Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi trí tuệ nhân tạo giúp chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Từ năm 2019, các chuyên gia công nghệ của EU đã sử dụng cách tiếp cận có tên “gươm hai lưỡi”: Nếu như một công nghệ trí tuệ nhân tạo cụ thể có thể bị sử dụng để xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cũng thường tồn tại khả năng sử dụng chính công nghệ đó để bảo vệ hay nâng cao việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial intelligence) đang là tiêu điểm của thế giới công nghệ. AI không phải mới xuất hiện gần đây, mà là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài. Bắt đầu từ những năm 2000, khi máy tính đủ mạnh để xử lý những khối lượng dữ liệu khổng lồ, thì AI và các ứng dụng của nó là “đầu tàu” tạo ra một cuộc cách mạng sâu rộng trong xã hội loài người.

Chúng ta đang nói tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những sáng tạo và đột phá trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế và của xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải, y tế - sức khỏe, công nghệ sinh học, Internet vạn vật, robot... Theo một số dự đoán, vào năm 2023, có khoảng 29 tỉ thiết bị trên toàn thế giới sử dụng công nghệ AI, và đó mới chỉ là sự khởi đầu của cuộc cách mạng.

Gần đây, chúng ta cũng nghe nói nhiều tới “nguy cơ” mất kiểm soát AI. Một số chuyên gia AI hàng đầu cảnh báo về các nguy cơ AI đặt ra cho loài người trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại, những công nghệ như deepfake (tạo ra các sản phẩm giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video) đang làm đau đầu các nhà làm luật. Chính vì thế AI là chủ đề chính trong chương trình xây dựng luật ở nhiều quốc gia. Ngày 13-6-2023, Ủy ban châu Âu đưa ra dự thảo Luật về AI với dự tính thông qua vào cuối năm nay. Ở Mỹ, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer vừa đưa ra khung chương trình xây dựng luật quản lý AI, cũng như ở Anh sẽ là chương trình thảo luận rộng rãi trên toàn quốc vào mùa thu này về sự an toàn của AI.

Tuy nhiên, ít người biết rằng, AI còn là công cụ hữu ích tiếp tay cho các hoạt động xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) xếp vi phạm quyền SHTT như một trong 10 ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống lại tội phạm có tổ chức. Đặc biệt, việc lợi dụng AI để vi phạm quyền SHTT được coi là một trong những hành vi phạm tội trên mạng (cybercrime) thì không thể bị bỏ qua.

AI có thể bị sử dụng để tấn công mạng, lấy cắp tác phẩm hoặc thiết kế được bảo hộ bản quyền để sản xuất hàng giả, hàng nhái một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chính AI lại cũng cung cấp các biện pháp đối phó khác cho các cơ quan chức năng, giúp phát hiện hành vi phạm pháp nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Nhưng từ năm 2019, các chuyên gia công nghệ của EU đã sử dụng cách tiếp cận có tên “gươm hai lưỡi” để góp phần giải quyết vấn đề nói trên: nếu như một công nghệ AI cụ thể có thể bị sử dụng để xâm phạm quyền SHTT thì cũng thường tồn tại khả năng sử dụng chính công nghệ đó để bảo vệ hay nâng cao việc bảo vệ quyền SHTT.

Hình ảnh “gươm hai lưỡi” có hàm ý rằng có thể tồn tại những “lỗ hổng” trong việc sử dụng công nghệ, mà cả hai phía (bên vi phạm quyền SHTT và bên bảo vệ quyền SHTT) đều có thể tận dụng. Từ cách tiếp cận này, các chuyên gia cho rằng các ứng dụng AI có thể phát triển theo bốn bước như sau: 1) đánh giá liệu công nghệ có thể bị sử dụng để vi phạm quyền SHTT cũng như bảo vệ quyền SHTT; 2) phát triển công nghệ theo hướng đạt được mục đích đặt ra; 3) hoàn thiện công nghệ; 4) khai thác hoặc sử dụng công nghệ để vi phạm hoặc bảo vệ quyền SHTT.

Theo một báo cáo năm 2022 của Cơ quan về SHTT của Liên minh châu Âu (European Union Intellectual Property Office - EUIPO), AI có thể bị sử dụng để tấn công mạng, lấy cắp tác phẩm hoặc thiết kế được bảo hộ bản quyền để sản xuất hàng giả, hàng nhái một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chính AI lại cũng cung cấp các biện pháp đối phó khác cho các cơ quan chức năng, giúp phát hiện hành vi phạm pháp nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Cụ thể, AI có thể được sử dụng như “cảnh sát tuần tra mạng” phát hiện việc sử dụng trái phép những nội dung hay thiết kế được bảo hộ. Đồng thời, AI cũng giúp xác định các nguy cơ vi phạm quyền SHTT tiềm ẩn trước khi vi phạm xảy ra, nhờ vào khả năng dự đoán qua việc phân tích dữ liệu vi phạm đã có. Không những thế, AI cũng cho phép phát hiện ra “nhóm hành vi phạm tội”, thị trường tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, giúp cơ quan điều tra phát hiện và phân tích việc sử dụng bất hợp pháp logo hay hình ảnh khác.

Các công cụ nhận diện sử dụng công nghệ “deep learning” (học sâu - một nhánh của AI) có thể được sử dụng để nhận diện và phân biệt giữa hàng giả và hàng thật. AI cũng giúp các nhà điều tra phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn ngôn ngữ khác nhau để phát hiện nội dung vi phạm quyền SHTT ở bất kỳ ngôn ngữ nào.

Không chỉ thế, các cơ quan chức năng còn có thể sử dụng blockchain (công nghệ chuỗi khối) để bảo vệ thông tin trên các hệ thống đăng ký quyền SHTT. Cũng nhờ vào deep learning, khối lượng lớn hình ảnh có thể được phân tích trong thời gian ngắn để tìm ra sự tương đồng trong các thiết kế để phát hiện vi phạm đạo nhái. Cũng bằng cách này, AI giúp cơ quan đăng ký tìm ra dễ dàng hơn những đăng ký bảo hộ thiếu trung thực.

Về phía chủ sở hữu quyền SHTT, AI cũng có thể mang lại những biện pháp hiệu quả như gắn watermark (dấu hiệu mờ bảo hộ) vào hình ảnh hoặc nội dung truyền thông. Blockchain cũng có thể được sử dụng để tạo nhãn (labels), mã hay hình ảnh cho phép kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, AI còn cho phép xác định, phân tích và phân loại dữ liệu để có thể sử dụng trong tranh chấp trước tòa về quyền SHTT.

Đặc biệt, AI còn có thể là công cụ cho phép thẩm phán ra quyết định đúng đắn hơn. Xin bổ sung rằng vào đầu năm 2023, một thẩm phán người Colombia cho biết đã sử dụng chatbot ChatGPT của Công ty OpenAI để viết quyết định của tòa trong một tranh chấp liên quan tới chi phí y tế cho một trẻ bị bệnh tự kỷ. Vị thẩm phán này đã đặt câu hỏi cho ChatGPT về vụ tranh chấp “một đứa trẻ vị thành niên bị tự kỷ có được miễn phí cho các chương trình điều trị?” và câu trả lời từ AI này là “đúng thế, theo quy định ở Colombia, trẻ vị thành niên đã được chẩn đoán tự kỷ thì được miễn trả phí điều trị”. Theo ông, ChatGPT không khác gì một thư ký tòa án, có thể trả lời nhanh chóng và rút ngắn thời gian xét xử. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, hành động của thẩm phán Colombia không mấy được ủng hộ từ giới hành nghề pháp lý, vì nguy cơ trả lời “sai” của AI còn cao.

Ngoài ra, các chuyên gia cho dù một mặt công nhận khả năng sử dụng AI để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền SHTT thì mặt khác cũng cảnh báo rằng AI chỉ vận hành tốt khi được sử dụng dữ liệu tốt. Điều đó có nghĩa là khi dữ liệu không chính xác, đầy đủ hoặc không khách quan, thì cũng sẽ dẫn đến kết quả thiếu chính xác.

Tuy nhiên, một điều mà chúng ta có thể chắc chắn, đó là trong tương lai gần, lĩnh vực pháp lý sẽ là một trong lĩnh vực có nhiều thay đổi nhất, nhờ vào AI.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới