(KTSG Online) – Các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin (ICT) đang là điểm sáng trong “bức tranh” đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Làn sóng các doanh nghiệp ICT vươn ra nước ngoài ngày càng mạnh mẽ nhằm khai thác những thị trường mới, từ đó giúp tăng trưởng doanh thu, đặc biết trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế toàn cầu.
- Trong 5 tháng, đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đạt hơn 300 triệu đô la
- FPT đầu tư vào công ty tư vấn và dịch vụ công nghệ tại Nhật Bản
Khởi nghiệp và trụ lại tại thị trường nước ngoài
Stringee – một doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) cung cấp nền tảng giao tiếp số được thành lập 5 năm nay. Hiện tại, Stringee đang phục vụ cho nhiều doanh nghiệp trong nước với khoảng 2,2 triệu phút gọi mỗi ngày cho hơn 55 triệu người dùng cuối trong toàn quốc. Stringee có thể được tích hợp vào ứng dụng mobile hoặc website của các doanh nghiệp và có các tính năng như nghe, gọi, video call, nhắn tin, email... có tính bảo mật cao mà doanh nghiệp không phải sử dụng các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook messenger...
Sau khi được nhiều khách hàng trong nước sử dụng, Stringee đã bắt đầu tiến ra thị trường nước ngoài bằng việc mở văn phòng đầu tiên tại Ấn Độ. Giám đốc doanh nghiệp này khi trao đổi với báo chí đã cho biết Stringee chọn Ấn Độ vì đây là nơi mà có chi phí về hạ tầng, về thuế, về nhân công còn rẻ và tương đương với Việt Nam. Sau khi thành công tại thị trường này thì Stringee sẽ tính đến các thị trường khác.
Không chỉ Stringee, mới đây một startup đời đầu trong phong trào startup tại Việt Nam, hiện đã phát triển thành doanh nghiệp được định giá tỉ đô la Mỹ là VNG ngày 19-5 vừa qua đã khai trương một trung tâm sản xuất trò chơi (Game Studio) tại Đài Bắc (Đài Loan) với 35 thành viên, đánh dấu cột mốc mới trên hành trình vươn ra toàn cầu của VNGGames.
Đài Bắc được VNGGames đặt trung tâm sản xuất trò chơi sau khi đặt các trung tâm khác tại Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta, Thượng Hải, Bắc Kinh. Trước khi mở trung tâm tại Đài Bắc VNGGames đã có mặt tại đây từ giữa năm 2021 để tìm kiếm các cơ hội mới cũng như phát hành một số tựa game ở thị trường này.
Đài Bắc được đánh giá là một thành phố hấp dẫn với các nhà phát hành game bởi nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng phát triển và cộng đồng người chơi game rộng lớn. Gia nhập thị trường cạnh tranh khốc liệt như vậy vừa là thách thức vừa là cơ hội để VNGGames tận dụng những nguồn lực bản địa sẵn có để ghi dấu ấn tại thị trường này.
Ông Kelly Wong, Phó Tổng Giám đốc mảng Trò chơi trực tuyến của VNG, chia sẻ với báo chí, Đài Bắc là một địa điểm quan trọng trong chiến lược đi ra nước ngoài của VNGGames và đây cũng là thị trường trọng điểm của game nhập vai, vốn là một phần cốt lõi của VNGGames từ những ngày đầu thành lập.
Một trong những yếu tố then chốt khác khiến VNGGames lựa chọn Đài Bắc chính là đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến. Họ không chỉ hỗ trợ phát triển hoạt động kinh doanh của VNGGames tại Đài Bắc mà còn mở rộng ra các khu vực khác ở châu Á.
Với Đài Bắc, VNGGames đã có dấu ấn đầu tiên khi ra mắt tựa game Gunny Origin năm 2022 - đạt vị trí Top 2 trên bảng xếp hạng các game có doanh thu cao nhất trên iOS tại Đài Loan. Cột mốc này là tiền đề quan trọng để VNGGames thúc đẩy kế hoạch phát triển lâu dài tại Đài Bắc cũng như mở rộng mô hình phát hành game tại thị trường nước ngoài. Mục tiêu dài hạn của VNGGames là trở thành nhà phát hành game hàng đầu tại thị trường Đài Loan.
Đầy mạnh đầu tư, gia tăng sự hiện diện
Trước khi các startup trên đi ra nước ngoài, FPT là một tập đoàn công nghệ tư nhân lớn nhất Việt Nam đã đi ra nước ngoài từ 20 năm trước. Đến giờ tập đoàn này vẫn miệt mài đẩy mạnh đầu tư để khai thác thị trường toàn cầu.
Giữa tháng tư vừa qua, FPT đã mở trung tâm phát triển phần mềm tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc để nhắm vào ngành phần mềm ô tô toàn cầu và Trung Quốc cũng như hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 1 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu phần mềm trong năm nay.
Nam Ninh là văn phòng thứ hai của FPT tại Trung Quốc. Công ty này đã mở văn phòng đầu tiên tại Thượng Hải từ năm 2017 và có nhiều khách hàng lớn trong lĩnh vực công nghệ ô tô và sản xuất bán dẫn tại Trung Quốc.
Dự kiến trong hai năm tới, trung tâm phần mềm tại Nam Ninh của FPT sẽ đạt quy mô nhân sự 200 người và mở rộng tệp khách hàng trong lĩnh vực công nghệ ô tô và sản xuất bán dẫn tại Trung Quốc và trên toàn cầu. Đồng thời phát triển tệp khách hàng mới trong các lĩnh vực khác như tài chính - ngân hàng, chăm sóc sức khỏe.
Tiếp giáp với bốn tỉnh của Việt Nam, đồng thời chỉ cách Hà Nội 380km, Nam Ninh rất thuận tiện cho việc giao thương và trao đổi đào tạo. Nam Ninh cũng quy tụ nhiều Đại học lớn đào tạo đa dạng các lĩnh vực. Tại Quảng Tây có khoảng 70.000 kỹ sư và trên 21.000 sinh viên công nghệ. Đây là nguồn nhân lực tiềm năng cho phát triển các công nghệ của tương lai.
Chia sẻ về việc mở trung tâm này, Chủ tịch FPT Software Chu Thị Thanh Hà, cho biết với kinh nghiệm trong ngành công nghệ toàn cầu, FPT Software có thế mạnh xây dựng trung tâm dịch vụ công nghệ và nghiên cứu ở gần khách hàng, mang đến các giải pháp công nghệ nhanh chóng và có giá trị cao.
Còn trong tháng 3 vừa qua FPT mở văn phòng thứ 2 tại Hàn Quốc nhằm tăng cường nguồn lực công nghệ, mở rộng mạng lưới hoạt động khu vực châu Á trong bối cảnh nhu cầu chuyển đổi số ngày càng tăng cao tại Hàn Quốc.
Với chiến lược đẩy mạnh sự hiện diện tại thị trường Hàn Quốc, FPT Software Korea đặt mục tiêu tiếp tục giữ mức tăng trưởng trên 50% trong năm 2024, dự định mở thêm văn phòng tại nhiều khu vực công nghệ trọng điểm tại Hàn Quốc. FPT Software Hàn Quốc hướng tới trở thành Trung tâm dịch vụ Toàn cầu, cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn diện từ tư vấn, triển khai vận hành, quản lí và duy trì và hỗ trợ đắc lực cho các khách hàng toàn châu Á.
Hiện, FPT có hơn 1.000 nhân sự tại Việt Nam và Hàn Quốc làm việc cung cấp dịch vụ cho thị trường này. FPT Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng doanh số gần sáu lần giai đoạn 2022 - 2025. Trong năm 2022, giữa bối cảnh đồng Won mất giá, FPT Software Hàn Quốc vẫn tăng trưởng doanh số hơn 80%, lợi nhuận tăng 85%. FPT Software tại Hàn Quốc cũng lọt Top 200 công ty công nghệ hàng đầu ở Hàn Quốc theo thống kê của Gartner giai đoạn 2020 - 2021, là công ty Việt Nam hàng đầu về doanh số và quy mô nhân sự tại thị trường này.
Trước đó trong năm 2022, FPT đã mở thêm nhiều văn phòng mới trên toàn thế giới như tại New York (Mỹ), Copenhagen (Đan Mạch), Tokyo (Nhật Bản), Manila (Philippines) và Bangkok (Thái Lan).
Để đẩy mạnh khai thác thị trường nước ngoài, FPT không chỉ mở văn phòng tại các nước mà còn đẩy mạnh mua bán sáp nhập các doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian gần đây.
Cuối tháng 2 vừa qua, FPT công bố thương vụ mua lại (M&A) toàn bộ mảng Dịch vụ Công nghệ (IT Services)- một trong những mảng kinh doanh chiến lược của doanh nghiệp Mỹ là Intertec International. Thương vụ này là một phần trong chiến lược mở rộng các trung tâm dịch vụ công nghệ toàn cầu của FPT. Cùng với thương vụ này, FPT mở rộng hiện diện tại Costa Rica, Colombia và Mexico - đây là 3 nước có trung tâm sản xuất công nghệ của Intertec.
Cùng với mạng lưới 22 trung tâm cung ứng công nghệ của FPT trên toàn thế giới, mảng dịch vụ công nghệ của Intertec mới sáp nhập sẽ giúp đảm bảo đồng hành cùng khách hàng nhanh nhất ở mọi múi giờ, mọi địa điểm trên thế giới. Đồng thời, giúp FPT nâng cao hơn năng lực đáp ứng chất lượng sản phẩm, giải pháp trên mảng phần mềm linh hoạt (Agile Software) cho khách hàng.
Trao đổi với báo chí về thương vụ trên, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ, tập đoàn này kỳ vọng thương vụ này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng lớn vào mục tiêu mở rộng quy mô và tăng trưởng hoạt động kinh doanh của FPT trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt là khai thác tối đa các cơ hội không giới hạn từ thị trường các nước nói tiếng Anh
FPT có động thái mua lại một phần doanh nghiệp Mỹ trên do Mỹ là một trong hai thị trường lớn nhất của FPT, đóng góp mức lợi nhuận cao nhất trong số toàn bộ các thị trường, với mức độ tăng trưởng năm 2022 là 50%. Doanh số FPT Americas đã tăng 5 lần và 10 lần về lợi nhuận từ 2017 đến 2022. Chi nhánh Mỹ tiếp tục triển khai kế hoạch mở rộng hiện diện và đặt mục tiêu đạt quy mô 1.000 nhân sự ở khu vực Mỹ Latin trong hai năm tới.
Từ năm 2014, FPT đã thực hiện M&A với công ty RWE IT của Slovakia. Đây là thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Năm 2018, FPT mua lại 90% cổ phần của Intellinet, công ty chuyên tư vấn lộ trình chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.
Thất bại là bài học để hướng đến thành công
Nhờ những nỗ lực đẩy mạnh ra nước ngoài nêu trên, FPT đã kiếm được khá nhiều doanh thu từ nước ngoài. Riêng 3 tháng đầu năm nay, FPT ghi nhận doanh thu 11.681 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.121 tỉ đồng, lần lượt tăng 20,1% và 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu dịch vụ CNTT tại nước ngoài đạt 5.435 tỉ đồng, tăng hơn 32%, lợi nhuận trước thuế đạt 889 tỉ đồng.
Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài của FPT cũng ghi nhận doanh thu ký mới đạt 10.165 tỉ đồng, tăng trưởng 44% so với năm trước nhờ đã hiện diện trên 29 quốc gia trên toàn cầu.
Để có được thành công như hiện tại, FPT đã phải trải qua cả những thất bại mà không lùi bước. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, tại một sự kiện gần đây, đã chia sẻ câu chuyện về thất bại của doanh nghiệp vào 20 năm trước khi đi ra nước ngoài.
Thị trường đầu tiên được FPT nhắm đến khi đi ra nước ngoài là Mỹ. Nhưng năm 1999, thị trường Mỹ chưa biết đến các doanh nghiệp Việt Nam, không có dữ liệu và thông tin về năng lực công nghệ như thế nào. Do đó, FPT đã thất bại ngay từ đầu tại đây. Thế nhưng, doanh nghiệp không bỏ cuộc mà chuyển hướng sang xuất khẩu phần mềm (gia công phần mềm) cho thị trường Nhật Bản. Tại đất nước hoa anh đào, những thách thức lại đến theo một phương thức khác, đó là doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu các đối tác gia công phải biết tiếng Nhật. Và thế là, hành trình đào tạo nhân sự biết tiếng Nhật của FPT bắt đầu.
Sau khi thành công với thị trường Nhật, thương hiệu và uy tín của FPT được biết đến ở nước ngoài và dần mở rộng, khai thác khách hành ở các thị trường khác.
FPT là tập đoàn công nghệ đã đi ra nước ngoài từ sớm và gặt hái nhiều thành công. Nhưng hiện tại, Viettel mới là doanh nghiệp ICT Việt đầu tư ở nước ngoài với số vốn đầu tư nhiều nhất – khoảng 2 tỉ đô la Mỹ - vì Viettel đầu tư ra nước ngoài không chỉ cung cấp dịch vụ công nghệ mà còn cung cấp cả dịch vụ di động, yêu cầu phải đầu tư hạ tầng mạng. Sau hơn 10 năm đầu tư ra nước ngoài, Viettel đã phát triển dịch vụ viễn thông và cung cấp dịch vụ CNTT tại 10 quốc gia. Trong đó 5/10 thương hiệu của Viettel đã là công ty viễn thông lớn nhất tại quốc gia đang kinh doanh và 7/10 thị trường đã có lãi.
Ngày 9-6-2023 là ngày kỉ niệm 5 năm Viettel kinh doanh tại Myanmar với mạng di động thương hiệu Mytel. Sau 5 năm kinh doanh, tổng doanh thu lũy kế trong 5 năm của Mytel đạt hơn 2 tỉ USD, là thị trường nước ngoài có doanh thu dịch vụ cao nhất năm 2022 của Viettel.
Thị trường nước ngoài đã đóng góp doanh thu tương đương viễn thông trong nước của Viettel. Năm 2022, doanh thu hợp nhất của tập đoàn này đạt 163,8 ngàn tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 43,1 ngàn tỉ đồng. Cũng trong năm 2022, hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel lần đầu tiên doanh thu dịch vụ đạt gần 3 tỉ đô la Mỹ (khoảng hơn 70.000 tỉ đồng) – tương đương với viễn thông trong nước, đóng góp 50% doanh thu dịch vụ viễn thông. Nguồn ngoại tệ chuyển về nước trong năm 2022 lên tới gần 500 triệu đô la Mỹ - cao nhất trong 5 năm vừa qua. Lũy kế đến nay, Viettel đã chuyển về nước gần 70% tổng số tiền đầu tư nước ngoài.
Để có được thành công trên, Viettel cũng phải trải qua nhiều khó khăn thách thức. Rất nhiều nhân viên của Viettel đã phải đến làm việc ở những nước nghèo khổ - bởi phần lớn các nước Viettel đầu tư kinh doanh di động đều nghèo khổ và kém phát triển hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, đi đầu tư tại các nước Viettel cũng phải đánh giá, chấp nhận những rủi ro về chính trị... tuy nhiên lãnh đạo tập đoàn này ngay từ đầu đã xác định rằng so với nhiều tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới thì Viettel chỉ như người tí hon bên cạnh người khổng lồ.
Hơn nữa, do đi đầu tư viễn thông sau các tập đoàn lớn nên chỗ ngon ăn không còn, chỉ còn những nơi khó khăn mà “người khổng lồ” ngại hoặc không muốn đến. Do đó Viettel xác định mình như con nhà nghèo, không có cách nào phải vượt qua khó khăn để tìm cơ hội khi đầu tư kinh doanh tại nước ngoài.
Trong đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp ICT, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công mà cũng có doanh nghiệp thua lỗ.
Ví dụ như trường hợp của VNPT. Từ năm 2014 tập đoàn này đã đặt văn phòng đại diện tại Myanmar nhằm tạo nền móng cho việc đầu tư kinh doanh tại đây. Cuối năm 2017 VNPT đã khai trương và liên doanh Streamnet tại Yangon với tham vọng phát triển kinh doanh. Đây là công ty VNPT liên doanh thành lập với Elite Telecom Public Company Limited với vốn đầu tư 44,1 triệu đô la Mỹ. Trong đó VNPT góp 67% còn đối tác Myanmar góp 33%.
Liên doanh được thành lập nhằm cung cấp hàng loạt dịch vụ viễn thông như: internet băng thông rộng cáp quang, kênh thuê riêng, vệ tinh...
VNPT thành lập liên doanh với Elite Telecom Public bởi đây là một công ty trẻ tại Myanmar có mối quan hệ với các địa phương và kinh nghiệm triển khai internet băng thông rộng cáp quang. VNPT kỳ vọng việc hợp tác với công ty này thành lập liên doanh sẽ cung cấp thêm cho khách hàng ở quốc gia này sự lựa chọn, thúc đẩy sự tăng trưởng thị trường vốn dĩ được cho là có nhiều cơ hội.
Thông tin từ Hội hữu nghị Việt Nam Myanmar và Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế cho biết, sau 4 năm hoạt động, VNPT đã đầu tư vào liên doanh 10,28 triệu đô la Mỹ nhưng đã lỗ 4,61 triệu đô la Mỹ. Hiện VNPT đang xem xét kế hoạch thoái vốn khỏi liên doanh để cắt lỗ.
Các chuyên gia nhận định, hiện các doanh nghiệp ICT là một điểm sáng trong các doanh nghiệp Việt có tham gia đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, để có thêm nhiều doanh nghiệp ra nước ngoài và thành công vẫn cần sự hỗ trợ, khuyến khích từ các chính sách, quy hoạch lẫn chiến lược phát triển các trung tâm công nghệ của Việt Nam tại những thị trường lớn.