(KTSG Online) – Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 5-2023 có 39/52 bộ, cơ quan trung ương và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn.
- Nhiều dự án đầu tư công chưa giải ngân được hoặc giải ngân rất thấp
- Hết quí 1, còn 30 bộ, ngành chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công
TTXVN đưa tin, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tại Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư định kỳ hàng tháng công khai danh sách các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và cổng thông tin điện tử.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hình thức phê bình, xử lý các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm; biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến hết tháng 5-2023, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết 628.778,247 tỉ đồng, ước đạt 88,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; thanh toán ước đạt 22,22% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022 nhưng số tuyệt đối cao hơn 41.172,9 tỉ đồng.
Có 39/52 bộ, cơ quan trung ương và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó 32 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn.
Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương có kết quả đạt thấp, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Tiền Giang (45,89%), Đồng Tháp (44,28%), Long An (40,06%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (40,04%).
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều hòa nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong kế hoạch đầu tư công năm 2023 được Quốc hội quyết nghị.
Đồng thời giao 2 bộ này nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án giảm thủ tục, thời gian thực hiện và sử dụng vốn ODA, kể cả phương án sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xong trước ngày 30-6.
Đề nghị mỗi vị lãnh đạo đầu ngành, khi đặt bút ký vào trách nhiệm “tiêu tiền” nhà nước, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nếu không làm tròn phận sự, phải chấp nhận “tiền tiêu”. Nghĩa là ra xung phong ra tuyến đầu, tự giác từ chức thôi.