Chủ Nhật, 28/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc áp dụng mô hình giá điện ‘chi phí cộng lợi nhuận hợp lý’

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Từ tháng 6-2023, Trung Quốc đã chuyển sang mô hình định giá điện mới mà tất cả doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng như nhau, nhưng người dân và mảng nông nghiệp vẫn được hưởng trợ giá. Những thay đổi này nhằm mang lại mức giá công bằng và minh bạch hơn cũng như phân phối hiệu quả hơn trên toàn mạng lưới điện lớn nhất thế giới.

Năm 2002, Công ty Điện lực Trung Quốc được tái cấu trúc thành hai công ty lưới điện, năm công ty phát điện và bốn công ty thiết bị phụ trợ. Tuy vậy, State Grid vẫn là khổng lồ khi kiểm soát đến 80% năng lực truyền tải của toàn mạng lưới điện quốc gia. Ảnh: Caixin

Trong thông báo được đưa ra hồi tháng 5 vừa rồi, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) đã thiết lập nguyên tắc “chi phí cộng lợi nhuận hợp lý” để tính phí truyền tải và phân phối điện, tổng chi phí được phân tách thành từng mục riêng biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành điện được phép chuyển một số chi phí nhất định cho người dùng. Các thay đổi này sẽ giúp nhà khai thác tính toán chi phí chính xác hơn, duy trì biên lợi nhuận một cách hợp lý và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Chi phí hợp lý

Trung Quốc tái cấu trúc ngành điện lần đầu tiên năm 2002. Trước thời điểm này, ngành điện Trung Quốc hoàn toàn nằm trong sự quản lý vận hành và kinh doanh độc quyền của State Grid – công ty lưới điện thuộc sở hữu nhà nước.

State Grid vận hành một chuỗi kinh doanh hoàn chỉnh – từ phát điện, truyền tải đến phân phối và bán hàng. Để phá vỡ thế độc quyền và tạo ra sự cạnh tranh, Trung Quốc đã tách riêng việc sản xuất và truyền tải bằng cách tái cấu trúc State Grid thành hai công ty lưới điện, năm công ty sản xuất điện và bốn công ty kinh doanh phụ kiện ngành điện.

Trước năm 2015, các công ty điện thường tính phí truyền tải và phân phối chỉ đơn giản dựa trên sự chênh lệch giữa biểu giá điện lưới do chính phủ quy định – giá mà các công ty vận hành lưới điện phải trả cho các nhà phát điện – và giá bán điện cho người dùng cuối cũng do chính phủ quy định.

Trước đây, người dùng chỉ được thông báo tổng hóa đơn tiền điện cần phải thanh toán. Từ bây giờ, các khoản phụ phí được tách bạch từng cái một, bên cạnh phí truyền tải và phân phối điện. Lần đầu tiên, phí thủy điện tích năng được liệt kê riêng…

Mô hình do chính phủ kiểm soát khiến chi phí nhiên liệu tăng cao khó chuyển vào giá điện và không khuyến khích các nhà máy điện sản xuất trong bối cảnh chi phí ngày càng tăng. Đó là yếu tố chính gây ra tình trạng thiếu điện trên toàn quốc trong hai năm qua. Trong khi đó, các công ty lưới điện thuộc sở hữu nhà nước được hưởng lợi nhuận khổng lồ thông qua phí truyền tải và phân phối do chính phủ quy định.

Kể từ năm 2015, khi cải tổ cách tính phí truyền tải và phân phối điện, Trung Quốc mất tám năm giám sát và kiểm tra để tìm ra chi phí của các công ty truyền tải điện.

Trước đây, khách hàng được phân thành bốn nhóm: dân cư, nông nghiệp, thương mại và công nghiệp – trong đó nhóm khách hàng công nghiệp quy mô lớn có mức giá cao nhất. Nay chỉ còn ba nhóm: dân cư, nông nghiệp và công thương. Trong cơ chế giá mới, nhóm khách hàng nông nghiệp được tính mức phí thấp nhất và nhóm công thương giá cao nhất – tức không còn phân biệt doanh nghiệp sản xuất hay dịch vụ nữa.

Ngoài ra, phí truyền tải và phân phối điện hiện dựa trên cấp điện áp thay vì phân loại người dùng. Trước đây, các khoản phí này dựa trên cùng một tỷ lệ, bất kể mức điện áp. Mục tiêu của việc tính phí dựa trên điện áp là nhằm tạo ra cơ cấu giá điện hợp lý và công bằng hơn, đồng thời giúp các công ty lưới điện phân bổ tốt hơn nguồn lực truyền tải điện.

Theo hệ thống định giá theo bậc mới này, các doanh nghiệp cần điện áp càng cao thì mức phí truyền tải càng thấp. Cách tiếp cận này có thể phản ánh hợp lý hơn việc sử dụng mạng truyền tải và phân phối điện của người dùng với các nhu cầu điện áp khác nhau.

Zhang Lizi, giáo sư tại Đại học Điện lực Bắc Trung Quốc, cho biết sau khi điện được nhà máy điện truyền tải đi, điện hạ thế được truyền tải trên quãng đường dài để đến người dùng cuối. Hành trình này đòi hỏi nhiều cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối hơn, do đó chi phí cao hơn.

Tương tự như phí đường cao tốc, phí truyền tải và phân phối điện do ngành điện tính để đưa điện đến người dùng cuối. Các khoản phí này chiếm tỷ lệ đến 30% tổng hóa đơn và là một phần quan trọng trong lợi nhuận của ngành điện.

Tách bạch từng khoản phí

“Trước đây, người dùng chỉ được thông báo tổng hóa đơn tiền điện cần phải thanh toán. Từ bây giờ, các khoản phụ phí được tách bạch từng cái một, bên cạnh phí truyền tải và phân phối điện”, một giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn Power China thuộc sở hữu nhà nước nói với Caixin. China Power là nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng cho các dự án thủy điện, điện gió và điện mặt trời.

Lần đầu tiên, phí thủy điện tích năng được liệt kê riêng.

Lưu trữ năng lượng thủy điện bơm – thủy điện tích năng – được sử dụng bởi các hệ thống điện để cân bằng tải. Hoạt động tương tự như một cục pin khổng lồ, bộ lưu trữ năng lượng thủy điện được bơm có thể giữ năng lượng và giải phóng khi cần thiết. Bộ máy lưu trữ cho phép năng lượng từ các nguồn không liên tục như năng lượng mặt trời và gió được kết nối với lưới điện và được truyền đi một cách ổn định hơn.

Trong hai năm qua, Trung Quốc đã phê duyệt 400 tỉ nhân dân tệ (56 tỉ đô la Mỹ) cho các dự án tích trữ năng lượng thủy điện mới. Giám đốc điều hành Power China cho biết việc liệt kê riêng chi phí này với tổng phí truyền tải và phân phối sẽ giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc cân bằng tải trong hệ thống điện.

Ye Ze, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ ở tỉnh Hồ Nam và là thành viên của Ủy ban Kỹ thuật tiêu chuẩn hóa điều tiết điện quốc gia, cho biết các quy tắc mới khuyến khích khách hàng sử dụng các nguồn năng lượng hợp lý hơn và giảm thiểu yếu tố công ty điện lực lượng định mức tiêu thụ của họ quá cao.

Giờ đây, những người sử dụng điện lớn với hệ số tải cao – những người sử dụng hệ thống điện hiệu quả hơn – cũng sẽ được giảm giá trên hóa đơn tiền điện của họ.

Ví dụ: người dùng công nghiệp chạy máy 24 giờ một ngày và sử dụng điện ổn định hơn sẽ tốn ít chi phí bảo dưỡng lưới hơn, một chuyên gia ngành điện giải thích với Caixin. Để so sánh, những khách hàng chỉ thỉnh thoảng sử dụng đường dây truyền tải sẽ làm tăng chi phí cho lưới điện.

Không thể xóa “trợ cấp chéo”

Cải cách giá truyền tải và phân phối không ảnh hưởng nhiều đến người dùng dân cư và nông nghiệp – tệp khách hàng được hưởng giá thấp từ trước đến nay.

Hệ thống điện của Trung Quốc từ lâu phần lớn dựa cơ sở “trợ cấp chéo”: doanh thu từ người dùng công nghiệp và thương mại trợ cấp cho khách hàng dân cư, người dùng thành thị trợ cấp cho người dùng nông thôn và người dùng điện cao thế trợ cấp cho khách hàng điện áp thấp. Mô hình trợ giá chéo này đã thuận lợi cho việc thực hiện chính sách vĩ mô quốc gia và tiếp cận toàn diện dịch vụ điện, nhưng tình trạng bất bình đẳng cũng hình thành.

Trên mạng lưới truyền tải điện, người dùng dân dụng ở cuối lưới điện có điện áp thấp hơn và hầu hết đều sử dụng điện lúc cao điểm. Do đó, chi phí năng lượng của họ cao hơn nhiều so với người dùng công nghiệp và thương mại. Giáo sư Ye cho biết giá thành điện sinh hoạt trung bình ở Trung Quốc khoảng 0,9 nhân dân tệ mỗi kWh so với giá thành của khách hàng công thương là 0,4 nhân dân tệ mỗi kWh.

Giá bán điện ở Trung Quốc được quyết định bởi hai cơ quan trung ương – gồm NDRC và NEA (Cơ quan Quản lý năng lượng quốc gia) – và các cấp chính quyền địa phương. Bên cạnh đó là chính sách ưu đãi: giá điện ở Bắc Kinh và các thành phố lớn trực thuộc trung ương sẽ cao hơn các tỉnh, thành và các khu vực khác, và cứ theo cấp bậc mà giảm.

Theo số liệu của Statista, giá bán điện trung bình dành cho doanh nghiệp ở Trung Quốc là 9,3 xu Mỹ (0,65 nhân dân tệ) mỗi kWh vào tháng 9-2022, giảm 10% so với giá tháng 6-2022. Điện dân dụng rẻ hơn và ở mức trung bình 8,1 xu Mỹ (0,58 nhân dân tệ) mỗi kWh vào tháng 9-2022.

Trước đây, nhằm đảm bảo sinh kế của người dân và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Trung Quốc áp dụng chính sách giá điện thấp cho cư dân và mảng nông nghiệp, tệp khách công thương là những người trợ giá.

Tuy nhiên, cuối cùng phần doanh nghiệp đã chuyển chi phí tiền điện cao hơn cho người tiêu dùng, thể hiện qua giá sản phẩm và dịch vụ. “Khi bạn ra tiệm cắt tóc, số tiền bạn phải trả cho một lần cắt tóc thực sự bao gồm cả tiền điện cho mảng công thương”, ông Ye giải thích.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng cùng nguồn điện hạ thế cùng với tệp khách dân cư, nhưng trước đây họ là người trả phí cao nhất. Giờ đây, bằng cách loại bỏ danh mục người dùng công nghiệp quy mô lớn, tất cả người dùng công nghiệp và thương mại đều phải trả mức giá như nhau dựa trên mức điện áp của họ. Điều này giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm chi phí điện năng một cách hiệu quả.

Giáo sư Zhang tại Đại học Điện lực Bắc Trung Quốc cho rằng rất khó giải quyết vấn đề trợ cấp chéo. Bà đề xuất cải cách hệ thống điện theo cách tiệm cận và từ từ. “Cần nghiên cứu kỹ chính sách rồi cải cách chính sách giá điện sinh hoạt”, bà nhấn mạnh.

Nguồn: Caixin, Reuters, Statista, Rethink Research

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới