Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Châu Á theo dõi các kế hoạch xả nước thải từ Fukushima

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Kế hoạch xả ra biển hơn một triệu mét khối nước đã qua xử lý từ khu vực xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima đang gây tranh cãi ở nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 4-7 tới đây, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi sẽ đưa ra báo cáo cuối cùng về độ an toàn của quy trình xả nước thải. Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) cũng ra báo cáo riêng về độ an toàn của nước thải đã xử lý.

Cả IAEA và JAEA đều sẵn sàng ủng hộ kế hoạch xả ra biển một lượng nước tương đương thể tích 500 bể bơi Olympic của Công ty Điện lực Tokyo (Tepco). Đây là bước cần thiết để tiến tới ngừng hoạt động hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau khi xảy ra thảm họa kép gồm động đất và sóng thần năm 2011 gây ra thảm họa nguyên tử tồi tệ nhất thế giới kể từ tai nạn Chernobyl.

Nhật Bản đã tham gia quá trình đánh giá lại trên toàn cầu về độ an toàn của các nhà máy hạt nhân. Trong các nỗ lực bảo đảm an toàn năng lượng, nhiều nước đã khôi phục lại các lò phản ứng hạt nhân, xây thêm nhà máy mới hoặc đầu tư công nghệ mới. Những nỗ lực để hoàn thành việc đóng cửa địa điểm Fukushima được coi là một yếu tố quan trọng để tạo niềm tin quốc tế vào các nhà máy hạt nhân của Nhật Bản.

Các kỹ sư của Tepco đang xem xét những bồn chứa nước phóng xạ ở nhà máy Fukushima Daiichi vào tháng 2-2021. Nhật Bản sẽ xả nước thải đã qua xử lý ra biển Thái Bình Dương sau kết luận của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong tuần này. Ảnh: AP

Châu Á - Thái Bình Dương phản đối mạnh mẽ

Sau thảm họa kép ở Fukushima, 55 nước và lãnh thổ ngay lập tức đã cấm nhập khẩu nông hải sản từ một số vùng của Nhật Bản. Theo Asia Pacific Journal, cho đến năm ngoái chỉ còn 13 quốc gia gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và một số nước Liên minh châu Âu (EU) còn duy trì lệnh cấm. Dự kiến ngày 6-7 tới, EU sẽ gỡ bỏ những hạn chế cuối cùng với nông hải sản Nhật Bản.

Hiện nay, Nhật Bản vẫn gặp sự chống đối mạnh mẽ của nhiều nước trong khu vực về kế hoạch xả nước thải.

Tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chỉ trích mạnh mẽ Nhật Bản khi nói rằng “đại dương không phải bể xả nước thải của riêng Nhật Bản”. Ông Uông cũng cảnh báo rằng việc xả thải mang lại nhiều rủi ro cho các nước láng giềng và các nước quần đảo ở Thái Bình Dương.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn gỡ bỏ các lệnh cấm đối với thực phẩm và hải sản Nhật Bản. Các thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch lan truyền trên mạng xã hội về mức độ an toàn của các sản phẩm. Hồng Kông đã đe dọa sẽ tái ban hành lệnh cấm hải sản Fukushima sau khi Nhật Bản xả nước thải.

Trong khi Seoul không công khai phản đối các kế hoạch của Tokyo, một cuộc khảo sát do báo Yomiuri của Nhật Bản và Hankook Ilbo của Hàn Quốc thực hiện vào tháng 5-2023 cho thấy, có 84% số người được hỏi phản đối việc xả nước của nhà máy Fukushima ra biển. Một cuộc thăm dò khác cho thấy gần 3/4 số người Hàn Quốc được hỏi không tin tưởng vào đoàn chuyên gia Hàn Quốc giám sát chương trình xả thải từ Fukushima.

Nhu cầu về muối ăn ở Hàn Quốc đã tăng vọt khi người tiêu dùng nước này bắt đầu tích trữ muối bởi lo ngại chất lượng muối biển Hàn Quốc bị ảnh hưởng trong tương lai. Ngành y tế và giáo dục Seoul cũng bắt đầu lấy mẫu tất cả các suất ăn để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các trường học tại Seoul trong gần hai tuần qua.

Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, một nhóm gồm 18 quốc gia bao gồm Fiji, Papua New Guinea và Úc, đã nêu ý kiến rằng Nhật Bản cần xem xét các giải pháp thay thế và kêu gọi thảo luận thêm về các rủi ro.

Nancy Snow, một nhà tư vấn an ninh danh tiếng ở Tokyo và là tác giả của một cuốn sách về chính sách ngoại giao công chúng của Nhật Bản nói rằng: “Nỗi sợ và sự không chắc chắn của người dân trong khu vực là có thật. Tuy việc xả lượng nước đã được xử lý một cách an toàn và rủi ro là rất nhỏ nhưng mối quan tâm của họ không thể được xem nhẹ hoặc bác bỏ”.

Tepco dự kiến có khoảng 1.000 bể chứa của tập đoàn sẽ đạt công suất tối đa từ tháng 2 đến tháng 6-2024 và hãng không thể kiếm chỗ cho các bồn chứa bổ sung. Hãng cũng lập luận rằng việc lưu trữ nước cũng có nguy cơ bị rò rỉ và tình hình càng nghiêm trọng khi Nhật Bản nằm trong vành đai dễ bị động đất.

Trong báo cáo sơ bộ vào tháng 4, IAEA cho biết Tepco đã giải quyết các vấn đề được đưa ra trong các lần đánh giá an toàn trước đó. IAEA ghi nhận “Các tiến bộ đáng kể trong việc cập nhật các kế hoạch Tepco”. Điều này báo hiệu rằng IAEA có thể phê duyệt kế hoạch xả nước thải từ Fukushima nhân chuyến thăm của Tổng giám đốc Grossi trong tuần này. Nhân dịp này, IAEA sẽ khai trương văn phòng của cơ quan này ngay tại Fukushima.

Tepco có kế hoạch pha trộn nước đã xử lý với nước biển để pha loãng nồng độ tritium xuống thấp hơn quy định của chính phủ Nhật Bản và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước khi thải lượng nước này ra đại dương trong vòng 40 năm qua một đường hầm dưới biển. Theo IAEA, tritium có chu kỳ bán rã phóng xạ hơn 12 năm.

Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa ấn định bất kỳ ngày cụ thể nào để bắt đầu xả nước dù kế hoạch này đã dời nhiều tháng. Phía Nhật nói tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán với cộng đồng địa phương, bao gồm cả ngành đánh bắt cá, để cố gắng giảm bớt những lo ngại của họ.

Trước đây, IAEA cho biết việc xả nước từ các nhà máy điện hạt nhân là một thông lệ tiêu chuẩn và hầu hết các hoạt động trên toàn cầu đều thải ra một lượng nhỏ tritium và các chất phóng xạ khác vào sông hồ và đại dương.

Người tiêu dùng Hàn Quốc đổ xô tích trữ muối biển sau khi có tin Nhật Bản sẽ xả nước thải từ Fukushima. Trong tháng 6-2023, giá muối đã tăng 32% so với cuối năm ngoái. Ảnh: Reuters

Kế hoạch tái thiết đầy tốn kém

Nhật Bản đã chi khoảng 1.000 tỉ yen (7,3 tỉ đô la) hàng năm cho thiệt hại do sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi xảy ra cách đây 12 năm. Đây vẫn chưa là con số cuối cùng. Theo Ủy ban Kiểm toán chính phủ, số tiền dành cho việc bồi thường cho nạn nhân, khử nhiễm xạ và ngừng hoạt động lò phản ứng đã tăng lên khoảng 12.000 tỉ yen cho đến tháng 3-2022. Trong tương lai, chi phí bổ sung được dự đoán sẽ tăng thêm hàng ngàn tỉ yen.

Một phần của số tiền khổng lồ trên được sử dụng để dọn dẹp nhà cửa, đường sá, hội trường và nghĩa trang để những người dân phải di dời có thể quay trở lại. Theo một cuộc khảo sát của Cơ quan Tái thiết Nhật Bản, tỷ lệ người nói sẽ quay trở lại hiện ở mức thấp. Đối với các thị trấn Futaba và Namie thuộc tỉnh Fukushima, chỉ 20% số người được hỏi nói rằng họ đã quay trở lại hoặc muốn quay lại; hơn 50% lượng người nói rằng họ sẽ không trở lại.

Ngay cả ở những khu vực đã dỡ bỏ lệnh sơ tán, vẫn có những nơi, tỷ lệ cư dân cũ quay trở lại chưa đến 10%.

Theo hướng dẫn được thiết lập vào năm 2011, Tepco sẽ phải trả khoảng 100.000 yen tiền bồi thường hàng tháng cho mỗi nạn nhân. Một ủy ban hòa giải thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ đã đánh giá lại các hướng dẫn bồi thường vào tháng 12 năm ngoái. Ủy ban có kế hoạch yêu cầu Tepco trả thêm khoảng 500 tỉ yen bồi thường thiệt hại bổ sung cho các nạn nhân.

Theo Bloomberg, Nikkei Asia, AP, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới