(KTSG) - Mấy thập niên phát triển kinh tế vừa qua Trung Quốc dựa vào phương Tây, cả vốn đầu tư, bí quyết công nghệ lẫn thị trường tiêu thụ để xây dựng một nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Nay quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, liệu Trung Quốc có thể chuyển hướng tìm một chiến lược phát triển kinh tế khác, không phụ thuộc nhiều vào phương Tây nữa được chăng; và nếu được, sẽ phải chuyển như thế nào?
- Tranh cãi về hàng không gây căng thẳng thêm mối quan hệ Mỹ-Trung
- Cuộc chiến TikTok gây chấn động mối quan hệ Mỹ-Trung
Chính quyền Mỹ, từ thời Tổng thống Donald Trump cho đến Tổng thống Joe Biden đều chủ trương và tìm cách hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc về kinh tế bằng nhiều biện pháp, từ áp đặt thuế mang tính trừng phạt đến kiểm soát xuất khẩu, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đưa sản xuất về lại Mỹ hay các nước lân cận.
Ông Trump phá vỡ chính sách kéo dài nhiều thập niên trước đó và bắt đầu xem Trung Quốc như một đối thủ tiềm tàng hơn là đối tác làm ăn. Tổng thống Joe Biden không chỉ tiếp tục lập trường mới này mà còn đưa ra nhiều biện pháp hơn nữa, như kiểm soát việc xuất khẩu chip cao cấp hay thiết bị dùng để sản xuất chip sang Trung Quốc.
Rõ ràng Mỹ lo sợ Trung Quốc tận dụng vị thế thống lĩnh trong nhiều chuỗi cung ứng để gây sức ép lên nền kinh tế Mỹ như từng xảy ra với dược phẩm, dụng cụ y tế hay đất hiếm, kim loại hiếm. Mỹ ngáng đường Trung Quốc tiếp cận các công nghệ cao của Mỹ do lo ngại nước này tận dụng cơ hội lấy đi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ trong nhiều lĩnh vực, kể cả quân sự.
Trong thực tế, đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc đang trên đà suy giảm. Theo tờ Atlantic, năm 2017 đầu tư của các công ty Mỹ vào Trung Quốc ở mức 14,1 tỉ đô la, đến năm 2021 con số này sụt xuống còn 8,4 tỉ đô la. Theo tờ báo này, trong một khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc tiến hành, 51% doanh nghiệp Mỹ cho biết kế hoạch của họ là giữ nguyên trạng, không đầu tư thêm cũng không giảm đầu tư vào Trung Quốc. Thêm 26% cho biết môi trường không chắc chắn nên họ chưa quyết định được gì cả.
Doanh nghiệp châu Âu cũng đánh mất sự hào hứng đối với thị trường Trung Quốc. Tập đoàn Rhodium giải thích trong một báo cáo gần đây: “Ngoại trừ một ít công ty Đức vẫn rót tiền vào hoạt động ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp châu Âu có hiện diện ở Trung Quốc đang ngưng đầu tư mới. Hầu như không có doanh nghiệp châu Âu mới nào quyết định vào Trung Quốc trong những năm gần đây”.
Từ ngữ mới nhất để chỉ mối quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc là “de-risking” (tháo gỡ các nguy cơ), tuy không dứt khoát như từ cũ là “decoupling” của thời ông Trump (cắt đứt quan hệ) nhưng cũng cho thấy những nỗ lực đối phó với các mối nguy do dựa nhiều vào kinh tế Trung Quốc, cả về an ninh lẫn sản xuất. Một ví dụ là nỗ lực của các nước phương Tây đa dạng hóa chuỗi cung ứng để bảo đảm Trung Quốc không thống lĩnh một số chuỗi cung ứng gây sức ép trên nhiều lĩnh vực, cũng như tháo bỏ các thiết bị viễn thông của Trung Quốc sản xuất.
Đối diện với xu hướng mới này, Trung Quốc cũng đang chuyển hướng chiến lược. Chẳng hạn, trước đây Mỹ là địa chỉ đầu tư nóng cho các doanh nghiệp Trung Quốc, từng rót đến 193 tỉ đô la từ năm 2005, nhưng nay dòng vốn doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ khô cạn hẳn. Mặc dù năm 2022 có tăng đôi chút so với năm trước đó, lên mức 3,2 tỉ đô la, con số này chỉ là một phần rất nhỏ so với tổng mức đầu tư 54 tỉ đô la vào năm 2016.
Thay vào đó dòng vốn đầu tư của Trung Quốc chuyển hướng về các nước phương Nam. Năm ngoái hai địa chỉ nhận vốn đầu tư của Trung Quốc lớn nhất là Ảrập Saudi và Indonesia. Năm 2017, các nước có quan hệ với Sáng kiến Vành đai Con đường, một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô ở nhiều nước với vốn vay từ Trung Quốc, chỉ chiếm một phần ba tổng vốn đầu tư ra bên ngoài của Trung Quốc. Đến năm ngoái các nước này chiếm tỷ lệ 60% dù tổng vốn có ít hơn.
Về mặt thương mại, dù giao thương của Trung Quốc với Mỹ và châu Âu vẫn chiếm tỷ trọng lớn, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước đang phát triển tăng trưởng nhanh chóng hơn. Đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc hiện nay không phải là Mỹ hay châu Âu mà chính là 10 nước trong khối ASEAN với tổng kim ngạch hàng hóa lên đến 975 tỉ đô la vào năm 2022. Buôn bán hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Phi vùng hạ Sahara tăng từ chỉ 4% vào năm 2001 lên đến hơn 25% vào năm 2020.
Trung Quốc tăng cường quan hệ thương mại với Nga để tìm nguồn cung cấp năng lượng và các nguyên liệu thô khác nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Mỹ. Thương mại giữa hai nước tăng hơn một phần ba vào năm ngoái, lên mức kỷ lục 190 tỉ đô la. Để đối phó với lệnh cấm vận của Mỹ, Nga quay sang dùng nhân dân tệ thay vì đô la Mỹ làm đồng tiền thanh toán trong mua bán, càng củng cố mong muốn của Trung Quốc làm suy yếu tầm ảnh hưởng toàn cầu của đô la Mỹ.
Một xu hướng khác của Trung Quốc là giảm quy mô vươn ra nước ngoài, quay về củng cố thị trường nội địa. Số liệu cho thấy đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc giảm mạnh, từ mức 174 tỉ đô la vào năm 2017 xuống còn 42 tỉ đô la vào năm 2022. Trước đây hai ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc cho vay đến 498 tỉ đô la trong các dự án tài trợ tài chính tại 100 nước trong giai đoạn từ 2008 đến 2021, không thua kém gì các khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên các khoản vay này giảm dần từ năm 2018 và sụt xuống còn 10,5 tỉ đô la cho cả hai năm 2020 và 2021 cộng lại.
Các số liệu nói trên có thể phản ánh xu hướng Trung Quốc ưu tiên cho nền kinh tế nội địa, nhất là để giải quyết các khó khăn do khủng hoảng thị trường địa ốc gây ra, nhưng cũng có thể do đại dịch Covid-19 tác động lên các hoạt động kinh tế đối ngoại của nước này. Dù sao, theo nhận định của tờ Atlantic, Trung Quốc đang trải qua một sự chuyển hướng chiến lược quan trọng trong mối quan hệ kinh tế với thế giới.
Triết lý kinh tế hiện nay của Trung Quốc không còn là hội nhập với thế giới bên ngoài mà là củng cố thế trận trong nước, huy động nguồn lực cho các dự án quốc gia và cạnh tranh với Mỹ. Với chủ trương tự chủ, Trung Quốc muốn xóa bỏ các điểm yếu do phụ thuộc vào thế giới bên ngoài gây ra, chẳng hạn nước này sẽ xuất khẩu hàng công nghệ cao ra bên ngoài nhưng hạn chế nhập khẩu.
Giảm phụ thuộc vào phương Tây, xây dựng các mối quan hệ mới với các nước phương Nam cũng có những rủi ro nhất định. Mỹ, Nhật Bản và các nước phương Tây khác chiếm đến 60% sản lượng toàn cầu, trong khi các nước đang phát triển (không tính Trung Quốc) chỉ chiếm chưa đầy một phần tư. Điều đó có nghĩa thị trường tiêu dùng phương Nam dù sức mua đang tăng, cũng không tiêu thụ được bao nhiêu hàng hóa do Trung Quốc sản xuất so với thị trường tiêu dùng của phương Tây. Phương Nam cũng không có nền công nghệ cao như phương Tây để chuyển giao cho Trung Quốc.
Trung Quốc có thể duy trì tốc độ phát triển kinh tế như những năm trước với các mối quan hệ mới hay không là câu hỏi chưa có câu trả lời. Trước mắt, theo tờ Atlantic, thiệt hại cho một sự tách rời giữa Trung Quốc và phương Tây chia đều cho cả hai phía, khi doanh nghiệp hai bên đều bỏ mất các cơ hội làm ăn từng kéo dài trong mấy chục năm qua.