh tiêu cực là gì? Là hàng ngàn luật sư, thẩm định viên, chuyên viên và những người làm việc có liên quan tới sáng chế có thể sẽ mất việc. Họ không có bất kỳ cơ hội nào để cạnh tranh với ứng dụng này xét từ góc độ hiệu quả. Dù vị giám đốc có nhã nhặn trấn an rằng vẫn cần những cá nhân thẩm định lại kết quả cũng như đưa ra quyết định cuối cùng. Kể cả như vậy thì đó phải là những cá nhân kiệt xuất, các chuyên gia hàng đầu. Và thị trường sẽ cần bao nhiêu người như vậy?

Trong buổi hội thảo cũng có một chị vừa là bác sĩ vừa là luật sư. Chị đang quản lý một bệnh viện. Cuối buổi, tôi cũng hỏi chị những ứng dụng này có thể đưa vào trong bệnh viện cho việc khám và kể cả điều trị không? Chị cười, bảo thế cũng lo cho nhân viên y tế.

Nhưng có thể chúng ta cũng đang cả nghĩ. Nhìn lại lịch sử nhân loại thì loài người đã nhiều lần trải qua các cuộc cách mạng công nghệ. Mỗi khi một công nghệ mới xuất hiện thì đều thay thế và làm biến mất một số công việc, nghề nghiệp. Nhưng ngược lại nó cũng làm phát sinh nhu cầu và loại hình công việc mới. Nó cũng mở rộng khả năng của con người. Giúp con người phát hiện ra các năng lực mới hoặc khai thác tốt hơn các năng lực cũ của mình.

Nhưng hình như, chưa từng có công nghệ nào trong lịch sử mà có khả năng tự trị, chưa kể đến việc còn có thể thông minh hơn con người. Nếu một công nghệ như vậy xuất hiện thì có lẽ cái duy nhất còn giúp phân biệt con người với công nghệ đó chính là linh hồn. Mà linh hồn thì hình như khoa học chưa bao giờ chứng minh được sự tồn tại.

Khi đang trên đường ra sân bay để bay về Việt Nam tôi lại đọc được một tin tức cho biết Elon Musk cảnh báo rằng Larry Page, người đồng sáng lập Google đang tìm cách phát triển một Superintelligent General AI - Một siêu trí tuệ nhân tạo à? Musk bảo nếu Larry thành công thì đó sẽ là một Digital God - một vị Chúa điện tử.

(*) Giảng viên trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới