Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiều ý kiến tâm huyết xây dựng cơ chế đặc thù cho sự phát triển của TPHCM

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, nhiều ý kiến đề nghị chuyển Điện lực TPHCM về cho thành phố quản lý, giảm bớt độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; bổ sung quy định về trách nhiệm, vai trò của thành phố trong bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện hữu; bổ sung những ưu đãi mang tính cam kết, thể hiện rõ hơn trách nhiệm, những lợi thế cạnh tranh riêng của TPHCM khi thu hút đầu tư FDI.

Quốc hội thảo luận dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM - Ảnh: Quochoi.vn

Quochoi.vn đưa tin, thảo luận dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đại biểu Đinh Ngọc Minh, tỉnh Cà Mau cho biết, để rút ngắn thời gian thực hiện vốn đầu tư công hiện nay, đề nghị Quốc hội giao cho HĐND TPHCM quy định trình tự, thủ tục thực hiện vốn đầu tư công trên địa bàn nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, đề xuất Quốc hội giao cho HĐND TPHCM ban hành cơ chế, chính sách riêng thu hút đầu tư, đón những doanh nghiệp lớn. Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh, các doanh nghiệp lớn khi lựa chọn đầu tư, họ thường đưa ra các điều kiện đi kèm. Do vậy, nếu chúng ta thực hiện cơ chế, chính sách chung, sẽ rất khó cho TPHCM.

Với cơ chế lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà ở cơ quan công sở như dự thảo, TPHCM cần tính toán, lắp đặt trên nhiều mái nhà các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị lớn, bởi lượng điện năng tiêu thụ tại các địa điểm này khá nhiều, trong khi các doanh nghiệp cũng đang dùng giá điện kinh doanh tới trên 3.000 đồng/kW.

Đại biểu đề nghị giao cho TPHCM nghiên cứu, cho phép các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn tự lắp, tự dùng và có thể chuyển Điện lực TPHCM về cho thành phố quản lý, giảm bớt độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất một số chính sách có thể xem xét thông qua trong dự thảo nghị quyết, trong đó cho phép HĐND thành phố theo thẩm quyền, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa dưới 500 héc-ta theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với đó, cho phép dự án BT đã được ký theo đúng luật trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực mà chưa hoàn thành thanh toán thì được thanh toán qua sử dụng quỹ đất do nhà nước quản lý theo quy định.

Đối với diện tích đất lấn biển, đại biểu đề nghị cho phép TPHCM thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Cho phép thành phố đẩy nhanh tiến độ hơn nữa bằng cách cho thực hiện đo đạc, khảo sát các diện tích đất song song, đồng thời trước khi có thông báo thu hồi đất.

Đại biểu cũng đề nghị, với nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn theo công nghệ thu hồi năng lượng, thành phố được phép quyết định bổ sung khối lượng rác thải theo hình thức đặt hàng để đáp ứng các nhu cầu về môi trường.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị nhiều nội dung cụ thể về thí điểm phát triển mô hình đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), theo đó bổ sung nguyên tắc "đảm bảo phù hợp với kế hoạch phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu";

Nhằm đảm bảo các đô thị ở vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt và vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 địa phận TPHCM, đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng bền vững, cũng như thích ứng trước những kịch bản của biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, thảm họa ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế đồ án.

Với cơ chế TPHCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư công trình đường bộ hiện hữu, đại biểu đề nghị chỉ áp dụng đối với các dự án mở rộng và hiện đại hóa các công trình đường bộ hiện hữu, không áp dụng đối với các dự án nâng cấp nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp;

Đồng thời cũng làm rõ, bổ sung quy định về trách nhiệm, vai trò của thành phố trong bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện hữu mà không còn điều kiện, khả năng để mở rộng mặt đường.

Về tài chính ngân sách, đại biểu đồng tình với quy định cho HĐND thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung phụ lục về các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Luật Phí và lệ phí mà HĐND TPHCM dự kiến áp dụng, cũng như danh mục các loại phí và lệ phí mà HĐND thành phố dự kiến điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu so với mức đã được cấp có thẩm quyền quy định;

Đề nghị HĐND TPHCM khi ban hành nghị quyết về các loại phí, lệ phí bổ sung và điều chỉnh cần quy định rõ những đối tượng được miễn áp dụng, nhất là những gia đình có công, người dễ bị tổn thương, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố và các cơ sở nhân đạo đang nuôi dưỡng, chăm lo các đối tượng bảo trợ xã hội.

Để thu hút vốn đầu tư FDI, đại biểu đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM cân nhắc, bổ sung những ưu đãi mang tính cam kết, thể hiện rõ hơn trách nhiệm cũng như những lợi thế cạnh tranh riêng có mà thành phố dành cho các nhà đầu tư chiến lược.

Ví dụ như được ưu tiên xây dựng hạ tầng chất lượng cao, xanh, sạch và thân thiện, có khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như những cơ chế ưu tiên đặc biệt về thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư chiến lược.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới