Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tiền vào chứng khoán nhiều hơn kỳ vọng

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dòng tiền đã cải thiện đáng kể nhờ mặt bằng lãi suất giảm trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, để thị trường đi lên bền vững trong thời gian tới, yếu tố cần quan sát là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.

Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán đã cải thiện rõ rệt. Ảnh minh họa: LÊ VŨ

Dòng tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường

Thị trường chứng khoán tuần qua vẫn mạnh mẽ đi lên trong sự nghi ngờ. Chỉ số VN-Index nhiều lần giảm mạnh nhưng sau đó hồi phục nhanh chóng và kết thúc tuần vẫn đóng cửa tại mốc 1.168 điểm, tăng đến hơn 30 điểm, tương ứng với tăng 2,67% so với tuần trước.

“Thị trường đã có một tuần tăng điểm “mạnh hơn kỳ vọng trước đó”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty chứng khoán VNDirect, bình luận về tuần giao dịch với nhiều thông tin nổi bật đến cả từ thị trường quốc tế và trong nước.

Theo đại diện VNDirect, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khởi sắc với 5 phiên tăng điểm liên tiếp trong tuần qua nhờ số liệu lạm phát tích cực tại Mỹ và áp lực tỷ giá hạ nhiệt. Điều đáng chú ý là thanh khoản vẫn tiếp tục tăng mạnh, với giá trị giao dịch bình quân của ba sàn đạt 21.832 tỉ đồng, tăng 21,7% so với tuần trước.

Tuy nhiên, không chỉ có tuần thứ hai trong tháng 7 này mà diễn biến thị trường từ đầu năm năm đến nay đều được đánh giá là rất tích cực. Cụ thể, tính riêng tháng 6, chỉ số VN-Index tăng 4,2% so với tháng 5 và tăng 11,2% kể từ đầu năm. Mức tăng này ghi nhận sự vượt trội so với một số chỉ số chính trong khu vực Đông Nam Á và ngang bằng với chỉ số chung của các thị trường mới nổi.

Thanh khoản toàn thị trường cũng đã cải thiện rõ rệt. Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, giá trị giao dịch bình quân trên cả ba sàn liên tục gia tăng từ tháng 3, đạt 19.800 tỉ đồng bình quân mỗi phiên trong tháng 6.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành vật liệu, năng lượng và tài chính tăng tốt nhất trong sáu tháng đầu năm và cũng phục hồi mạnh nhất từ vùng đáy. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu của những ngành có các chính sách hỗ trợ riêng, có triển vọng tăng trưởng hay có kết quả kinh doanh ổn định cũng hòa nhịp với xu hướng hồi phục chung của thị trường.

Thị trường hồi phục đáng kể từ vùng đáy tháng 11-2022, bắt đầu tăng mạnh từ tháng 5-2023. Nguồn: SSI.

Theo báo cáo của Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, đà tăng của thị trường hiện nay phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất lần thứ 4 kể từ tháng Ba.

Hoạt động của các nhà đầu tư cá nhân trở lại sôi nổi, một phần có thể thấy từ số lượng tài khoản tăng thêm trong tháng 5 tăng gấp 4,6 lần so với tháng trước. Nhóm này cũng liên tục mua ròng từ giữa tháng 3, trở thành lực đỡ chính của thị trường với tổng giá trị mua ròng là 9.500 tỉ đồng khớp lệnh trong quí 2-2023, theo thống kê SSI.

Chính sách tiền tệ đảo chiều được các chuyên gia đánh giá là nguyên nhân chủ yếu giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngoài chuyện lãi suất, thị trường còn nhận được sự ủng hộ từ hàng loạt các chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn trong nền kinh tế, được ban hành kể từ tháng 3. Trong số đó, đáng kể là những chính sách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, xử lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay thúc đẩy tiến độ vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào chu kỳ chuyển động tích cực hơn chủ yếu do động lực phục hồi từ vùng đáy, được dẫn dắt bởi một loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ”, báo cáo chiến lược tháng 7 của Công ty chứng khoán SSI nhận định.

Tiếp tục đà lạc quan?

Bức tranh vĩ mô của Việt Nam hiện chịu nhiều áp lực từ cả bên trong và bên ngoài. Tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu trong nước yếu đem lại thách thức lớn cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Trong khi đó, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tạo ra như thế nào mới là nền tảng tăng trưởng bền vững cho giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, với các diễn biến gần đây từ thị trường quốc tế cùng nhiều chính sách thúc đẩy phục hồi, các chuyên gia đã bình luận lạc quan hơn về sự phục hồi của kinh tế trong cuối năm nay và năm 2024.

Trong bối cảnh thanh khoản được cải thiện đáng kể, chứng khoán cũng sẽ được củng cố xu hướng tăng khi lợi nhuận các doanh nghiệp hồi phục. Viễn cảnh này trái ngược với diễn biến nửa đầu năm 2023, khi lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết gây thất vọng nhưng được hỗ trợ bởi xu hướng giảm lãi suất.

Từ đó, có thể thấy rằng, lợi nhuận doanh nghiệp hiện đang là yếu tố quan trọng khi đánh giá tiềm năng vào cuối năm. “Chúng tôi cho rằng đây là yếu tố đáng kể nâng đỡ thị trường tiếp tục xu hướng tích cực hiện tại”, nhóm phân tích của SSI đánh giá.

Theo MSVN, việc hạ lãi suất sẽ hỗ trợ tâm lý thị trường trong quí 3-2023, nhưng sự phục hồi mạnh mẽ về thu nhập sẽ duy trì đà tăng trưởng của thị trường trong trong quí 4-2023. Nguồn: FiinPro, Maybank IBG Research.

Theo SSI, trong hai quí, gồm quí 4 năm ngoái và quí 1 năm nay, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận theo quí ở mức âm liên tiếp nhưng kỳ vọng sẽ giảm chậm hơn nữa trong quí 2 và thời gian tới, khi nhiều doanh nghiệp lớn đầu ngành bắt đầu có sự cải thiện lợi nhuận và không còn phải so sánh với mức “đỉnh” vào nửa đầu năm 2022.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến Triển vọng Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2023 mới đây, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư, Nhà điều hành quỹ VEOF, VIBF, Công ty quản lý quỹ VinaCapital, cũng lạc quan về tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.

Theo ông, trong năm nay tăng trưởng sẽ thấp nhưng đến năm 2024, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ đạt mức trung bình trên 20%, cao hơn hẳn so với các thị trường khác trong khu vực ASEAN.

“Đây sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho thị trường chứng khoán trong năm 2024”, ông Minh nhấn mạnh.

Cơ hội cho thị trường cũng được đánh giá khả quan khi nhìn ở góc độ dòng tiền. Ngoài dòng tiền cá nhân chảy mạnh trong quí 2 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm đáng kể, các chuyên gia cũng kỳ vọng một phần tiền gửi tiết kiệm lãi suất thấp sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở kênh sinh lời cao hơn, trong đó có thị trường cổ phiếu.

Thống kê của VinaCapital cho biết, từ tháng 10 năm ngoái đến tháng Tư năm nay, tiền gửi cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã tăng khoảng 700.000 tỉ đồng. “Không kỳ vọng là toàn bộ con số sẽ được rút ra nhưng chỉ cần một phần đổ vào thị trường chứng khoán đã là yếu tố tích cực cho thị trường”, ông Minh nói.

Từ phía ngược lại, nhắc đến rủi ro của thị trường, ông Minh cũng lưu ý về hai vấn đề. Một là khả năng suy thoái kinh tế thế giới (nhưng điểm may mắn là các dự báo hiện tại thiên về khả năng “hạ cánh mềm”), hai là mức độ đầu cơ trên thị trường khá cao.

Theo VinaCapital, thống kê 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường (lọc từ bộ chỉ số vốn hóa lớn, vừa và nhỏ) trong 6 tháng đầu năm, cho thấy chỉ số P/E trung bình 10 cổ phiếu này đang là 80 lần, đắt gần gấp 6 lần trung bình của thị trường.

Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Maybank IB (MSVN), trong ngắn hạn, thị trường có thể có biến động do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư cá nhân dựa trên phân tích kỹ thuật và những nghi ngờ chung về triển vọng phục hồi kinh tế và lợi nhuận. Tuy nhiên, thị trường sẽ tiếp tục có xu hướng tăng cao hơn vào cuối năm nhờ thanh khoản vẫn mạnh và triển vọng tăng trưởng rõ ràng hơn.

Hiện tại, đa phần các chuyên gia cũng như chuyên viên môi giới đều khuyến nghị khách hàng thận trọng khi chỉ số VN-Index đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.180-1.200 điểm. Theo ông Hinh, VNDirect, tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán có thể duy trì trong tuần tới nhưng nhà đầu tư nên tránh tâm lý “FOMO” ở những cổ phiếu đã tăng nóng.

“Thị trường trong xu hướng tăng nhưng dòng tiền vẫn sẽ có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, vẫn sẽ có những cổ phiếu đã điều chỉnh xong, tích lũy trở lại và cho điểm mua tốt”, ông Hinh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới