Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nông dân Mỹ có thể phải bỏ 1/3 diện tích lúa mì vì tác động của hạn hán

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hạn hán nghiêm trọng trong nhiều năm khiến các nông dân ở vựa lúa mì của Mỹ chứng kiến vụ thu hoạch tồi tệ nhất trong hơn 60 năm. Ước tính, nông dân có thể phải vứt bỏ 1/3 diện tích trồng lúa mì vụ đông vừa qua vì không có tính khả thi kinh tế để thu hoạch.

Nông dân Gary Millershaski ở Kalin, bang Kansas, quyết định từ bỏ 90% trong số hơn 1.600 hecta lúa mì mà gia đình ông đã trồng vì không còn tính khả thi kinh tế để thu hoạch. Ảnh: WSJ

Nếu thời điểm này là một tháng 6 bình thường, những cánh đồng lúa mì của nông dân Gary Millershaski ở Kalin, bang Kansas, sẽ cao đến thắt lưng và chín vàng, sẵn sàng thu hoạch.

Thay vào đó, ông đang nhổ những cọng lúa mì gầy guộc nhô lên khỏi mặt đất chưa đầy 30 cm. Đó là hậu quả của một đợt hạn hán kéo dài nhiều năm, khiến những nông dân ở vựa lúa mì của nước Mỹ có khả năng chứng kiến vụ thu hoạch thất bát nhất trong hơn 60 năm qua.

Gary Millershaski đã phải quyết định từ bỏ 90% trong số hơn 1.600 hecta lúa mì mà gia đình ông đã trồng.

“Đây sẽ là vụ thu hoạch tồi tệ nhất của tôi từ trước đến nay”, ông nói.

Khoảng 1/3 diện tích trồng lúa mì vụ đông trên toàn nước Mỹ dự kiến bị bỏ hoang vì không có tính khả thi kinh tế để thu hoạch. Đây là tỷ lệ diện tích trồng lùa mì bị vứt bỏ lớn nhất ở Mỹ kể từ năm 1917.

Những cánh đồng lúa mì tàn úa sẽ bị bỏ hoang cho gia súc ăn cỏ, hoặc bị cắt bỏ để dùng làm cỏ khô hoặc bị triệt phá bằng hóa chất để nông dân có thể thu tiền bảo hiểm mùa màng và gieo hạt giống mới.

Các bang đồng bằng khác như Oklahoma và Texas dự kiến sẽ từ bỏ diện tích lúa mì với tỷ lệ cao hơn cả Kansas, bang sản xuất lúa mì mùa đông lớn nhất của đất nước. Mỹ là một trong năm nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới.

Những trận mưa như trút nước gần đây đã giúp hồi sinh một số cánh đồng lúa mì đang héo úa, đặc biệt là ở phía tây bắc của bang Kansas. Nhưng ở những nơi khác, cơn mưa trong tháng 5 và tháng 6 đến quá muộn.

“Có nhiều thiệt hại không thể khắc phục được”, Dan O'Brien, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học bang Kansas, nói.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), hơn một nửa số diện tích lúa mì đỏ cứng trong vụ đông ở Kansas đang ở trong tình trạng kém hoặc rất kém. USDA ước tính, sản lượng lúa mì trung bình trên mỗi mẫu Anh ở Kansas trong vụ mùa hiện tại chỉ là 29 bushel (một bushel lúa mì tương đương 27,2 kg), giảm đáng kể so với 52 bushel/mẫu Anh vào năm 2021.

93% diện tích trồng  lúa mì ở Kansas bị hạn hán vào đầu tháng 6. Gần một nửa diện tích Kansas đang ở trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng hoặc “đặc biệt”, theo Cơ quan giám sát hạn hán Mỹ. Millershaski và các con trai của ông quyết định từ bỏ những cánh đồng lúa mì dự kiến chỉ đạt sản lượng 5 bushel hoặc ít hơn trên mỗi mẫu Anh. Millershaski cho biết, chi phí để thu hoạch những cánh đồng đó và chuyển lúa mì đến kho trữ ngũ cốc sẽ lớn hơn số tiền thu được từ việc bán số lùa mì này.

Năng suất lúa mì ở Mỹ sụt giảm giữa lúc các diễn biến trên thị trường bao gồm tình trạng dư thừa lúa mì của Nga và Đông Âu, đồng đô la Mỹ mạnh, khiến lúa mì trồng ở Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng các nhà máy bột mì của Mỹ sẽ tăng nhập khẩu lúa mì châu Âu, gây áp lực thêm cho nông dân trong nước.

Lúa mì mùa đông đỏ cứng, được trồng phổ biến khắp các bang đồng bằng ở Mỹ, được nghiền thành bột để làm bánh mì. Các loại lùa mì khác, chẳng hạn như lúa mì mùa đông đỏ mềm được sử dụng làm bột cho bánh quy và bánh ngọt, được trồng ở những nơi khác trong nước.

Joseph Glauber, cựu kinh tế trưởng của USDA và hiện là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, cho biết lúa mì trồng ở Mỹ đã giảm đáng kể kể từ thập niên 1980 do nông dân chuyển sang trồng bắp và đậu nành.

Khoảng gần 15,2 triệu hecta lúa mì mùa đông đã được trồng trong năm nay ở Mỹ so với 26,3 triệu hecta trồng vào năm 1981.

Những nông dân trồng lúa mì đã có bảo hiểm mùa màng có thể thu lại một số chi phí của họ, thường là 60% đến 75%. Nhưng O'Brien cho biết các khoản thanh toán bảo hiểm thường đến trễ, khiến một số nông dân gánh nợ nần chồng chất. Ngoài ra, họ cũng đối mặt các khó khăn khác, chẳng hạn chí phí hạt giống, phân bón và các thiết bị vật tư khác cần thiết để trồng và thu hoạch lúa mì tăng cao kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới