(KTSG) - Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), mở ra một cột mốc mới cho ngành năng lượng xanh ở Việt Nam.
- Quy hoạch điện 8 mang đến cơ hội cho doanh nghiệp nào?
- Quảng Trị kiến nghị đưa nhiều dự án điện gió vào Quy hoạch điện VIII
Việc Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế, như xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Vì vậy, có thể nói, Quy hoạch điện VIII là tiền đề cho bước đột phá trong quá trình hướng tới nền kinh tế xanh của Việt Nam.
Năng lượng sạch là xu hướng toàn cầu và tất yếu ở Việt Nam
Quy hoạch điện VIII được xây dựng nhằm thực hiện ba mục tiêu tổng quát, bao gồm: (i) bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (ii) thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải và phát triển khoa học công nghệ của thế giới; và (iii) hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Trong đó, đối với mảng năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%; kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050; hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 cũng như xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn, hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Do đó, có thể thấy Quy hoạch điện VIII là nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu, đưa lượng phát thải ròng về mức bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 tại COP26 cũng như Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Hơn nữa, Quy hoạch điện VIII cũng cho thấy Việt Nam đang dần bắt kịp xu hướng sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo - một xu hướng toàn cầu và không thể bị đảo ngược.
Theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), trong giai đoạn từ năm 2000-2022, tỷ trọng năng lượng tái tạo trên công suất điện và trong sản xuất điện toàn cầu đã tăng gần gấp đôi, lần lượt từ 21,4% và 18,3% lên 40,2% và 29,8%. Kết quả này cho thấy các quốc gia trên thế giới đang ngày càng chú trọng hơn đến việc chuyển đổi hoạt động sản xuất và tiêu thụ năng lượng trong bối cảnh các vấn đề về biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu hay ô nhiễm môi trường đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Việt Nam sẽ đạt được những lợi ích gì từ Quy hoạch điện VIII
Trong những năm vừa qua, Việt Nam cũng từng bước dịch chuyển cơ cấu năng lượng của mình sang năng lượng tái tạo thông qua các chính sách, nghị quyết khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tỷ trọng năng lượng tái tạo đóng góp vào tổng sản lượng điện của quốc gia vẫn còn hạn chế.
Theo số liệu từ tổ chức Đánh giá thống kê năng lượng thế giới (Statistical Review of World Energy), tính đến năm 2021, hơn một nửa tổng số điện năng của Việt Nam được sản xuất từ nhiệt điện, bao gồm các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt (57%). Nguồn năng lượng tái tạo đến từ thủy điện chiếm 31% trong khi tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời, năng lượng gió hay nhiên liệu sinh học còn chiếm tỷ trọng khá thấp với khoảng 11,6%.
Vì vậy, việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII là một cú hích cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, góp phần giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể kịp thời ứng phó với những tác động từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) sẽ được áp dụng thí điểm vào tháng 10-2023 tới đây. Theo đó, EU sẽ đánh thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không có cơ chế định giá carbon. Cụ thể, trong giai đoạn 2023-2025, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu của họ mà không phải trả một khoản điều chỉnh phí nào. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1-1-2026, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải mua một chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn carbon dioxide tương đương có trong sản phẩm nhập khẩu vào EU. Việc vi phạm các quy định của cơ chế CBAM sẽ bị xử phạt tương tự như trong hệ thống ETS của EU. Vì vậy, giảm tỷ trọng nhiệt điện than và các loại nhiệt điện có phát thải carbon lớn là một giải pháp hiệu quả giúp đảm bảo tính cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc dịch chuyển cơ cấu năng lượng quốc gia sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo là một trong những yếu tố giúp thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các doanh nghiệp xem việc các thủ tục hành chính được cải thiện và các biện pháp thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là hai yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Vì vậy, thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII không chỉ giúp Việt Nam thu hút thêm dòng vốn FDI mới mà còn giúp giữ chân các doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam với việc cung cấp nguồn năng lượng tái tạo sạch và bảo vệ môi trường, phù hợp với các quy định quốc tế.
Việt Nam cần phải làm gì để thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII
Có thể thấy Quy hoạch điện VIII mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện tốt quy hoạch này lại là một bài toán nan giải do tổng hợp nhiều yếu tố từ yêu cầu nguồn vốn lớn, mức độ hao hụt khi truyền tải điện đi xa, hệ thống phụ tải, năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên nhiên... Do đó, để thực hiện tốt và hiệu quả Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần xem xét thực hiện các chính sách sau:
Thứ nhất, kế hoạch thực hiện quy hoạch phải tuân theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, thực hiện thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng, đảm bảo các phương án quy hoạch được triển khai thực hiện trong thực tiễn; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và quản lý phát triển điện lực.
Thứ hai, quy hoạch phải đảm bảo đồng bộ, kế thừa các mặt tích cực và hiệu quả của quy hoạch trước đây; tối ưu phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải để cung cấp điện cho phụ tải, giảm tối đa truyền tải liên vùng; tối ưu hóa các nguồn điện chạy nền cùng với các nguồn điện năng lượng tái tạo; khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng năng lượng sơ cấp của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế.
Thứ ba, Nhà nước cần tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền.
Thứ tư, do Quy hoạch điện VIII yêu cầu một nguồn vốn rất lớn ước tính vào năm 2050 lên tới 399,2-523,1 tỉ đô la. Do đó, để huy động được nguồn vốn này, cần có giải pháp về cơ chế tài chính cho phát triển ngành điện.
Thứ năm, Việt Nam cần đẩy nhanh việc điều chỉnh luật để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị ngành điện...
(*) HVNH
(**) CFA