Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu đang ‘khó tính’ hơn trong việc nhập khẩu nông lâm sản

Minh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cuối tháng 6 này, mì ăn liền Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU sẽ được nới quy định an toàn thực phẩm nhưng các sản phẩm nông nghiệp như gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu tương, gỗ sẽ phải kê khai thông tin về nơi sản xuất, diện tích đất sử dụng cho sản xuất, cung cấp văn bản tuyên bố không phá rừng kèm theo hàng hóa trước khi xếp hàng lên tàu đến EU.

Châu Âu có quy định mới về cấm nhập khẩu càphê liên quan đến phá rừng. Ảnh: Reuters

Kể từ ngày 27-6, Châu Âu (EU) đã chính thức đưa các loại mì ăn liền của Việt Nam từ Phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang Phụ lục I với tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%, TTXVN đưa tin.

Theo đó, các mặt hàng mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Dù vậy, theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, Trần Ngọc Quân, việc EU vẫn duy trì kiểm soát tại cửa khẩu với tần suất 20% đòi hỏi Việt Nam luôn phải duy trì tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mì ăn liền.

Nếu trong 6 tháng cuối năm 2023, mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU có nhiều vụ vi phạm quy định an toàn thực phẩm thì lộ trình tiếp theo của EU sẽ là tăng giám sát lên mức 50% tại cửa khẩu và sau đó là đưa quay lại Phụ lục II.

Trong khi đó, ớt chuông từ Việt Nam vẫn nằm trong Phụ lục I với tần suất kiểm tra 50% tại cửa khẩu. Đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong Phụ lục II với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20%. Điều này có nghĩa là các mặt hàng nông nghiệp không có thay đổi so với quy định của 6 tháng trước.

Cũng theo TTXVN, mới đây, đại diện Hiệp hội cà phê các nước đã thảo luận về Quy định 2023/1115 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về lưu thông trên thị trường EU và xuất khẩu từ EU một số hàng hóa và sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng.

Theo Quy định 2023/1115, kể từ ngày 29-6, các sản phẩm nông nghiệp sẽ chịu tác động bao gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu tương và gỗ. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này phải tập hợp và kê khai thông tin về nơi sản xuất, diện tích đất sử dụng cho sản xuất, cung cấp văn bản tuyên bố không phá rừng kèm theo hàng hóa trước khi xếp hàng lên tàu.

Doanh nghiệp EU chỉ được phép lưu thông trên thị trường các sản phẩm không sản xuất trên đất phá rừng, nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.

Hiệp hội cà phê Anh (BCA) cho biết với việc quy định mới của EU các nhà sản xuất cà phê phải sử dụng ứng dụng Geolocation để xác định vị trí lô đất trồng cà phê. Quan trọng hơn, thông tin này phải đi kèm với sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất, bao gồm các khâu khác nhau, từ bước làm sạch, phơi, sấy, cho tới khi đóng hàng và vận chuyển xuất khẩu.

Quy định mới sẽ được áp dụng cho toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng cà phê bắt đầu từ cuối năm 2024, BCA sẽ làm việc với các hiệp hội khác để tuyên truyền về các yêu cầu theo quy định mới và đưa ra hướng dẫn thực hiện quy định cho các thành viên hiệp hội, phần lớn đang có những giao dịch với EU, đồng thời nhấn mạnh việc đưa ra hướng dẫn luật hoàn chỉnh sẽ dễ dàng được EU chấp thuận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới