(KTSG Online) – Chiến lược “Trung Quốc + 1”, tức mở rộng sản xuất ra các địa điểm bên ngoài nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là nhận định của Orla Ryan, Phó trưởng ban biên tập viên tin tức châu Á của Financial Times trong bài viết đăng trên tờ nhật báo tài chính này hôm 3-7.
- Để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
- Gia nhập chuỗi cung ứng ngành điện tử: Lực đẩy chính sách và gia tăng năng lực cạnh tranh
Theo bài viết, khu công nghiệp Deep C Two ở gần cảng lớn nhất miền bắc Việt Nam, Hải Phòng, đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu thuê, khiến các chủ đầu tư là Rent-A-Port và Ackermans-Van Haaren (Bỉ) tính đến khả năng mở rộng diện tích.
Sự dịch chuyển sản xuất nhanh chóng sang các nước như Việt Nam là một phần của chiến lược “Trung Quốc + 1” nhằm định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu để tránh phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Khi căng thẳng công nghệ và an ninh gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, nhiều công ty đa quốc gia lo sợ sẽ bị hạn chế về những mặt hàng và nơi họ có thể sản xuất. Do đó, nhiều công ty, dù vẫn xem Trung Quốc trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới, quyết định mở rộng sang các nước khác.
“Dường như có một cuộc chuyển dịch sản xuất không thể ngăn cản của các công ty Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc từ Trung Quốc đại lục sang các nước khác. Các công ty nước ngoài ở Trung Quốc đang xem xét các bước đi tiếp theo. Họ nói rằng họ vẫn ở lại Trung Quốc để phục vụ thị trường Trung Quốc và để phục vụ khách hàng nước ngoài, họ tìm kiếm các địa điểm mới bên ngoài nước này”, Koen Soenens, Giám đốc tiếp thị và bán hàng của Deep C Industrial Zones, nói.
Nhưng xu hướng này cũng đi kèm với những rủi ro và sự không chắc chắn của việc chuyển nguồn lực sang các nước như Việt Nam, nơi cơ sở hạ tầng vật chất, bao gồm cả mạng lưới điện, đang chịu sức ép do nhu cầu quá lớn giữa lúc nền kinh tế đang đối mặt với những ‘cơn gió ngược’ từ nền kinh tế toàn cầu đầy biến động.
Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đã giúp hàng triệu người thoát nghèo trong 30 năm qua. Việt Nam cũng đã thiết lập được vai trò lớn trong chuỗi cung ứng công nghệ, với Apple đã đến đây để sản xuất hàng triệu tai nghe AirPods.
Nhưng một nhà ngoại giao châu Âu ở Việt Nam cho rằng Việt Nam cần phải tạo ra một khuôn khổ pháp lý minh bạch hơn và loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà. Nhà ngoại giao này cũng đặt câu hỏi liệu Việt Nam có cơ sở hạ tầng để phát triển hơn nữa hay không.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam, trong năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ở Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 22,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,5% so với năm trước đó. Trong khi vốn FDI giảm nhẹ trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vẫn mạnh mẽ. Việt Nam đã thu hút 962 dự án FDI mới trong 5 tháng đầu năm, tăng so với 578 dự án cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nhận thấy thị trường lao động Việt Nam đang thắt chặt. Koen Soenens cho biết Pegatron (Đài Loan), một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple, bắt đầu sản xuất thiết bị điện tử tại Hải Phòng vào năm 2021. Đến cuối năm sau, công ty này hy vọng số công nhân làm việc tại Deep C sẽ tăng lên con số 20.000 người.
“Làm sao Pegatron tìm được công nhân? Hầu hết công nhân là những người đến từ bên ngoài Hải Phòng nhờ công ty đầu tư các khu ký túc xá dành cho công nhân”, Soenens nói,
Cách đó khoảng 150 km là khu công nghiệp Thanh Oai, Hà Nội, nơi Công ty công nghệ y tế B. Braun (Đức) đang sử dụng khoảng 1.100 công nhân. Công ty đang xem xét xây dựng ký túc xá tại chỗ để phục vụ kế hoạch tăng gấp đôi đầu tư và lực lượng lao động trong vòng 5 năm tới.
Torben Minko, Giám đốc của B. Braun Việt Nam, cho biết ông nhận thấy thị trường lao động ở Việt Nam ngày càng căng thẳng . “Công ty nào cũng cần lao động có tay nghề cao. Vì vậy, thách thức lớn là nguồn nhân lực. Nếu xây dựng một nhà máy khổng lồ sử dụng 10.000 công nhân, bạn cần tuyển dụng lao động bên ngoài địa phương”, ông nói.
Một vấn đề nữa là các nhà sản xuất nước ngoài ở Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ với trung tâm sản xuất nằm xung quanh vùng đồng bằng sông Châu Giang ở Trung Quốc, cách Deep C Two khoảng 12 giờ vận chuyển bằng xe tải.
Brian Lee Shun Rong, nhà kinh tế của ngân hàng Maybank ở Singapore, cho rằng khoảng cách đó cho phép vận chuyển nguyên liệu nhanh chóng, nhưng lại khiến chuỗi cung ứng của Việt Nam dễ bị tổn thương hơn. “Điều gì xảy ra nếu xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc?”, ông nói.
Một giải pháp cho vấn đề này là để các nhà đầu tư lớn chủ động đóng vai trò cải thiện toàn bộ hệ sinh thái nhà cung cấp. Samsung, có sáu nhà máy tại và một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất. Kể từ năm 2015, Samsung đã làm việc với khoảng 400 công ty Việt Nam để giúp tập đoàn cải thiện chất lượng sản phẩm.
Một giải pháp khác là các công ty dịch chuyển theo nhóm. Đơn cử, nhà sản xuất linh kiện ô tô Pyeong Hwa Automotive (Hàn Quốc) chuyển đến khu vực Hải Phòng cùng với ba công ty liên quan khác vào năm 2019.
Dù còn những hoài nghi về khả năng cung ứng lao động, cơ sở hạ tầng hay các vấn đề khác ở Việt Nam, ít nhà đầu tư cho rằng chính sách “Trung Quốc + 1” sẽ sớm kết thúc.
“Cánh cổng ở Việt Nam đã mở ra và các nhà đầu tư nước ngoài đang bước vào. Xu hướng này sẽ chưa dừng lại”, Koen Soenens nói và cho biết Deep C đang xem xét các dự án khu công nghiệp ở các địa điểm khác tại Việt Nam.
Theo Financial Times