Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

IMF xây dựng nền tảng giao dịch tiền số của các ngân hàng trung ương

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết đang xây dựng một nền tảng hỗ trợ giao dịch đồng tiền số của các ngân hàng trung ương (CBDC) trên toàn cầu. Mục đích là để thúc đẩy hoạt động thanh toán toàn cầu theo cách an toàn và hiệu quả hơn.

 

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) muốn các nước thống nhất một khung pháp lý chung dành cho tất cả các đồng tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương. Ảnh: cryptopolitan

Thông tin trên được Giám đốc IMF Kristalina Georgieva tiết lộ tại một hội nghị bàn tròn chính sách cấp cao về tiền kỹ số của các ngân hàng trung ương diễn ra ở Rabat, Morocco hôm 19-6.

“Các CBDC không nên bị phân mảnh theo các kế hoạch riêng của mỗi nước. Để có các giao dịch hiệu quả hơn và công bằng hơn, chúng ta cần một hệ thống kết nối các nước, chúng ta cần khả năng tương tác. Vì vậy IMF đang nghiên cứu khái niệm về nền tảng CBDC toàn cầu”, bà Georgieva nói.

IMF muốn các ngân hàng trung ương nhất trí về một khung pháp lý chung cho các loại tiền kỹ thuật số để chúng có khả năng giao dịch với nhau trên toàn cầu.

Georgieva nhấn mạnh nếu không có sự thống nhất về một nền tảng chung như vậy, điều này sẽ tạo ra một khoảng trống mà các loại tiền ảo (như bitcoin) sẽ lấp vào.

CBDC là một loại tiền kỹ thuật số được kiểm soát bởi ngân hàng trung ương, trong khi các loại tiền ảo chủ yếu hoạt động theo cơ chế phi tập trung.

Georgieva cho biết đã có 114 ngân hàng trung ương đang ở một số giai đoạn thăm dò CBDC và khoảng 10 ngân hàng trung ương đã “vượt qua vạch đích” trong nỗ lực phát triển CBDC.

Bà nói thêm: “Nếu các nước phát triển CBDC chỉ để triển khai trong nước thì chúng ta không tận dụng hết các lợi ích của loại tiền kỹ thuật số này”.

Theo Georgieva, CBDC cũng có thể giúp thúc đẩy tài chính toàn diện và giúp chi phí chuyển tiền rẻ hơn.

Georgieva nhấn mạnh nên có tài sản để bảo chứng cho CBDC. Bà cho rằng các loại tiền ảo hiện nay như bitcoin, nếu có tài sản bảo chứng, sẽ là cơ hội tốt để đầu tư. Nhưng hiện tại, chúng là “khoản đầu tư mang tính đầu cơ” vì không có tài sản hỗ trợ.

Tại hội nghị Rabat, Tobias Adrian, giám đốc bộ phận tiền tệ và thị trường vốn của IMF, đã đề cập về những thách thức của hoạt động chuyển tiền xuyên biên giới hiện nay, gồm chi phí cao, xử lý chậm và tính minh bạch chưa cao. Adrian cho rằng giải pháp tiềm năng để giải quyết thách thức này liên quan đến việc thiết lập sổ cái đáng tin cậy để cung cấp một hệ thống điện tử an toàn, nơi các quyền sở hữu có thể được ghi lại.

Ông nói: “Tầm nhìn mà chúng tôi hướng đến là một sổ cái đáng tin cậy, về cơ bản là một tài liệu điện tử thể hiện quyền sở hữu mà trên đó các đồng tiền CBDC của các ngân hàng trung ương có thể được giao dịch”.

Sau đó, ông đề cấp đến ý tưởng về một nền tảng giao dịch CBDC có tên là “XC” dành cho các khoản thanh toán và hợp đồng xuyên biên giới, bao gồm ba lớp chính: thanh toán, lập trình các hợp đồng tài chính và quản lý thông tin.

Nền tảng này sẽ giúp thúc đẩy thanh toán tiền liền mạch trên nhiều loại tiền pháp định trên một hệ thống duy nhất.

Adrian nhận định nền tảng giao dịch CBDC toàn cầu cho phép cắt giảm chi phí thanh toán xuyên biên giới nhưng vẫn bảo đảm các nước vẫn có thể áp đặt việc kiểm soát vốn và kiểm tra tính tuân thủ pháp lý.

“Kế hoạch chi tiết của chúng tôi về nền tảng CBDC toàn cầu sẽ giúp tăng cường khả năng tương tác, tính hiệu quả và an toàn trong các khoản thanh toán xuyên biên giới, cũng như trên thị trường tài chính trong nước”, Adrian nói.

Adrian cho rằng nền tảng CBDC toàn cầu có thể lập trình các khoản thanh toán xuyên biên giới mà người nhận tiền không cần phải cung cấp thông tin cá nhân quí giá cho các bên trung gian.

Theo Adrian, các khoản thanh toán xuyên biên giới phức tạp hơn các khoản thanh toán được thực hiện trong một quốc gia. Chúng liên quan đến việc trao đổi giá trị giữa các bên ở các khu vực pháp lý khác nhau và tuân theo các luật khác nhau.

Ông dẫn ra ví dụ, khi một doanh nghiệp gốm sứ ở Morocco xuất khẩu chén dĩa sang Tây Ban Nha, doanh nghiệp này sẽ nhận được tiền trong tài khoản của mình thông qua một mạng lưới liên kết phức tạp giữa các ngân hàng, có thể đi qua Paris và New York. Nhưng tiền không thực sự đổi chủ, thay vào đó, mỗi ngân hàng cấp tín dụng cho ngân hàng tiếp theo trong mạng lưới. Do đó, doanh nghiệp ở Morocco có thể phải đối mặt với sự chậm trễ trong việc nhận tiền và sẽ phải trả phí cao, làm suy giảm lợi nhuận.

Đối với những người gửi kiều hối, chi phí chuyển tiền còn đắt đỏ hơn, trung bình khoảng 6,5%, tương đương 45 tỉ đô la mỗi năm.

Adrian cho rằng việc xây dựng một hệ thống thanh toàn cầu đúng đắn, chẳng hạn như nền tảng CBDC, sẽ giúp một phần trong số 45 tỉ đô la được trả cho các nhà cung cấp dịch vụ chuyển kiều hối hàng năm có thể quay trở lại túi của người nghèo.

Việc IMF phát triển nền tảng giao dịch CBDC toàn cầu có thể giúp giảm chi phí trong hoạt động chuyển tiền quốc tế. Nhưng điều này đòi hỏi nhiều quốc gia tham gia và hợp tác trên nền tảng này. Họ cần phải quyết các thách thức tiềm ẩn liên quan đến khung pháp lý, khả năng tương tác và cơ sở hạ tầng công nghệ.

Theo Reuters, IMF

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới