Hiểu cho đúng thế nào là dự báo?
(TBKTSG) - Những tranh luận của các đại biểu Quốc hội cho thấy đã có một sự hiểu nhầm về dự báo và chỉ tiêu. Có lẽ đấy là nhầm lẫn giữa khái niệm dự báo hiện nay và kế hoạch thời kế hoạch hóa trước đây. Bản thân khái niệm dự báo đã hàm ý “tính bất ổn” và “thay đổi”. Điều này là hiển nhiên vì các biến số của mô hình dự báo là từ thông tin, mà thông tin thì luôn xuất hiện mới và bất ngờ.
Nếu vậy thì dự báo để làm gì? Thật ra, nếu các dự báo càng chứa đựng tính bất ổn và thay đổi chừng nào thì dự báo càng trở nên quan trọng. Vì lẽ điều quan trọng hàng đầu của dự báo chính là để nhận diện hàng trăm, thậm chí hàng ngàn những biến số có khả năng xảy ra. Để sau đó - đây mới chính là điều quan trọng nhất - nếu như các biến số nào xuất hiện lệch so với kịch bản (trung bình, bi quan hay lạc quan) thì cách thức phản ứng ngay tức thời phải là gì. Thiết lập cơ chế phản ứng với những bất ngờ đó mới là điều quan trọng của dự báo, chứ dự báo không phải là con số để so sánh lấy thành tích.
Ví dụ trước đây khi Quốc hội thông qua chỉ tiêu tăng trưởng 8,5% là tương ứng với kịch bản giá dầu 61 đô la Mỹ/thùng. Nếu sau này giá dầu tăng lên 126 đô la/thùng như hiện nay thì hàng loạt những biến số (cung tiền, đầu tư, bội chi ngân sách, dòng vốn nước ngoài...) mà mô hình dự báo trước đây đã đưa ra cho kịch bản tăng trưởng 8,5% phải tăng hoặc giảm theo như thế nào, bộ ngành nào phải có trách nhiệm phản ứng ngay tức thì, chứ không phải việc gì cũng phải chờ trình lên Thủ tướng. Bộ ngành nào không phản ứng hoặc phản ứng chậm thì phải chịu trách nhiệm.
Đây chính là hướng khả dĩ mà Quốc hội nên bàn để cải cách bộ máy điều hành của Chính phủ hiện nay, chứ không nên bàn cãi nên hay không nên điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng. Nếu xây dựng bộ máy phản ứng như thế với các dự báo, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước chính là địa chỉ phải chịu trách nhiệm đầu tiên về lạm phát tăng tốc khi mua vào ào ạt 9 tỉ đô la Mỹ trong năm 2007. Nếu có cơ chế phòng vệ và phản ứng thích hợp, một khi dòng vốn ngoại vượt quá dự báo thì Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện trung hòa như thế nào, nếu trung hòa không hết thì phải làm gì, phải để cho tiền đồng lên giá, tức tỷ giá phải giảm xuống bao nhiêu...
Vì lẽ đó, dự báo không chính xác là điều hiển nhiên. Nếu cứ đổ thừa lạm phát thời gian qua là do dự báo kém, chi bằng anh chẳng có lỗi gì hết.
Với cách hiểu như thế, rất khó đồng tình với cách đặt vấn đề của một đại biểu rằng: “Quốc hội cũng phải có trách nhiệm trước tình hình hiện nay”. Nói như thế chính là ta làm giảm nhẹ đi trách nhiệm các cơ quan tham mưu cho Thủ tướng. Còn nếu nói là do cơ chế hiện nay nên ta lựa chọn đại biểu chưa như kỳ vọng của người dân lại là câu chuyện khác, là lỗi hệ thống.
Thả nổi giá xăng dầu
Với cách kìm giá bằng biện pháp hành chính như hiện nay, có một điều chắc chắn, mặt hàng nào tăng giá và tăng bao nhiêu hoặc đã được những tập đoàn nhà nước biết trước hoặc được giới kinh doanh dễ dàng đoán ra để tiến hành đầu cơ tích trữ. Một số các doanh nghiệp hiện nay chỉ bán hàng thu tiền mặt chứ không theo kiểu tín dụng thương mại như trước đây, họ làm thế để kìm hàng chờ giá tăng để bán. Nếu có cơ quan chức năng nào kiểm tra thì họ nói rằng do Nhà nước thắt chặt thanh khoản quá mức nên doanh nghiệp tôi làm gì có tiền để thực hiện tín dụng thương mại như trước đây, hàng của tôi tồn kho cao là như thế.
Như vậy chính sách thắt chặt tiền tệ nghiệt ngã, cào bằng tất cả, cùng với việc tuyên bố “giữ giá” đến hết tháng 6 là một trong những nguyên nhân làm cho giá cả bị đẩy lên cao trước khi giá một số mặt hàng chính thức được thả nổi.
Vậy hướng giải quyết vấn đề này như thế nào, như giá xăng chẳng hạn? Có lẽ tất cả những giải pháp hiện nay chỉ là trong ngắn hạn, như lập quỹ bình ổn giá xăng dầu, tăng cường kho dự trữ... Điều quan trọng là thả nổi giá xăng dầu (tất nhiên phải có sự kiểm soát của Nhà nước) nhưng phải cho các thành phần khác tham gia để xóa thế độc quyền. Nếu xóa độc quyền mà giá xăng vẫn còn tăng, lúc này mới nói đến chuyện người dân cùng chia sẻ chống lạm phát.
Nhưng trước mắt và dễ làm nhất là công khai ngay toàn bộ dự trữ và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Nếu không minh bạch các số liệu này, e rằng chủ trương thả nổi giá xăng, cho dù là một chủ trương đúng đắn, nhưng ngân sách bù lỗ cho ngành này có thể là lợi nhuận béo bở cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhà nước.
Chính sách “vẽ đường cho hươu chạy”
Trên bình diện chung, cách điều hành hiện nay dường như là chính sách “vẽ đường cho hươu chạy”. Chẳng hạn, việc một số quan chức công khai đưa ra tín hiệu tiền đồng lên giá khiến cho dòng vốn đầu cơ ào ạt tấn công vào trái phiếu chính phủ để hưởng chênh lệnh lãi suất và tỷ giá (đã được biết trước và được Nhà nước bảo hiểm). Chính sách “vẽ đường cho hươu chạy” chẳng những góp phần làm cho lạm phát bùng lên thời gian qua mà còn mang lại cơ hội thu lợi béo bở cho một số nhóm lợi ích. Hươu ở đây là tất cả, trừ người dân nghèo. Hậu quả sẽ khó lường nếu như dòng vốn nóng này đảo chiều.
Với cách điều hành như hiện nay, có nhiều khả năng năm 2008 lạm phát vẫn cao nhưng kinh tế lại rơi vào tình trạng suy thoái. Tức là tăng trưởng giảm đi nhưng lạm phát không biết có dịu đi hay không, trừ phi có những thay đổi đột phá trong điều hành của Chính phủ và một vài thành viên thiếu năng lực phải ra đi để làm gương cho những người tiếp quản nhiệm vụ sau đó.
TRẦN NGỌC THƠ