(KTSG Online) - Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang xem xét cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo để kìm hãm giá gạo đang tăng lên ở trong nước. Động thái này có thể đẩy giá gạo toàn cầu lên cao hơn nữa trong bối cảnh hiện tượng thời tiết El Niño quay trở lại Thái Bình Dương.
Hôm nay (13-7), Bloomberg dẫn lời các nguồn thạo tin cho hay, chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo không phải basmati. Kế hoạch này nhằm ứng phó với tình trạng giá gạo đang tăng cao ở trong nước và giới chức trách muốn tránh nguy cơ lạm phát trỗi dậy trước các cuộc bầu cử quan trọng.
Giá gạo bán lẻ ở thủ đô New Delhi tăng khoảng 15% trong năm nay còn giá gạo trung bình trên toàn quốc tăng 8%, theo dữ liệu từ Bộ Thực phẩm Ấn Độ.
Hồi đầu tuần này, báo Economic Times của Ấn Độ đưa tin, lượng mưa không đồng đều ở các khu vực trồng lúa gạo của đất nước đẩy giá lúa tăng 20% chỉ trong 10 ngày qua. Chi phí lương thực cao trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến tâm lý của cử tri Ấn Độ trước một số cuộc bầu cử cấp bang vào cuối năm nay và tổng tuyển cử quốc gia vào năm 2024.
Nếu được thực hiện, lệnh cấm nói trên sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Một động thái như vậy có thể giúp giảm giá gạo trong nước nhưng có nguy cơ đẩy giá gạo toàn cầu lên cao hơn nữa.
Gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới, với châu Á tiêu thụ khoảng 90% nguồn cung toàn cầu. Giá gạo tiêu chuẩn ở châu Á đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm khi các nước nhập khẩu tăng cường mua tích trữ do lo ngại sự quay trở lại của hiện tượng El Nino sẽ làm sản lượng lúa gạo ở các châu Á trong thời gian tới.
“Ấn Độ là nhà cung cấp gạo rẻ nhất. Khi giá Ấn Độ tăng lên nhờ chính phủ áp dụng giá hỗ trợ tối thiểu mới, các nhà cung cấp khác cũng bắt đầu tăng giá”, B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA) nói với Reuters.
Ấn Độ chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu và đã tìm cách thắt chặt xuất khẩu một số loại gạo. Năm ngoái, quốc gia Nam Á này cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng và gạo lứt sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến giá các mặt hàng lương thực như lúa mì và bắp tăng vọt. Nước này cũng đã hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.
Ấn Độ cung cấp gạo cho hơn 100 quốc gia. Trong đó, Benin, Trung Quốc, Senegal, Bờ Biển Ngà và Togo là những khách hàng lớn nhất.
Trong phiên giao dịch hôm 13-7, cổ phiếu của các nhà xay xát gạo Ấn Độ giảm khi có tin về lệnh cấm tiềm năng. Cổ phiếu của KRBL, công ty gạo lớn nhất của Ấn Độ, có lúc giảm tới 3,7%. Cổ phiếu của nhà xuất khẩu gạo khác Chaman Lal Setia Exports, Kohinoor Foods và LT Foods, lần lượt giảm 1,4%, 2,9% và 4,4%.
Các nước nhập khẩu lớn như Indonesia, Trung Quốc và Philippines đã ráo riết mua gạo dự trữ gạo trong năm nay. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, hiện tượng El Nino đã phát triển ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm, đe dọa gây hạn hán cho nhiều vùng trồng lúa gạo ở châu Á. Một lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nếu được thực hiện, sẽ làm căng thẳng thêm nguồn cung trên thị trường quốc.
Kế hoạch của Ấn Độ được đưa ra sau khi lạm phát giá tiêu dùng tăng nhanh vào tháng 6 chủ yếu do giá lương thực cao hơn. Hai ngân hàng Barclays Bank và Yes Bank đều đã tăng dự báo lạm phát của Ấn Độ.
Bloomberg Economics dự báo, lạm phát của Ấn Độ sẽ tăng trở lại sau đợt tăng giá cà chua mới nhất, một thành phần quan trọng trong ẩm thực Ấn Độ cũng như chính sách trợ giá của chính phủ đối với một số nông sản trồng trong mùa mưa.
Theo các nông dân và chuyên gia nông nghiệp, cà chua hiện đã không còn trong thực đơn của nhiều gia đình và nhà hàng trên cả nước sau khi giá tăng vọt hơn 400% do mất mùa sau những đợt nắng nóng gay gắt và mưa lớn.
Theo Bloomberg