Tự truyện của Benjamin Franklin
Thu Hà
Sách do Alpha Books dịch sang tiếng Việt, dày 284 trang, giá bìa 64.000 đồng. |
(TBKTSG Online) - Được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ, cuốn tự truyện của Benjamin Franklin có nội dung bao trùm toàn bộ cuộc đời của ông, từ khi ông còn sinh sống tại London cho tới khi trở thành người đại diện cho Hội đồng lập pháp bang Pensylvania.
Benjamin Franklin sinh tại đường Milk, Boston vào ngày 6-1-1706. Cha của ông, Josiah Franklin, là một người thợ làm nến từng có hai đời vợ và Benjamin là con trai út trong gia đình gồm 17 người con.
Benjamin nghỉ học khi lên 10 tuổi và ở tuổi 12, ông theo học nghề in từ người anh, James, người sau này xuất bản tạp chí New England Courant. Benjamin từng đóng góp bài và có thời gian làm biên tập danh dự cho tạp chí này. Tuy nhiên, hai anh em nảy sinh bất đồng và Benjamin bỏ đi, chuyển đến New York, sau đó đến Philadelphia vào tháng 10-1723.
Tại đấy, ông nhanh chóng tìm được công việc ở một nhà in, nhưng sau đó vài tháng, ông bị Thống đốc Keith thuyết phục đến London. Tuy nhiên sau đó Benjamin nhận ra những lời hứa của Thống đốc chỉ là hão huyền. Benjamin quay lại với công việc nhân viên sắp chữ in cho đến khi được một thương gia tên Denman đề nghị một vị trí trong công việc kinh doanh của ông này và cả hai quay trở lại Philadelphia.
Sau khi Denman mất, Benjamin quay về nghề trước đây của mình và không lâu sau mở một xưởng in riêng, nơi ông xuất bản tạp chí The Pennsylvania Gazette, tạp chí mà ông đóng góp nhiều bài viết như một công cụ để khuấy động những phong trào cải cách địa phương.
Năm 1732, để nâng cao sự phong phú, ông bắt đầu xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Poor Richard’s Almanac” (tạm dịch: Niên lịch của Richard Nghèo Khổ) ghi chép lại những câu châm ngôn súc tích về cuộc sống mà ông sáng tác và sưu tầm. Cuốn sách đóng góp một nền tảng lớn vào danh tiếng của ông.
Năm 1758, Benjamin ngừng viết cuốn Niên lịch và cho ra đời “Father Abraham’s Sermon” (tạm dịch: Những bài giảng của cha Abraham), tác phẩm được xem là nổi tiếng nhất trong nền văn học thuộc địa Mỹ.
Cùng lúc đó, Franklin cũng ngày càng quan tâm đến các vấn đề công vụ. Ông vạch ra kế hoạch xây dựng một học viện, sau này được tiếp nối và phát triển thành Đại học Pennsylvania và ông cũng sáng lập ra tổ chức “Hiệp hội Khoa học Mỹ” với mục đích giúp các nhà khoa học có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và thảo luận những khám phá của mình. Bản thân ông cũng bắt đầu các thí nghiệm điện cùng một số nghiên cứu khoa học khác trong quãng thời gian hoạt động kinh doanh và chính trị cho đến cuối đời.
Vào năm 1748, khi đã có cuộc sống vật chất khá sung túc, ông bán nhà in để có thời gian dành cho việc học; vài năm sau, ông có một khám phá khiến tên tuổi được biết đến trên toàn châu Âu. Trong lĩnh vực chính trị, ông chứng tỏ mình có khả năng trong cả vai trò điều hành lẫn tranh luận, nhưng lý lịch chính trị của ông đã dính nhiều vết nhơ khi dùng quyền lực để nâng đỡ những người họ hàng của mình.
Thành tựu chính trị lớn nhất của ông chính là việc cải cách hệ thống bưu điện, nhưng tên tuổi của ông lại chủ yếu được nhắc đến với vai trò như một chính khách thông qua hoạt động ngoại giao giữa các thuộc địa với nước Anh và sau đó là nước Pháp.
Năm 1757, ông được cử sang Anh để phản đối ảnh hưởng của gia tộc Penn trong Chính phủ thuộc địa và ông đã ở lại Anh năm năm, cố gắng thuyết phục người dân và Chính phủ Anh chấp nhận các điều kiện đối với thuộc địa. Trong lần trở về Mỹ, sự kiện Paxton mà ông đóng vai trò danh dự sau đó đã làm ông mất ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, năm 1764, ông lại được cử đến Anh với tư cách một đại diện của Chính phủ thuộc địa để kiến nghị khôi phục Chính phủ từ tay các địa chủ tư sản. Tại London, ông tích cực phản đối Đạo luật Tem.
Tuy nhiên, ông đã mất rất nhiều lòng tin và sự tín nhiệm vì đã bảo vệ quyền lợi cho văn phòng đại diện một công ty sản xuất tem của người bạn mình tại Mỹ. Ngay cả những nỗ lực mang lại hiệu quả cao của ông nhằm bãi bỏ đạo luật trên cũng không giúp ông khỏi bị ngờ vực.
Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục những nỗ lực bảo vệ quyền lợi các quốc gia thuộc địa khi rắc rối ngày càng tăng do khủng hoảng từ Phong trào Cách Mạng.
Năm 1767, ông đến Pháp và được chào đón long trọng. Nhưng trước khi trở về quê hương vào năm 1775, ông mất chức Bộ trưởng Bộ Bưu điện vì dính líu đến việc tiết lộ cho bang Massachusetts lá thư nổi tiếng của Hutchinson và Oliver.
Trên đường trở về Philadelphia, ông được chọn làm thành viên Quốc hội Lục địa và vào năm 1777 ông được cử đến Pháp dưới vai trò đại sứ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ông ở lại Pháp tới năm 1785, như một nhân vật được cộng đồng Pháp yêu thích và thành công trong những sứ mạng đại diện cho đất nước mình.
Cuối cùng, ông trở về quê hương như một người hùng của nước Mỹ độc lập và nhận được vị trí cao chỉ sau Washington. Ông mất ngày 17-4-1790.
Năm chương đầu của cuốn “Tự truyện của Benjamin Frankalin” được viết ở Anh vào năm 1771, sau đó được tiếp tục vào năm 1784-1785 và viết tiếp vào năm 1788, ông giảm xuống chỉ còn những sự kiện diễn ra tới năm 1757.
Sau hàng loạt chuyến phiêu lưu phi thường, bản thảo đầu tiên cũng như cuối cùng được John Bigelow in ra và giờ đây được tái bản để ghi nhận giá trị của cuốn sách như một bức tranh về một trong những nhân vật đáng kính nhất thời thuộc địa và là một trong những cuốn tự truyện xuất sắc nhất thế giới.