Thứ Tư, 14/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bộ LĐ-TB và XH đề xuất hạ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất đã đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 với người không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội để nâng cao an sinh xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 – Ảnh: TL

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đảm bảo quy định hiện hành của Luật Người cao tuổi.

Theo đó, cơ quan soạn thảo đề nghị điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác, sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo với mức 500.000 đồng/người/tháng (thay vì mức 360.000 đồng/người/tháng hiện hành). Người nhận trợ cấp cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế; người lo mai táng được trợ cấp 1 lần là 10 triệu đồng.

Cổng thông tin Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện độ bao phủ an sinh cho người già sau tuổi nghỉ hưu của cả nước mới đạt 35%, trong đó khoảng 1,2 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác và đang hưởng trợ cấp xã hội. Khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75, sẽ có thêm khoảng hơn 700.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Bên cạnh đó, với việc tăng mức trợ cấp hằng tháng với người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên từ 360.000 đồng lên thành 500.000 đồng, kinh phí phát sinh thêm ước tính khoảng hơn 7.100 tỉ đồng/năm, bao gồm giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi là 5.000 tỉ đồng, điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng từ 360.000 đồng thành 500.000 đồng là 2.100 tỉ đồng.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, quy định này không phát sinh tăng nhiều ngân sách nhà nước, do ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ bảo hiểm y tế, còn trợ cấp hằng tháng do Quỹ BHXH đảm bảo từ thời gian đóng BHXH của người lao động.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. ILO dự báo nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa diễn ra nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế.

Liên quan đến những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng từ trước ngày 1-1-1995, trong khi chờ sửa đổi luật, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất người cao tuổi nhóm này sau khi điều chỉnh tăng thêm 12,5% theo mức điều chỉnh chung mà có mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng; mức hưởng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng/tháng trở xuống; tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng/tháng đến dưới 3 triệu đồng/tháng.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, với việc điều chỉnh trên, dự kiến có khoảng 230.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1-1-1995 thuộc đối tượng điều chỉnh do ngân sách nhà nước chi trả với kinh phí điều chỉnh khoảng 330 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới