(KTSG Online) – Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đến chiều ngày 16-7, vị trí tâm bão số 1, tên quốc tế là Talim đang mạnh dần lên trong 24 giờ tới, giật cấp 13. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã gửi công điện đến các các tỉnh ven biển Bắc bộ chỉ đạo chủ động ứng phó cơn bão được cho là mạnh nhất trong nhiều năm gần đây.
- Thời tiết xấu do bão số 1, nhiều sân bay bị ảnh hưởng
- Bắc bộ có nguy cơ ngập ở đô thị do ảnh hưởng bão số 1
TTXVN đưa tin, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cập nhật đến chiều ngày 16-7, vị trí tâm bão số 1 ở khoảng 19,2 độ vĩ bắc; 115,3 độ kinh đông, cách bán đảo Lôi Châu, Trung Quốc khoảng 560km về phía đông đông nam; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 13.
Trong 24 giờ tới, bão số 1 di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15 km/h; có khả năng mạnh thêm; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới từ 17,0-22,0 độ vĩ bắc; 109,5-118,0 độ kinh đông, dự báo đến chiều ngày 19-7, vị trí tâm bão sẽ trên khu vực vùng núi Bắc bộ.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã gửi công điện đến các địa phương yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động ứng phó khi bão đổ bộ, bởi Talim được dự báo là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm gần đây đối với các tỉnh phía Bắc.
Tại Hải Phòng, UBND tỉnh đã chỉ đạo quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm và thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão để ngư dân, các phương tiện du lịch, vận tải trên biển chủ động phòng tránh, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai phương án phòng chống bão, bảo vệ trọng điểm đê điều, công trình xung yếu và thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Căn cứ diễn biến của bão để chủ động xác định thời điểm ra thông báo cấm biển, tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển.
Tại Quảng Ninh, đã thông báo cho 100% phương tiện hoạt động ven bờ, các hộ ngư dân, nuôi trồng thủy sản khẩn trương neo đậu, không ra khơi, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản và tổ chức đưa người từ các khu nuôi lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già và trẻ nhỏ), hoàn thành công việc trước 16h ngày 17-7.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các cảng vụ nội địa, các huyện đảo rà soát lại số lượng tàu du lịch và khách du lịch tuyến biển, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải thủy có phương án di chuyển phù hợp, bố trí đủ phương tiện để phục vụ việc đưa khách có nhu cầu về đất liền; sẵn sàng cấm biển khi có yêu cầu.
Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản, Tổng công ty Đông Bắc có trách nhiệm rà soát, triển khai các phương án ứng phó mưa lớn đối với các khu vực khai thác hầm lò, khai trường, bãi thải, các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở.
Cũng theo TTXVN, các tỉnh Nam Định và Thái Bình cũng có công điện chỉ đạo theo dõi diễn biến của bão, kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ các phương tiện di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu tránh trú.
Đặc biệt, chủ động rà soát để sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ cao ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công.