Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lo kinh tế trì trệ hơn, Trung Quốc xoay trục sang chính sách kích thích

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chứng kiến nhịp đập của nền kinh tế yếu đi trong vài tuần qua, giới lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh quyết định xoay trục sang chính sách kích thích vì không thể mạo hiểm chờ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.

Một hội chợ việc làm ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hồi tháng trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ của Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục mới trong tháng 5. Ảnh: Cfoto

Xem xét gói biện pháp thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Vài tháng trước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lạc quan trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi mạnh mẽ sau ba năm kiểm soát chặt chẽ Covid-19.

Tuy nhiên, đến tháng 4 và tháng 5, các báo cáo kinh tế đáng lo ngại đã được gửi đến bàn làm việc của họ.

Wall Street Journal dẫn lời các nguồn thạo tin cho hay, sau khi được cử đi thực hiện cuộc khảo sát điều tra về tình hình tài chính của các chính quyền địa phương, các nhóm chuyên gia đã trở lại Bắc Kinh và báo cáo rằng giới chức trách địa phương đang vật lộn để trả nợ. Các cuộc họp của chính phủ với giới lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho thấy niềm tin của họ vẫn còn yếu, ngay cả sau khi Bắc Kinh bất ngờ dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 vào cuối năm ngoái.

Các dữ liệu chính thức về bán lẻ, sản lượng công nghiệp, xuất nhập khẩu vẽ nên một bức tranh ngày càng ảm đạm về một nền kinh tế đang mất dần động lực tăng trưởng. Thị trường bất động sản có dấu hiệu căng thẳng trở lại và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục.

Tất cả những lo ngại đó khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ lại trong vài tuần qua, các nguồn tin cho biết.

Và trong những ngày gần đây, các quan chức cấp cao bất ngờ cam kết làm hành động nhiều hơn nữa để kích thích tăng trưởng, dù làm như vậy có nguy cơ khuyến khích hành vi đầu cơ trong nền kinh tế mà các giới chức trách đã nỗ lực loại bỏ.

Hôm 15-6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo giảm lãi suất cho vay trung hạn 1 năm dành cho các ngân hàng. Hồi đầu tuần, PBoC cũng hạ lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược 7 ngày, xuống mức 1,9% (giảm 10 điểm cơ bản). Đây là lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đầu tiên kể từ tháng 8-2022. Mua lại đảo ngược thực chất là hoạt động cho vay, trong đó ngân hàng trung ương mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu, với thỏa thuận bán lại chúng trong tương lai.

Ngoài ra, The Wall Street Journal đưa tin Bắc Kinh đang xem xét phát hành trái phiếu  đặc biệt trị giá khoảng 1 nghìn tỉ nhân dân tệ, tương đương 140 tỉ đô la Mỹ, để huy động nguồn vốn tài trợ cho cơ sở hạ tầng mới. Đây là một chiến thuật mà trước đây, Trung Quốc đã thử nghiệm và thành công trong việc kích thích tăng trưởng. Nhưng điều này sẽ khiến nợ công gia tăng.

Giới chức trách cũng đang xem xét nới lỏng các quy định để cho phép người dân mua nhiều hơn một căn nhà, bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong những năm gần đây rằng “nhà là để ở, chứ không phải để đầu cơ”.

Tại cuộc họp của Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 16-6, Thủ tướng Lý Cường cho biết chính phủ đang nghiên cứu một gói biện pháp chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

“Môi trường bên ngoài đang trở nên phức tạp và khắc nghiệt hơn. Kết hợp với sự suy giảm trong thương mại và đầu tư toàn cầu, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phục hồi của nền kinh tế nước ta”, ông nói.

Mất niềm tin là rào cản lớn

Các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh có rất ít lựa chọn ngoài việc hành động, vì nhiều người dân Trung Quốc dường như đang mất niềm tin vào nền kinh tế. Những sinh viên tốt nghiệp đại học vào mùa hè này đã đăng những bức ảnh lan truyền nhanh trên mạng xã hội cho thấy họ ném bằng cấp vào thùng rác, hoặc nằm úp mặt xuống đất, để bày tỏ cảm giác chán nản.

Một số nhà phân tích cho rằng nếu niềm tin không được phục hồi, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị khóa chặt trong vòng xoáy đi xuống, khiến việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa cũng như các biện pháp kích thích khác trở nên vô hiệu.

“Rào cản thực sự đối với sự phục hồi tăng trưởng là sự thiếu niềm tin”, Ting Lu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc của ngân hàng Nomura, viết trong một báo cáo tuần này.

Ông cho biết thêm tình hình của Trung Quốc đang ngày càng trở nên giống với Nhật Bản vào thập niên 1990, khi niềm tin suy yếu do thị trường bất động sản sụp đổ, góp phần gây ra nhiều thập niên tăng trưởng yếu và giảm phát.

Nomura đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống lần lượt là 5,1% và 3,9% vào năm 2023 và 2024, từ mức 5,5% và 4,2% trước đó.

Một số nhà đầu tư đã so sánh chính sách xoay trục kích thích kinh tế của Bắc Kinh với quyết định dỡ bỏ đột ngột chính sách “zero Covid” hồi cuối năm ngoái.

Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh sẽ không từ bỏ chính sách này, bao gồm cả lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại, ngay cả khi các nước đã nới lỏng các quy định kiểm soát đại dịch của họ.

Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc rốt cục nhận thấy tổn thất kinh tế từ chính sách đó quá lớn và buộc phải thay đổi quan điểm, đặc biệt là sau khi một số cuộc biểu tình phản đối phong tỏa diễn ra ở một số thành phố.

Các chuyên gia khác cho rằng Bắc Kinh cần kích thích mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như trợ cấp tiền mặt cho các hộ gia đình.

“Để khôi phục lòng tin, chính phủ Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa. Quy mô và hiệu quả của các biện pháp kích thích vẫn còn thiếu”, Keyu Jin, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế London, nói.

Nhưng thách thức đối với Bắc Kinh là không có nhiều lựa chọn tốt ngoài việc đổ thêm tiền vào các dự án lớn như cầu đường và tàu điện ngầm, cũng như thúc đẩy doanh số bán bất động sản.

Chiến dịch siết chặt quản lý lĩnh vực công nghệ và giáo dục của Bắc Kinh trong những năm gần đây đã khiến nhiều doanh nhân thận trọng với các khoản đầu tư mới. Nhiều người mua nhà tiềm năng sợ rằng có thể mất nhiều năm trước khi giá bất động sản tăng trở lại một cách bền vững, do tình trạng thừa nguồn cung. Một số người tiêu dùng không muốn tăng chi tiêu một phần là vì Trung Quốc không có hệ thống an sinh xã hội đủ mạnh để giúp họ tự tin mua sắm.

Zhao Zhao, một người nội trợ có hai con ở Bắc Kinh, cho biết chồng cô, làm việc tại một công ty nhà nước, không được tăng lương trong 3 năm qua. Trong khi chi phí giáo dục cho các con của cô không ngừng tăng lên. Vì vậy, cô siết chặt chi tiêu.

Chu Ding, người có một nhà hàng ở trung tâm thành phố Vũ Hán, không mấy lạc quan về tương lai. Lượng khách đặt bàn ăn và mang đồ ăn đi tại nhà hàng của cô tăng lên vào tháng 2, nhưng sự phục hồi đã chững lại ngay sau đó, với doanh thu hàng ngày thấp hơn một chút so với trước đại dịch Covid.

“Ngay cả khi các hạn chế liên quan đến Covid-19 đã biến mất, cần có thời gian để nền kinh tế cũng như niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng phục hồi”, Ding nói.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới